Nhờ cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ thu hút được người giỏi, người giàu?

Sau nhiều phiên thảo luận, chiều ngày 24/11 Quốc hội khóa 14 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM với tỉ lệ 93,69% số đại biểu có mặt đồng ý. Đây được coi là bước ngoặt giúp TP.HCM “cất cánh” trong những năm tới đây.
Trao đổi với PV Infonet, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – người tốt nghiệp Tiến sĩ khoa học về Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington, cho rằng, cơ chế này đã “gỡ rối” một số vấn đề trước mắt của thành phố, đặc biệt là vốn đề để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Theo ông, cơ chế mới sẽ tạo ra hướng mở để khuyến khích lực lượng nhân sự cả “công” và “tư” cùng tham gia tạo nên những dự án giúp thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, theo nền kinh tế thị trường.

Ông cũng cho biết, bản thân kỳ vọng vào hai điều quan trọng: Thứ nhất, thành phố sẽ có hướng mở mới để giải tỏa được áp lực về tài chính, phát triển các dự án phục vụ kinh tế xã hội.

Thứ hai, thành phố sẽ có cơ chế quản lý thoáng hơn, giúp xử lý vấn đề của các dự án tốt hơn và thành phố có thể chủ động hơn.

KTS Sơn nhận định, dù công việc trước mắt rất nhiều, nhưng với cơ chế mới thành phố cần giải quyết sớm tình trạng kẹt xe, ngập lụt và phát triển đô thị.

“Đặc biệt cần xử lý nhanh những dự án hạ tầng đang tắc nghẽn như tuyến metro số 1, hay phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xử lý vấn đề ách tắc ở khu vực Tân Sơn Nhất” – ông nói.

Trong khi đó Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – Giám đốc Đào tạo chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright chia sẻ rằng, điều ông kỳ vọng nhất là cơ chế này sẽ “tạo thêm những không gian tự chủ cho thành phố”.

“Từ đó thành phố có thể phát huy những tiềm năng, lợi thế để cạnh tranh quốc tế, để làm một xung lực, là quả đấm thép hay đầu tàu thực sự đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn, cạnh tranh hơn” – ông cho hay.

Đề cập đến việc thành phố được quyết định mức thu nhập trả cho các chuyên gia, nhà khoa học, TS Du đánh giá rằng đây là điều “rất quan trọng”.

Ông nhận định cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia chính là cuộc cạnh tranh giữa các đô thị lớn, để “thu hút người giỏi, người giàu và doanh nghiệp”, đặc biệt một số hoạt động về nghiên cứu rất cần những đội ngũ trí thức”.

“Nếu thành phố có cơ chế trả lương với mức thu nhập tương xứng sẽ thu hút được nhiều người có khả năng đóng góp vào sự phát triển của thành phố” – ông nói.

Theo TS Du, để thành phố năng động hơn, phát triển hơn cần hai điều kiện. Thứ nhất, “cái áo cơ chế” của Trung ương cho thành phố rộng hơn, vừa hơn với khả năng. Thứ hai, khả năng sáng tạo, năng động và tận dụng cơ hội của thành phố.

“Thành phố cần chủ động, sáng tạo để tận dụng những không gian mà mình có nhằm huy động nguồn lực một cách hiệu quả nhất cho sự phát triển” – ông bày tỏ.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Lâm Thiếu Quân – Tổng giám đốc công ty CP công nghệ Tiên Phong, người từng là đại biểu HĐND TP.HCM đánh giá cao việc HĐND TP sẽ được quyết định áp dụng trên địa bàn TP các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục.

Theo ông, cách tính một số loại phí tại TP.HCM thời gian qua rất bất cập, lạc hậu, và không bao quát được các vấn đề nảy sinh.

“Cơ chế đặc thù cho phép quy định phí, lệ phí mà không nằm trong hệ thống của mình hiện nay, nhưng phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo sự tăng trưởng, văn minh lịch sự của thành phố thì điều đó rất tốt” – ông khẳng định.

Nói về đề án thu phí xe vào khu vực trung tâm mà thành phố đang triển khai, ông Quân cho rằng trước đây loại phí chống ùn tắc chưa nằm trong danh mục phí, lệ phí. Tuy nhiên với cơ chế mới và tình hình thực tế hiện nay thành phố cần cân nhắc triển khai càng sớm càng tốt.

“Chúng ta cần tìm hình thức thu để đảm bảo công bằng xã hội và đảm bảo chống ùn tắc giao thông” – ông cho hay.

Theo Nguyễn Cường
Infonet

0 Nhận xét