Hàng tiêu dùng tăng giá, tiệm tạp hóa sợ khách bỏ chạy

Từ tháng 4.2022, nhiều hàng hóa tiêu dùng vào đợt tăng giá mới. Các tiệm tạp hóa lo ngại khó tiêu thụ khi người dân thắt chặt chi tiêu.
Giá nhập hàng tăng mạnh đã khiến các chủ tiệm tạp hóa tiêu thụ khó khăn hơn trước vì người mua thắt chặt chi tiêu - Đinh Đang
Chị Lê Xuân Nhã , chủ tiệm tạp hóa tại TP. Vũng Tàu, kể: Mình mới nhập hàng hôm nay, chưa đến dịp lễ 30.4 mà giá cao quá. Mì Hảo Hảo từ 90.000 đồng/thùng tăng lên 97.000 đồng/thùng, nước tương, nước mắm, hầu hết các loại hàng hóa nhất là thực phẩm đều tăng 1.000-2.000 đồng. Khách bây giờ họ rất tỉ mỉ xem giá, cứ thấy giá tăng là bảo mắc không mua. Mì gói mình bán lẻ 5.000 đồng/gói mà còn bị chê mắc.

Tương tự, chị L.H.K, chủ tiệm tạp hóa tại Q.Gò Vấp, (TP.HCM) chia sẻ: Vật giá ngày càng tăng mà người tiêu dùng thì bóp bụng chi tiêu nên họ rất dè sẻn. Khổ nhất là những người bán tạp hóa như mình. Giá nhập hàng tăng lên thì mình cũng phải tăng, nhưng khách thì chê mắc không mua. Mì gói mình còn hàng cũ giá 97.000 đồng/thùng cũng bị chê mắc, Sữa Ensure lốc 6 chai bán 200.000 đồng cũng bị chê mắc. Thun cột bịch 30.000 đồng/ nửa ký cũng bị chê mắc. Riết rồi không dám nhập gì về bán luôn. Mỗi món mình chỉ lời 1.000 đồng, có món lời 500 đồng thôi cũng bán. Nhưng khách thì rất kén chọn. Khu vực của mình rất đông tiệm tạp hóa, mà ai cũng giảm giá hết mức để giữ khách, chấp nhận bán bằng giá nhập hàng luôn.

Anh Lê Văn Chúc - chủ tiệm tạp hóa tại Long An cũng cho biết: Giá bia tăng Tiger tăng từ 330.000 đồng/thùng lên 365.000 đồng/thùng, nhập riết nản luôn mà giá cứ tăng hoài. Bán lẻ lon lạnh tốn tiền điện mà chỉ dám bán 16.000 đồng/lon, muốn tăng thêm 1.000 đồng cũng khó vì khách chê mắc không mua. Tính ra chỉ 1 thùng bia chỉ lời được 20.000 đồng chưa tính tiền điện.

Chị Minh Hiền, chủ tiệm tạp hóa tại Đà Nẵng than thở: Giá nhập hàng gần đây đều tăng mạnh, nhất là các loại bia, nước ngọt, mì gói...đều cao hơn trước từ 10.000-15.000 đồng. Trong khi đó người mua lại không còn hào phóng như trước. Họ đi xem nhiều nơi, chỗ nào giá thấp nhất mới mua. Nhưng họ đâu có biết bây giờ mà còn hàng giá thấp toàn là hàng cận date (gần hết hạn sử dụng). Còn từ tháng 4 là nhiều mặt hàng đã tăng giá.

Tình hình cắt giảm chi tiêu cũng diễn ra phổ biến ở các chợ tại TP.HCM. Theo ghi nhận, nhiều tiểu thương tại các chợ Bình Thới (Q.11), chợ Gò Vấp, chợ Thái Bình (Q.1), cho biết khách mua hàng khá vắng vẻ, khi đi chợ cũng giảm hẳn chi tiêu và ít quầy sạp rơi vào cảnh ế ẩm.

Đinh Đang
0 Nhận xét