Từng người dân "thấm đòn" vì dịch bệnh Covid-19

Không chỉ người lao động trong các doanh nghiệp bị giảm thu nhập, mất việc, kinh doanh ế ẩm, mỗi quán phở, hủ tiếu, cơm tấm, trà sữa, cà phê... đóng cửa cũng đẩy ra đường vài người phụ việc.
Mỗi quán cóc cũng giảm đi vài người giúp việc vì ế khách - Ảnh: Mai Ka
Hàng quán ế ẩm, người làm giúp mất việc

Quán Phở Hiền (phường 12, quận 4, TP.HCM) sáng cuối tuần 20.3 vắng hoe, chỉ 2- 3 bàn khách. Tình trạng này đã kéo dài hơn nửa tháng nay. Bà Lý Thị Sáng, chủ quán Phở Hiền cho biết, trước đây mỗi ngày quán bà bán khoảng 24 - 25 kg bánh phở. Thứ bảy, chủ nhật thì nhiều hơn, trên 30 kg. Thế nhưng từ đầu tháng 3 đến giờ, cuối tuần cũng chỉ bán được 10 - 12 kg. Khách giảm gần 2/3 nên buổi sáng bà cũng nhàn hơn. "Ông chồng tôi bảo, quán vắng bà cứ ngủ đi cho khỏe. Trước cứ 4 giờ - 4 giờ 30 giờ tôi đã phải dậy chuẩn bị hàng, 6 giờ bán lai rai rồi. Nhưng nay thì 6 - 7 giờ dậy cũng được. Khách đến ăn muộn hơn và ít hơn, dậy sớm cũng chẳng làm gì" - bà nói. Cũng vì quán vắng, bà Sáng phải cho người làm nghỉ bớt. "Quán có 6 người làm thì cứ 3 người làm tuần này, tuần sau nghỉ. Xoay tua như vậy để giữ người chứ cho nghỉ luôn sau này dịch qua, quán đông lấy đâu người giúp" - bà Sáng than thở và tỏ ra vui mừng vì có một người làm tự động xin nghỉ. "Con bé có con nhỏ giờ không đi lớp nên phải ở nhà giữ con. Đỡ phải trả lương một người" - bà kể và tính nhẩm, với 3 người phụ việc, mỗi ngày bà trả công hết 700.000 đồng. Mở bán tại nhà là căn hộ tầng trệt ở chung cư Đoàn Văn Bơ nên Phở Hiền của bà Sáng còn cầm cự được. "Chứ phải đi thuê mặt bằng như mấy quán kế bên thì chịu. Họ cũng đóng cửa nghỉ hết rồi. Giờ dịch, người ta hạn chế đi ăn ngoài, bán được bao nhiêu đâu, không đủ tiền nhà" - bà Sáng cho biết.


Con hẻm chỉ dài khoảng 100 m ở chung cư Đoàn Văn Bơ có tới hơn chục quán ăn từ phở, bún vịt, bún bò Huế, cơm tấm, bún cá Nha Trang... Trước đây, buổi sáng hẻm luôn đông đúc, chật chội vì khách khứa ra vô tấp nập. Các quán cũng chỉ bán vài tiếng, đến trưa là nghỉ, trả lại sự yên tĩnh cho cư dân. Thế nhưng gần tháng nay không khí ảm đảm thấy rõ. Vắng khách, xe cộ không còn chiếm dụng lòng hẻm, vài người lớn tuổi bày bàn uống trà, đánh cờ... chuyện phiếm trên mặt vẫn thoáng nét âu lo. "Hẻm này chưa bao giờ bình yên đến vậy" - bà Sáng chép miệng, không biết vui hay buồn. Bán chẳng lờ lãi gì nhưng bà Sáng vẫn cố duy trì vì "mấy đứa làm toàn nghèo cả. Mình nghỉ, chúng nó chẳng có tiền mua gạo. Thôi cố được ngày nào hay ngày đấy" - bà tư lự.

Chỉ riêng con hẻm này, một loạt người giúp việc cho các quán ăn mất việc, giảm thu nhập. Nếu tính cả TP.HCM, cả nước... con số không hề nhỏ. 

Tài xế, giúp việc... khốn cùng

Sáng chủ nhật (22.3), quán cà phê vỉa hè ở bên hông chung cư H1 (đường Vĩnh Khánh, phường 9 quận 4) không dọn hàng. Một tài xế chạy GrabBike dừng xe ngó quanh ngơ ngác. "Anh kiếm ai vậy?" "Bà Tư cà phê nay sao nghỉ ta?". "Qua quán bên kia đường, tôi mời anh một ly nhé?". Anh tài xế nhìn tôi dò xét sau lời mời đột ngột. Chắc thấy tôi là nữ, lại giữa thanh thiên bạch nhật có lẽ cũng chẳng nguy hiểm gì, anh gật đầu đồng ý. Câu chuyện không chủ đề, loay quanh dịch bệnh, nhuốm buồn. "Tôi có mối quen chạy từ sáng sớm xuống Bình Tân, vòng về đây khoảng 8 giờ sáng nghỉ ngơi làm ly cà phê, có khách chạy tiếp. Từ hồi dịch bệnh, mối không còn đi nữa nhưng quen rồi, sáng tôi vẫn ghé đây chuyện phiếm với bà Tư chờ khách" - anh Tiến (tài xế GrabBike) kể rồi chép miệng, dịch bệnh mà cứ kéo dài thì gạo cũng không đủ mà ăn. Vợ anh Tiến làm giúp việc nhưng đã được chủ cho nghỉ từ đầu tháng 3 vì sợ lây lan. Thu nhập của anh Tiến cũng giảm gần nửa vì mọi người hạn chế ra đường. "Trước mỗi tháng tôi cũng kiếm được hơn chục triệu, vợ đi làm được 5 triệu. Nay thu nhập của tôi giảm hơn nửa, vợ thì thất nghiệp, 2 đứa con tuổi ăn tuổi lớn. Cơm không thức ăn, chúng nó cũng đánh bay cả nồi. Ngày nấu ăn 3 bữa, vèo cái thùng gạo lại cạn", anh Tiến than. Tuần trước, anh Tiến đưa tiền cho vợ mua 50 kg gạo và 2 thùng mì dự trữ. "Trước phải 2 cữ cà phê mới đủ tỉnh táo chạy cả ngày. Nay tiền cà phê cũng phải giảm để mua gạo, chỉ cầu trời cho dịch bệnh mau qua" - anh Tiến nói mặt buồn thiu.

Chị T, bán cơm trưa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) nơi chúng tôi ngồi cũng chỉ lèo tèo vài người. Khách chủ yếu là dân lao động nghèo, trưa làm đĩa cơm 25.000 - 30.000 đồng, uống ly trà đá miễn phí rồi làm tiếp ca chiều. "Toàn dân ngoại tỉnh, không có việc là họ về quê chứ ở đây tiền đâu mướn nhà. Họ nghỉ, cơm tôi ế, phải cho nghỉ bớt người phụ việc... " - chị nói giọng chùng xuống. Trước khi tôi cầm họp cơm đi, chị buông thõng: "Dọn hàng giữ chỗ thôi chứ bán buôn được gì đâu. Dịch bệnh ai cũng sợ, lại mất việc nên tiết kiệm, ít ngồi quán xá hơn".

Chị Hồng (quận 7) làm giúp việc nhiều năm nay kể, xóm chị nhiều người bị cho nghỉ vì chủ nhà sợ lây dịch Covid-19. "Họ nhờ tôi giới thiệu nhưng việc tôi còn không biết có giữ nổi không, biết ai mà giới thiệu" - giọng chị đầy lo lắng.
Sáng 25.3, đồng loạt các cửa hàng trên đường Pasteur, quận 1, TP.HCM, cửa đóng then cài - Ảnh: Đình Sơn
Cực chẳng đã...

Chị N.T.T.Hà, sinh năm 1991 (Đồng Tháp) đang nhờ tư vấn kiện công ty ép cho chị thôi việc. Chị H. làm việc cho một công ty ô tô tại TP.HCM, ký hợp đồng 12 tháng trong năm 2019 và tiếp tục gia hạn hợp đồng mới vào năm 2020. Trong quá trình tái ký hợp đồng gia hạn, công ty đã ký trễ hơn so với thời hạn và trong lúc dịch bệnh ảnh hưởng, công ty đã giảm lương của chị từ 18 triệu đồng xuống còn 15 triệu đồng. Chị đồng ý. Đến ngày 16.3 công ty yêu cầu họp khẩn và tiếp tục giảm tiếp 30% lương của chị H. vì dịch bệnh gây khó khăn. Dù thu nhập giảm mạnh nhưng chị vẫn đồng ý và đồng hành cùng công ty giảm gần 60% lương của người lao động.

Nhưng chỉ 1 ngày sau, công ty yêu cầu chị nghỉ việc do tái cơ cấu và cắt giảm nhân sự trong thời kỳ dịch bệnh, yêu cầu kết thúc và bàn giao công việc trong ngày 20.3. Công ty trả hỗ trợ người lao động 1 tháng lương, yêu cầu chị viết đơn xin thôi việc. "Tôi đã không đồng ý vì lương của tôi đã giảm hơn 50% so với ban đầu và trong mùa dịch này tôi không thể đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình được. Tôi đã phản hồi lại với công ty nếu cho tôi nghỉ thì hãy làm theo luật lao động. Sau đó, công ty đã yêu cầu tôi làm việc lại, với mảng công việc mới là phát triển thị trường và doanh số bán hàng, trước đó tôi làm marketing" - chị Hà cho biết. Mâu thuẫn bắt đầu được đẩy cao. Ngày 23.3 công ty có yêu cầu chị Hà đi công tác tại Hà Nội từ ngày 25 đến 31.5 "phát triển thị trường và thúc đẩy doanh số bán hàng". Chị Hà phản hồi rằng đang trong đợt dịch Covid-19, khi di chuyển và công tác không đảm bảo được an toàn tính mạng. Công ty ra quyết định bắt buộc phải công tác, hứa mua bảo hiểm Covid-19. Chị Hà vẫn cho rằng không an toàn. Công ty thì cho rằng làm quá, không chấp hành nên chiều 24.3 công ty quyết định thu hồi máy tính làm việc của chị Hà và ra quyết định “Xử lý vi phạm kỷ luật lao động”. "Tôi đang chờ công ty ban bố quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng và nhờ tư vấn kiện công ty ra tòa" - chị Hà ấm ức.

Doanh nghiệp khó khăn, cực chẳng đã phải cho nhân viên nghỉ việc. Nhân viên, bỗng dưng thất nghiệp, mất thu nhập trong đó biết bao người còn gánh cả một gia đình phía sau. Cực chẳng đã phải kiện lại chính công ty mình từng gắn bó. Những chuyện như thế này, không thiếu. 

Phía sau dịch bệnh, hàng ngàn, hàng vạn mâm cơm phải giảm đạm, tăng rau; biết bao trẻ em phải cắt bớt khẩu phần sữa? Lớn khó lớn, nhỏ khó nhỏ. Từng người dân đang thấm đòn từ dịch Covid-19 chưa biết bao giờ qua đi.

Mai Ka
Báo Thanh Niên online
0 Nhận xét