Giá cà phê nhân ‘mất phương hướng’ trong mùa dịch Covid-19

(TBKTSG Online) - Giá cà phê thế giới trong tuần qua dao động mạnh, khi lên không biết tại sao, khi xuống chẳng có cơ sở nào. Thị trường dường như phản ánh tâm trạng hoảng loạn của người tham gia kinh doanh trên sàn. Hiện tượng ấy cho thấy trước dấu hiệu một thị trường đi xa dần các yếu tố cơ bản về cung-cầu.
Diễn biến giá cà phê robusta London 3 tháng giữa mùa dịch Covid-19. Nguồn: barchart.com
Giá cà phê thất thường

Giới kinh doanh cà phê đang trong trạng thái lo lắng khi giá trên sàn London – nơi giới mua bán cà phê robusta thường dùng để tham chiếu – rớt  từ 1.245 xuống 1.115 đô la Mỹ/tấn vào ngày 9-3 vừa qua. Từ đó trở đi, dù tăng lại, giá cà phê trên sàn vẫn chưa cho thấy sự ổn định và như mất phương hướng.

Nhìn vào đồ thị diễn biến giá phái sinh robusta, thấy rất rõ rằng những phiên giao dịch sau ngày “thứ hai đen tối” (11-3), là những phiên mua bán rời rạc. Nếu như trước đây, giá các ngày giao dịch thường đi liền mạch, lên theo chiều lên, xuống theo đường xuống, thì những ngày trong tuần qua giá tăng giảm đứt khúc dù biên độ dao động trong từng phiên rất rộng.

Tuy tăng giảm rất thất thường trong từng ngày, giá đóng cửa phiên 13-3, giá về lại mức 1.241 so với một tuần trước đó 1.245 đô la/tấn, chỉ mất 4 đô la.

“Dao động mạnh, khi lên không biết tại sao, khi xuống chẳng có cơ sở nào, thị trường dường như phản ánh tâm trạng hoảng loạn của người tham gia kinh doanh trên sàn. Mặt khác, hiện tượng ấy cho thấy trước dấu hiệu một thị trường đi xa dần các yếu tố cơ bản về cung-cầu và sẽ chịu tác động của các lực nào đó bên ngoài,” một chuyên gia ngành hàng nêu ý kiến như thế.

Thông thường nhà vườn và giới kinh doanh cà phê chỉ cần biết giá khuya hôm trước London đóng cửa tăng hay giảm, giá chính xác là bao nhiêu, thế là đủ cho họ “ra giá” trong ngày để mua hay bán. Những thôn tin cơ bản như vậy là đủ để người kinh doanh có thể nắm bắt cơ cấu cung cầu ra sao nhằm cân đối giá cả.

Tuy nhiên, giữa đại dịch toàn cầu, các dây chuyền cung ứng bị gãy đổ, nền kinh tế các nước có chiều suy thoái, tài chính tập trung cho việc dập dịch và an sinh xã hội. Nhiều chính sách kinh tế-tài chính mới ra đời để giữ vững, phục hồi và thậm chí bắt đầu xây dựng lại nền kinh tế. Nên có lẽ mua bán cà phê mà chỉ biết giá cả trên sàn không thôi thì chưa đủ.

Chắc chắn nhiều nước vùng dịch vẫn rất cần cà phê để tiêu thụ. Nhưng khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch, thì nhiều cái họa có thể đến trong kinh doanh mà nhà vườn và chủ doanh nghiệp cần theo dõi. Những khó khăn nảy sinh như vận tải đường dài, trả tiền hàng, sức mua hợp đồng mới, phí khử trùng… Thậm chí chuyện hạn chế về thông tin liên lạc giữa bên mua và bên bán về nguy cơ lây nhiễm… là những thông tin quan trọng hơn giá cả trong giai đoạn hiện nay.

Thị trường sẽ ra sao?

Bối cảnh thị trường cà phê nói riêng và hàng hóa nông sản nói chung vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Nhất là đối với cà phê, nhiều nước tiêu thụ lớn mặt hàng này từ Việt Nam đang khốn đốn vì dịch Covid-19 như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sỹ, Mỹ, Hà Lan, Anh… Chắc chắn những quốc gia này đang tập trung tài lực để bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân trước. 

Đặt giả thiết, vì lý do nào đó các nước ngưng nhập khẩu (hay tạm thời), thì các nước tiêu thụ tại châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản vẫn còn chừng 800.000 tấn cà phê tồn kho khả dụng, đủ dùng để sản xuất và chế biến cho thời gian từ 3 đến 4 tháng. Có thể tin rằng nếu tồn kho này giảm đáng kể do thiếu giao thương trong mùa dịch, giá cà phê có cơ hội tăng khi Covid-19 qua đi.

Cũng vẫn phải lo Brazil đang vào năm được mùa với vụ thu hoạch mới sẽ rơi vào tháng 4 cho robusta và tháng 7 cho arabica. Một đồng nội tệ Brazil (Brl) mất giá đang là mối lo ngại chung, nhất là khi tồn kho vụ mới nước này sẽ bị dồn lại chưa bán được do sự cố Covid-19. Giá trị đồng Brl mới đây có lúc chạm 4,95 Brl ăn 1 đô la, mức thấp nhất lịch sử.

Tình hình cung-cầu thực sự là đáng ngại, tuy nhiên thị trường đang xa dần các yếu tố thiếu thừa cà phê. Các nước trong và ngoài vùng dịch đang tung nhiều gói tài chính tổng cộng lên đến hàng trăm tỉ đô la gồm cả Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc…Tất cả đang dồn mọi nỗ lực để tránh kinh tế suy thoái. Lượng tiền khổng lồ đang ra thị trường, đây là một hướng thoát ít nhiều hữu hiệu cho thị trường tài chính nói chung và các sàn giao dịch phái sinh cà phê nói riêng.

Nguyễn Quang Bình
0 Nhận xét