Doanh thu F&B Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN, nữ tướng "dân tài chính" Katinat khuấy đảo thị trường

Với dân số hơn 100 triệu người cùng tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, Việt Nam được ví như mảnh đất màu mỡ cho ngành nguyên liệu F&B.
Doanh thu F&B Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN

DOANH THU NGÀNH F&B VIỆT NAM ĐỨNG THỨ 3 ASEAN

Theo thông tin tại Fi Việt Nam 2024 (triển lãm hàng năm trong ngành F&B, nằm trong chuỗi triển lãm Fi Global), ngành F&B Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm ấn tượng đạt 10 - 12%.

Đáng chú ý, trong khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam năm 2023 đã vươn lên vị trí thứ ba, chỉ đứng sau Indonesia và Philippines.

Số liệu từ iPOS.vn cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu ngành F&B cán mốc 403,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 16,1 tỷ USD), đạt 68,46% doanh thu của cả năm 2023. Tính tới hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 304.700 cửa hàng, giảm khoảng 3,9% so với năm ngoái.

Như vậy, có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế. Đây được xem là hậu quả do suy thoái kinh tế.

Dù vậy, sự khó khăn của nền kinh tế không làm giảm đi niềm yêu thích ẩm thực của người Việt Nam. Khảo sát từ iPOS.vn ghi nhận, có đến 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại. Sau 6 tháng kinh doanh của năm 2024, hiện đến 34,4% doanh nghiệp dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới.

Báo cáo triển vọng ngành F&B của Kirin Capital dự báo lĩnh vực F&B tại Việt Nam năm 2024 sẽ tăng 10,92% so với năm 2023, đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng (khoảng 26,2 tỷ USD). Những dịp lễ hội, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng mới và nhu cầu tiêu dùng cuối năm là cơ hội cho ngành thời gian tới.

SỰ KHUẤY ĐẢO CỦA 'DÂN TÀI CHÍNH'

Mùa Trung thu 2024 đang làm sôi nổi lại ngành F&B, và thị trường chứng kiến sự soán ngôi mới. Trong đó, “tân binh” Katinat tiếp tục vượt qua “đàn anh” để dẫn đầu tương tác trên mạng xã hội.

Báo cáo mới nhất từ YouNet Media ghi nhận, có hơn 2,25 triệu tương tác, 220.050 thảo luận được tạo ra từ TOP 10 chuỗi cà phê trong gần 2 tháng (1/7-22/8/2024). Bên cạnh các hoạt động truyền thông thường thấy thì sự nhộn nhịp này đến từ các bộ sưu tập bánh Trung Thu với đa dạng câu chuyện, ‘concept’ khác nhau.

Katinat Coffee & Tea House, Phúc Long Coffee & Tea và Highlands Coffee là TOP 3 chuỗi cà phê HOT nhất, tạo ra 146.190 thảo luận, chiếm đến 66,4% thị phần thảo luận của TOP 10 thương hiệu.

Đáng chú ý nhất là Katinat khi thương hiệu này đã vượt mặt “quán quân” ở nửa đầu quý 2/2024 là Highlands để trở thành thương hiệu HOT nhất MXH. Katinat “về đích” với 62.700 thảo luận, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ quý trước.

Katinat Saigon Kafe hiện là một trong những thương hiệu cà phê phát triển mạnh mẽ nhất trong các chuỗi cửa hàng cà phê tại khu vực Tp.HCM. Dù bắt đầu vào năm 2016 nhưng mãi đến tháng 11/2020, Công ty Café Katinat mới chính thức đăng ký thành lập.

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Café Katinat có vốn điều lệ 38 tỷ đồng, trong đó bà Trương Nguyễn Thiên Kim nắm 84,2% cổ phần, hai cổ đông Lê Ngọc Khánh và Chủ tịch Đinh Việt Hà cùng nắm gần 7,9% vốn.

Đáng nói, bà Thiên Kim là dân tài chính, tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Tài chính, Lưu chuyển tiền tệ và Tín dụng, cử ngân ngành Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM. Bà từng đảm nhận nhiều vị trí tại các doanh nghiệp tài chính như Chứng khoán Bảo Việt, Ngân hàng Đông Á…

Những năm gần đây, bà Kim “tay ngang”nhảy vào khởi nghiệp mảng F&B và ghi nhận thành công với 2 chuỗi đình đám Katinat và Phê La (hiện bà Thiên Kim là cổ đông sáng lập và chi phối 51% cổ phần trong tổng vốn điều lệ 180 tỷ đồng).

Một pháp nhân khác liên quan đến bà Thiên Kim là CTCP D1 Concepts. D1 Concepts là đơn vị sở hữu nhiều thương hiệu ẩm thực như San Fu Lou, Dì Mai, Sorae, CaféDa, Sens.

Theo Tri Túc
Theo Nhịp sống thị trường

0 Nhận xét