Việt Nam trước nguy cơ bị “mượn đường” lẩn tránh thuế

(TBKTSG Online)- Đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đến Việt Nam mấy tháng trước để cùng phía Việt Nam điều tra về việc Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu nhập khẩu hơn 4 tỉ đô la Mỹ mặt hàng nhôm từ Trung Quốc để xuất vào Mỹ. Qua vụ việc này, Việt Nam ngày càng nhận diện rõ hơn về hình thức chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đang diễn ra ngày một tinh vi.
Kiểm tra hải quan ngày càng phải tinh nhuệ hơn mới thích ứng được tình hình lẩn tránh phòng vệ thương mại, mượn đường xuất khẩu hàng hóa ngày càng phức tạp. Ảnh:TL
Vì sao Việt Nam lại hấp dẫn các đối tượng “chuyển tải” bất hợp pháp?

Mới đây, Tổng cục Hải quan (TCHQ) công bố về việc đã ngăn chặn được vụ lẩn tránh thuế của công ty Toàn Cầu nhập khẩu vài tỉ đô la nhôm đùn từ Trung Quốc, sau đó dự định chế biến và xuất khẩu vào Mỹ. Lượng hàng tồn chưa xuất khẩu 1,8 triệu tấn, trị giá khoảng 4,3 tỉ đô đã bị ngăn lại do sự phối hợp điều tra của TCHQ và các cơ quan có liên quan phía Việt Nam, cùng đặc vụ Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ đến tận Bà Rịa- Vũng Tàu.

Theo Bộ Công thương, đây không phải là gian lận xuất xứ hay giả mạo xuất xứ. Vì các lô hàng được cấp C/0 đầu đủ, đáp ứng được quy định của nước nhập khẩu, ví dụ như Mỹ. Nhưng đây lại rơi vào tình huống “lẩn tránh” biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, nhôm của Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ chịu mức thuế 15% nhưng nhôm của Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế 374%. Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng nhôm đùn từ Trung Quốc để nấu lại, sản xuất thành nhôm thành phẩm, chứ không phải chế biến sơ để bán vào Mỹ và được coi như hàng Việt Nam, hưởng thuế thấp.

Đây là hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm trốn một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam (điều 72 Luật quản lý ngoại thương 2018 ) quy định.

Tại Hội thảo quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại” do TCHQ và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm 14/11 tại Hà Nội, ông Claudido Dordi, giám đốc dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ nói rằng, “chuyển tải” không phải là hiện tượng mới. Ngay từ 2002-2006, khi các hành động chống bán phá giá của Mỹ chống lại Trung Quốc đã tỉ lệ thuận với lượng hàng hóa nhập từ các nước thứ ba và lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang nước thứ ba, nhất là các sản phẩm chịu thuế chống bán phá giá mỗi ngày một tăng. Công đoạn lắp ráp, xuất khẩu nhiều sản phẩm từ Việt Nam chủ yếu bắt đầu sau khi áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, thay thế cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trước đây.

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung hai năm gần đây càng khiến cho tình trạng “chuyển tải” xuất xứ giữa các nước gia tăng, nhất là chuyển tải từ Trung Quốc.

Vậy tại sao lại “chuyển tải” qua Việt Nam mà không phải nước khác? Ông Dordi nhận định rằng, việc “rửa” xuất xứ qua Việt Nam do đây là một đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng. Trong đó, tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tiềm năng trở thành trung tâm đầu tư. Việt Nam cũng là nước có chính sách hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (ưu đãi thuế...); là nguồn nhập khẩu lớn thứ 5 của Mỹ tại Châu Á (sau Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ). Việt Nam cũng hội nhập sâu trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm.

Ông Dordi quan ngại: “Kinh nghiệm quá khứ là một quốc gia chuyển tải (ví dụ xe đạp, giày Trung Quốc đã từ Việt Nam đi Châu Âu) để tránh biện pháp phòng vệ thương mại, năng lực hạn chế trong triển khai chính sách và thi hành (xuất xứ, sở hữu trí tuệ) khiến Việt Nam có thể ngày càng “rơi” vào thế phức tạp trong cuộc chiến thương mại toàn cầu".

Trong khi đó, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát hải quan (TCHQ) cũng thừa nhận rằng, đầu tư FDI vào Việt Nam đến tháng 10-2019 là 29,11 tỉ đô, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kong có xu hướng gia tăng. Cụ thể, từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,94 lần so với cùng kỳ 2018. Xuất khẩu sang Mỹ 10 tháng đầu năm tăng 26,6% so với cùng kỳ. Còn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 16,1% cũng so với cùng kỳ 2018 là một tín hiệu phải lưu tâm.

Giảm thiếu nguy cơ bị “mượn đường” lẩn tránh ra sao?

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung ngày càng phức tạp thì các hành động lợi dụng Việt Nam để mượn đường, đội lốt hàng hóa xuất khẩu sang các đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo ông Lương Kim Thành, Phó trưởng phòng Phòng xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục PVTM, Bộ Công thương), có rất nhiều hình thức lẩn tránh đã bị nhận diện như: lắp ráp hàng hóa bị đánh thuế cao của nước A tại nước nhập khẩu (nước B) bằng cách đặt nhà máy tại nước B rồi xuất đi hưởng ưu đãi; thay đổi sản phẩm (sản phẩm bị đánh thuế bổ sung linh kiện quan trọng đang bị áp thuế vào sản phẩm không bị áp thuế) ra sản phẩm thế hệ mới xuất đi...

Ngay cả Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng đang tranh luận về hai trường hợp. Thứ nhất, lẩn tránh mang mục tiêu rõ ràng bất kể sản phẩm có bị áp thuế cao hay không. Tiếp đó, lẩn tránh để tránh biện pháp trừng phạt.

Ông Thành cho rằng, dù theo cách nào thì doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng cần tránh việc xuất khẩu quá nhanh, quá “nóng” vào một thị trường để quốc gia đó không áp dụng biện pháp PVTM này thì cũng áp dụng biện pháp khác.

TCHQ lưu ý, các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ 10 tháng đầu năm nay cũng có hiện tượng tăng trưởng đột biến như: dây điện và dây cáp điện (tăng 252,31%), chất dẻo nguyên liệu (147,85%), sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (140,10%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (100,52%)...thì tương ứng nhập khẩu từ Trung Quốc nhóm hàng này cũng tăng mạnh. Như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 53,1%; dây điện và cáp điện tăng 47,75%...

TCHQ nhận định đây chính là các mặt hàng có nguy cơ gian lận cao (tốc độ tăng trưởng trên 25% so với cùng kỳ). Ngoài ra còn có dệt may, thủy sản, da giày...

Do vậy, trong suốt năm 2019, các cơ quan quản lý Việt Nam đã áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro. Trong đó gồm việc siết chặt đối với việc thu thập, phân tích thông tin trong và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa... Để áp dụng các biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Các doanh nghiệp, giao dịch về xuất nhập khẩu có dấu hiệu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất đều rơi vào “tầm ngắm” và sẵn sàng thành chuyên án để hạn chế rủi ro.

Ngoc Lan
0 Nhận xét