Khi thế chân vạc lung lay, Thế Giới Di Động vượt bão Covid-19 ra sao?

(TBKTSG Online) - Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) vận hành “đế chế” bán lẻ dựa trên sự nhịp nhàng của 3 chuỗi Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động và Bách Hóa Xanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiêu cực của dịch bệnh, ông lớn ngành bán lẻ này gần như dồn mọi nguồn lực vào Bách Hóa Xanh dùng làm “trụ đỡ”. Khi thế chân vạc bị lung lay, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến lãnh đạo doanh nghiệp đưa khó ra kịch bản kinh doanh chính xác trong thời gian tới.
Chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động đang sụt giảm doanh số trong mùa dịch Covid-19. Ảnh minh họa: MWG
Đội ngũ lãnh đạo của MWG vừa có buổi họp trực tuyến chia sẻ quan điểm, kế hoạch đầu tư tương lai để ứng phó với đại dịch Covid-19. Ý kiến của nhiều nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu nhập người dân sụt giảm, điều này cũng làm cho chi tiêu trong tương lai được dự báo đi xuống. Tăng trưởng doanh thu của Bách Hóa Xanh là động lực chính giúp MWG thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm khi doanh thu hai chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) sụt giảm.


Chuỗi TGDĐ và ĐMX đã thu hẹp

Doanh thu tháng 3 của TGDĐ đạt hơn 8.500 tỉ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự đóng góp tích cực (1.900 tỉ đồng, theo chia sẻ của Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh) của chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX).

Doanh thu online có xu hướng tăng, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu tháng 3. Trong đó, tỷ trọng doanh thu online của TGDĐ và ĐMX so với tổng doanh thu hai chuỗi này vào khoảng 13%, tương tự giai đoạn cuối 2019.

Tổng số cửa hàng TGDĐ và ĐMX đã đóng cửa đến cuối tháng 3-2020 là khoảng 10% số cửa hàng, tương đương 10% doanh thu trong điều kiện bình thường. Phần lớn các cửa hàng đã đóng cửa là tại Hà Nội (vẫn giao hàng online). Giám đốc Điều hành chuỗi TGDĐ và ĐMX - ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết doanh thu của 2 chuỗi này giảm trong tháng 3 vừa qua.

Theo MWG, tổng cầu tiêu dùng điện thoại và điện máy năm 2020 sẽ giảm do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của người dân và các sự kiện thể thao bị dời sang năm 2021. Bản thân các của hàng bán điện thoại và điện máy hiện được cho biết đang duy trì kiểm soát hàng tồn kho ở mức độ hợp lý để tránh việc đóng cửa hàng lâu dẫn đến lỗi mốt, ngoài ra còn được sự hỗ trợ từ phía nhà cung cấp trong việc bán hàng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo cho rằng vấn đề không nằm ở nguồn cung mà do sức cầu. Do đó, điện thoại thông minh - hàng hóa không thiết yếu sẽ không được ưu tiên mua sắm trong giai đoạn này.

Theo các nhà phân tích VDSC, tăng trưởng doanh số cửa hàng hiện hữu tại chuỗi TGDĐ và DMX sẽ chịu tác động tiêu cực trong quí 2-2020 và cho đến khi Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát, đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM. Đây cũng là hai thị trường lớn nhất, chiếm hơn 20% số lượng cửa hàng của MWG.

Ngoài ra, bán chéo - yếu tố được đánh giá sẽ giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho các chuỗi TGDĐ và DMX cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh làm giảm lưu lượng khách đến các cửa hàng. Với tình hình hiện nay, VDSC nhận định biên lợi nhuận của hai chuỗi này sẽ không thay đổi đáng kể trong năm nay hoặc thậm chí có thể giảm nếu cao điểm dịch bệnh kéo dài.

Trong buổi họp trực tuyến với nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ cho biết các sản phẩm điện máy, điện thoại vẫn có đặc tính nhu cầu thiết yếu của nó, nhu cầu thay thế dường như không thấy thay đổi nhiều, trong khi nhu cầu về các mặt hàng xa xỉ sẽ giảm sút.

TGDĐ và ĐMX đang chuẩn bị nguồn lực cần thiết để có thể đẩy mạnh mở bán trở lại sau khi kiểm soát trở lại. Các tính toán dự kiến thực hiện vào tháng 7. Trong năm nay, hai chuỗi cửa hàng này cũng có kế hoạch mở mới thêm khoảng 100 điểm bán hàng, tuy vậy Covid-19 đã làm cho việc triển khai bị chậm lại.

'Trụ đỡ' dồn về Bách Hóa Xanh

Trong quãng thời gian cao điểm dịch trên cả nước, điểm sáng của Thế giới Di động đến từ chuỗi Bách Hóa Xanh do đặc thù phục vụ những sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Theo ông Trần Kinh Doanh, doanh thu và lưu lượng khách ở tất cả các cửa hàng đều tăng. Thống kê trong tháng 3 vừa rồi, số lượt hóa đơn chỉ riêng hệ thống BHX tăng từ 12 triệu lên 17 triệu, tức tăng gần 42%, doanh thu hệ thống đạt từ 1.800 - 1.900 tỉ đồng.
Chuỗi Bách Hóa Xanh đang là trụ đỡ chính cho MWG trong mùa dịch Covid-19. Ảnh minh họa: MWG
Người đứng đầu phụ trách BHX cho biết lợi thế của chuỗi là giữ được mức giá bán ổn định, khác với chợ truyền thống, do đó mà uy tín được cảm nhận là đã tăng lên rõ rệt. Trong thời gian tới, BHX vẫn sẽ duy trì kế hoạch mở gần trăm cửa hàng mỗi tháng, mục tiêu mở 700 - 1.000 cửa hàng trong năm nay được dự tính sẽ cán đích sớm.

Tuy nhiên định hướng của Thế giới Di động là đưa BHX trở thành chuỗi lớn nhất, chiếm thị phần nhanh nhất trong mảng bán lẻ thực phẩm, tiêu dùng nhanh; tuy nhiên tăng trưởng phải đi kèm sự lành mạnh. Nghĩa là khi càng mở rộng, điểm hòa vốn phải đến gần.

Ông Tài cho biết, để đạt được điểm hòa vốn trong ngắn hạn, BHX chỉ cần 2 - 3 tháng, nhưng đó không phải là "cuộc chơi mà hệ thống này đang chơi". Công ty mong muốn làm sao vừa mở mới, vừa làm cho khoảng cách giữa lợi nhuận gộp và chi phí giảm dần. Chuỗi này sẽ được triển khai một số mô hình mới trong thời gian tới.

Tuy nhiên chuối này cũng không phải hoàn toàn thuận lợi trong bối cảnh này. Hàng hóa nhập khẩu có thời gian giao hàng chậm hơn và một số nguồn hàng có thể bị gián đoạn do lệnh phong tỏa ở một vài quốc gia (hàng nhập khẩu chiếm dưới 10% tổng doanh thu của BHX). Thiếu hàng cục bộ đối với một số loại sản phẩm hàng tiêu dùng do người dân tích trữ hàng. Giá mua đầu vào của 50% các mặt hàng tươi sống tăng 5-10% do nhu cầu cao.

Như vậy với việc doanh số của 2 chuỗi TGDĐ và DMX trước nguy cơ sụt giảm, các nhà phân tích của VDSC kì vọng rằng, BHX có thể sẽ bảo vệ MWG khỏi tăng trưởng doanh thu âm trong cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây nên.

Theo khảo sát của VDSC, tại một số cửa hàng BHX không có sự khác biệt đáng kể về lưu lượng khách trước và trong giai đoạn virus bùng phát. Bên cạnh đó, yếu tố đa dạng hóa về địa lý của BHX cũng tăng cường “sức đề kháng virus” của chuỗi này vì dịch bệnh chủ yếu gây ảnh hưởng mạnh ở các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM.

Dòng tiền là ưu tiên hàng đầu

Ban lãnh đạo của doanh nghiệp cho biết ưu tiên hàng đầu hiện này là đảm bảo dòng tiền lành mạnh, chuẩn bị cho các chương trình thúc đẩy bán hàng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Nếu đảm bảo được dòng tiền, công ty cho biết có thể vẫn chia cổ tức tiền mặt trong năm nay.

Đến cuối tháng 3-2020, nợ vay ngắn hạn của MWG đã giảm khoảng 25% so với cuối năm 2019. Công ty cũng duy trì số tiền gửi ngân hàng để đảm bảo khả năng thanh khoản.

MWG cho biết đã chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ từ các Ngân hàng. Theo đó, lãi suất vay ngắn hạn được điều chỉnh giảm và thời gian thanh toán cũng được kéo dài. Thậm chí, doanh nghiệp có kế hoạch chuyển một phần hạn mức nợ ngắn hạn sang trung và dài hạn để giảm bớt áp lực về dòng tiền.
Doanh thu tăng thêm của chuỗi DMX đang trên đà giảm; riêng của chuỗi TGDĐ thậm chí đã tăng trưởng âm (Nguồn: VDSC)
Liên quan đến các chi phí mặt bằng, hãng bán lẻ này chia sẻ rằng đang thương lượng với các chủ nhà để giảm giá thuê 50% hoặc miễn phí thuê trong thời gian phải đóng cửa. Đáng chú ý, MWG cho biết nếu đối tác không chia sẻ cùng Công ty thì sẽ cân nhắc khả năng chuyển sang địa điểm lân cận với chi phí hợp lý hơn.

Chỉ số tài chính tiêu cực nhất của MWG trong thời gian qua chính là giá cổ phiếu giảm sâu. Tính từ đầu năm 2020 đến nay thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đã giảm 40%. Điều này khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải chi tiền gom vào hàng triệu cổ phiếu để cứu giá và trấn an cổ đông.

Tác động của Covid-19 là khó có thể dự báo được vì chưa từng có tiền lệ. Giải pháp được ban lãnh đạo công ty đưa ra trong hoàn cảnh này là tối ưu hóa chi phí tương ứng với từng kịch bản.

“Chúng tôi hoàn toàn có thể cắt giảm những loại chi phí mà mọi người vẫn nghĩ là chi phí cố định như chi phí thuê mặt bằng hay nhân công, tức là chúng tôi điều chỉnh theo tình hình kinh doanh", ông Nguyễn Đức Tài nói.

Tuy nhiên công ty sẽ không lựa chọn phương án cắt giảm bằng cách cho nhân viên nghỉ việc. Nhân lực là nguồn lực quí giá, đã sàng lọc kì công, đưa văn hóa phục vụ khách hàng vào trong suy nghĩ, nguồn lực này công ty không muốn mất đi. Khi thị trường hồi phục trở lại, đây lại là vũ khí giúp công ty mở rộng.

Khi được hỏi về việc liệu MWG năm nay có thể lỗ không, ông Nguyễn Đức Tài nói rằng đây là điều không tưởng.

Việt Dũng
0 Nhận xét