Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vẫn xa tít do chính sách!

(TBKTSG) - Đối với hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng có ba tiêu chí quan trọng để đánh giá là giá cả, chất lượng, và dịch vụ khách hàng. Nhưng hiện nay, người tiêu dùng điện sinh hoạt ở Việt Nam chỉ có một nhà cung cấp nên không biết dựa vào đâu để mà so sánh.
Người tiêu dùng đang nuôi hy vọng sẽ có một thị trường điện năng động như viễn thông. Ảnh: THÀNH HOA
Với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, người tiêu dùng đang nuôi hy vọng sẽ có một thị trường điện năng động như viễn thông.

Theo dự thảo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ bắt đầu từ năm 2021, ưu tiên dành cho khách hàng lớn trước (cấp điện áp 110 kV). Còn đối với việc phát triển mở rộng (nhưng có điều kiện), chủ yếu là thị trường bán lẻ cho sinh hoạt, thì phải sau năm 2025.

Còn lại một phần ba chặng đường nhưng vẫn... xa tít

Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện tại Việt Nam sẽ được thực hiện theo ba cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh, và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Hiện nay, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã bắt đầu được gần hai năm và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đang ở giai đoạn chuẩn bị, dự kiến bắt đầu từ năm sau.

Như vậy, nhìn vào tổng thể thì hai phần ba bước đã thực hiện được. Nhưng ở bước còn lại - thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, với kế hoạch chia thành bốn giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị (2020-2021), giai đoạn khách hàng lớn tham gia mua điện từ thị trường bán buôn (2021-2023), giai đoạn khách hàng lớn lựa chọn đơn vị bán lẻ điện (2023-2025), phát triển mở rộng thị trường bán lẻ điện (sau năm 2025), trong đó ưu tiên cho khách hàng lớn, thì rõ ràng không biết khi nào mới đến lượt nhóm khách hàng hộ gia đình, cơ sở kinh doanh.

Theo cách phân nhóm khách hàng của ngành điện, thì hiện nay có bốn nhóm là sản xuất, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt, và kinh doanh. Trong đó nhóm khách hàng dùng điện cho sản xuất chiếm tỷ trọng nhiều nhất, khoảng 60%, với mức giá bình quân thấp nhất. Nhóm khách hàng dùng điện cho mục đích sinh hoạt (các hộ gia đình) chỉ chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu tiêu thụ điện.

Nhưng cũng như ở nhiều quốc gia khác, mặc dù sản lượng tiêu thụ của nhóm sinh hoạt ít hơn nhóm sản xuất, số lượng điểm tiêu thụ của nhóm này lại gấp nhiều lần nhóm kia. Chẳng hạn như ở Pháp, lượng điện tiêu thụ sinh hoạt chiếm 35% nhưng chiếm đến 86,6% số điểm tiêu thụ, do đó việc triển khai công-tơ điện thế hệ mới cũng mất nhiều thời gian và nguồn lực hơn.

Tăng lựa chọn cho người tiêu dùng

Thị trường điện, đứng về phía cung thì sẽ bao gồm ba thành tố chính là phát điện, truyền tải, và phân phối. Trong số này, ngoại trừ truyền tải vì những tính chất đặc thù không thể có cạnh tranh do độc quyền tự nhiên thì hai thành tố còn lại đã được chứng minh là có hiệu quả hơn khi có cạnh tranh.

Cái thiếu ở thị trường bán lẻ điện tại Việt Nam hiện nay là sự lựa chọn nhà phân phối của các hộ gia đình. Nếu như theo đề xuất của Cục Điều tiết điện lực - ưu tiên thực hiện trước với các khách hàng lớn là các đơn vị sản xuất, còn đối với điện sinh hoạt phải chờ tới sau năm 2025 thì không biết là đến bao giờ?

Bởi vì khi thành lập được hệ thống các công ty phân phối điện cạnh tranh, nguyên tắc thị trường sẽ buộc các công ty này cạnh tranh với nhau về giá cả, chất lượng, dịch vụ khách hàng, và khi đó người tiêu dùng cuối cùng sẽ có lợi.

Chẳng hạn như về giá điện, khi có cạnh tranh, các công ty sẽ phải minh bạch cấu phần của giá điện. Cụ thể trong giá của 1 kWh, bao nhiêu phần trăm là giá sản xuất, bao nhiêu phần trăm là phí truyền tải (đấu thầu để sử dụng hạ tầng của Nhà nước), bao nhiêu phần trăm là thuế và phí.

Khi có nhiều nhà cung cấp, cạnh tranh sẽ cho phép người tiêu dùng dễ dàng thay thế nhà cung cấp. Ở Pháp, hiện có 30 công ty phân phối điện sinh hoạt trong tổng số 43 công ty phân phối điện cả nước sau khi nước này mở cửa thị trường điện từ 1-7-2007. Người tiêu dùng có thể so sánh, lựa chọn theo nhu cầu của mình và dễ dàng thay đổi với các thao tác chỉ mất vài phút trên Internet hay qua điện thoại.

Người tiêu dùng cân nhắc giữa giá, chất lượng (sự ổn định), và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Ngay cả trong giá điện, còn phải cân nhắc giữa giá cố định trong khoảng 1-4 năm hay giá thị trường. Vì bên trong giá, có sự khác biệt giữa các công ty về giá cố định (thuê bao hàng tháng), và giá biến đổi theo lượng tiêu thụ.

Để phục vụ khách hàng tốt hơn, các công ty phân phối đều triển khai hệ thống đo lượng điện tiêu thụ tiên tiến (Advanced Metering Infrastructure - AMI) để khách hàng không phải bận tâm về sự chính xác của công tơ. Ngoài ra, các công ty phân phối điện đều cung cấp thêm lựa chọn trải đều chi phí điện trong năm qua các tháng, nghĩa là hàng tháng số tiền điện như nhau, cuối năm thiếu thừa sẽ tính lại để khách hàng quản lý tốt hơn chi tiêu của mình dựa trên lịch sử tiêu thụ trước đó. Các công ty cũng thường xuyên cung cấp các tư vấn để tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả, có các mô phỏng so sánh với một hộ tiêu dùng điện tương đương về số nhân khẩu, diện tích nhà để khách hàng biết được mình có đang lãng phí điện hay không.

Như vậy, lộ trình để người tiêu dùng điện sinh hoạt ở Việt Nam có được nhiều sự lựa chọn hơn đã có nhưng nếu đúng theo kế hoạch thì chắc còn rất lâu, mà chưa chắc kế hoạch được thực hiện đúng. Việt Nam cũng có lợi thế về điện mặt trời, nếu Chính phủ có thêm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tái tạo như nhiều nước, thì các gia đình nên cân nhắc đến việc lắp tấm năng lượng mặt trời cho mình.

Khánh Bình
0 Nhận xét