Các dịch vụ đám mây của Microsoft tăng trưởng đến 775% giữa đại dịch virus corona

Khi ngày càng nhiều khu vực rơi vào tình trạng phong tỏa hoặc hạn chế tiếp xúc xã hội, các dịch vụ đám mây phục vụ cho công việc của Microsoft đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc.
Trong khi nước Mỹ đang tiến hành các biện pháp cách ly xã hội để đối phó với đại dịch virus corona, nhu cầu đối với các dịch vụ đám mây như làm việc từ xa hay chơi game trên đám mây đẩy lên mức cao chưa từng thấy. Thậm chí để tránh bị quá tải, Microsoft – một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới – đã phải áp dụng các biện pháp tạm thời.

Như vậy, sau Netflix, YouTube và Sony, giờ đây đến lượt Microsoft phải hy sinh một số tính năng của mình. Đó là vì nhu cầu đối với các dịch vụ đám mây của Microsoft trong tuần vừa qua đang tăng cao đột ngột, gấp hơn 7 lần thông thường.

Theo báo cáo từ Microsoft Azure, bộ phận điện toán đám mây của công ty, việc sử dụng dịch vụ của họ đã tăng đến 775% "ở những khu vực (trên thế giới) đang sử dụng biện pháp phong tỏa hoặc cách ly xã hội." Mức tăng trưởng này có liên quan đến hàng loạt dịch vụ như Windwos Virtual Desktop, Power BI (phần mềm phân tích tiếp thị), Microsoft Teams và các dịch vụ của bộ phận Xbox như Xbox Game Pass, Xbox Live và Mixer (dịch vụ tương tự Twitch dành cho game thủ Xbox).

Đối với bộ phận gaming, Microsoft quyết định thực hiện một số điều chỉnh để cho phép một lượng lớn người chơi có thể tận dụng các hệ thống online của họ. Một trong các biện pháp của họ là tạm thời dừng việc bổ sung các profile Xbox Live mới và hình ảnh nền của game thủ.

Thêm vào đó, cũng tương tự như việc gần đây Sony giảm tốc độ tải game từ PlayStation, Microsoft hiện đang làm việc với các nhà phát hành game để cung cấp các bản cập nhật tránh các khung giờ cao điểm hàng ngày.

Đối với các khách hàng doanh nghiệp, Microsoft nhận thấy số người sử dụng dịch vụ Windows Virtual Desktop hàng ngày tăng gấp 3 lần. Windows Virtual Desktop cho phép bạn ánh xạ một hệ thống Windows cụ thể nào đó hoàn toàn từ xa.

Ngoài ra việc gần như toàn bộ hoạt động của lĩnh vực giáo dục được thực hiện từ xa cũng làm cho dịch vụ Microsoft Teams được ưa chuộng hơn hẳn so với những phần mềm cộng tác từ xa như Google Hangouts và Slack. Chỉ trong một tuần, ứng dụng này đã có thêm 12 triệu người dùng mới.

Để đáp ứng tình trạng tăng trưởng đột ngột này mà không gây ra quá tải, Microsoft đã vô hiệu hóa một số tính năng không cần thiết ví dụ như tính chính xác của tính năng kiểm tra sự hiện diện của người nào đó theo thời gian thực, dấu hiệu cho thấy người dùng đang viết tin nhắn hay thậm chí cả các họp video độ phân giải cao.

Nguyễn Hải
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét