Với yêu cầu bắt buộc xác thực danh tính người bán hàng online, thị trường thương mại điện tử sẽ được kiểm soát tốt hơn. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, với nhiều quy định mới về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức bán hàng online và nền tảng trung gian.
Minh bạch thông tin
Cá nhân, tổ chức bán hàng online phải cung cấp chính xác và đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng, bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có); số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) hoặc mã số DN; thông tin về đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...
Không chỉ người bán, cả các tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian cũng phải xác thực danh tính của tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng của mình. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng theo quy định về thương mại điện tử (TMĐT).
Nghị định 55/2024 quy định một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nêu rõ: Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh.
Nhiều người tiêu dùng đồng tình với quy định mới bởi hiện nay, hình thức bán hàng online bùng nổ, sản phẩm thật - giả lẫn lộn, khó kiểm soát. Khi danh tính người bán hàng được công khai, xác thực rõ ràng, người mua sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn và tình trạng lừa đảo sẽ giảm.
"Khi mua hàng online, đặc biệt trên mạng xã hội Facebook, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng lỗi, hàng giả nhưng 99% không thể trả lại do không biết người bán là ai, ở đâu, chỉ có một kênh liên hệ là nhắn tin qua Messenger. Chúng tôi mong cơ quan chức năng và các nền tảng quyết liệt triển khai yêu cầu xác thực danh tính người bán hàng" - bà Kim Thúy (quận 3, TP HCM) bày tỏ.
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận TMĐT đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, bao gồm nguy cơ lộ, lọt dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng và thất thu thuế. Riêng năm 2023, Bộ Công Thương đã tiếp nhận thông tin và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm, ngăn chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm.
Hàng loạt quy định mới về xác thực danh tính người bán hàng online, chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng... sẽ giúp thị trường thương mại điện tử minh bạch, công bằng hơn
Nhiều bên cùng có lợi
Ông Hoàng Văn Tam - nhà sáng lập, CEO Công ty TNHH Digitech Solutions - nhận định việc yêu cầu xác thực danh tính của nhà bán hàng online sẽ giúp hạn chế tình trạng gian hàng ảo, buộc người kinh doanh nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn trên môi trường mạng. Khi đó, bản thân thương hiệu của họ cũng tăng độ uy tín, tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.
Cũng theo ông Tam, việc xác thực danh tính người bán cũng góp phần chống thất thu thuế nhờ có thể kiểm soát và truy xuất thông tin cá nhân. "Khi người bán hàng trực tuyến đóng thuế đầy đủ, sự cạnh tranh giữa kênh bán hàng offline và online sẽ công bằng, lành mạnh hơn" - ông Tam nhìn nhận.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Hồng Đức, nhà sáng lập Công ty OneAds Digital, cho rằng việc xác thực danh tính nhà bán hàng có thể phần nào làm giảm số lượng tài khoản ảo nhưng không đáng kể. Bởi vì, các đối tượng xấu sẽ tìm cách luồn lách, chẳng hạn làm giả CCCD, giấy đăng ký DN... để tạo tài khoản bán hàng; hoặc "hack" tài khoản người khác để bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Chưa kể, có trường hợp gian hàng online thật với đầy đủ thông tin hợp lệ, bán sản phẩm thật nhưng sang nhượng cho người khác vì nhiều lý do và bị lợi dụng buôn bán hàng giả, hàng cấm.
"Dù vậy, quy định mới về việc rút tiền hoặc chuyển tiền online với số tiền lớn hơn 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày cần phải xác thực sinh trắc học có thể hỗ trợ ngăn chặn tình trạng lừa đảo, gian dối khi bán hàng online, đồng thời cơ quan chức năng có thể truy xuất thông tin để xử lý nhanh chóng hơn nếu phát sinh tình huống rủi ro" - ông Đức nhận xét.
Theo các chuyên gia TMĐT, việc xác minh danh tính còn giúp người bán hàng online tránh được những vấn đề liên quan pháp luật về thuế, như tình trạng không nắm được thông tin bản thân nợ thuế, bị phạt thuế... xảy ra gần đây. Các sàn TMĐT khi triển khai xác minh danh tính cũng có thêm cơ sở để đánh giá mức độ an toàn của tài khoản bán hàng, nhờ đó thu hút thêm lượng truy cập và ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của đối tác kinh doanh trên sàn.
Khuyến khích mua sắm online
Theo Nghị định 69/2024 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, tất cả thông tin về danh tính điện tử cũng như thông tin khác được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Bên cạnh đó, tất cả thông tin lịch sử truy cập của tài khoản định danh điện tử sẽ được lưu trữ trong hệ thống định danh và xác thực điện tử với thời hạn tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm truy cập. Cơ quan quản lý hệ thống định danh và xác thực điện tử được khai thác thông tin về lịch sử truy cập tài khoản để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Các chuyên gia TMĐT nhận xét khi mọi giao dịch được ghi lại minh bạch sẽ tạo sự an tâm hơn cho cả người mua lẫn người bán hàng online. Từ đó khuyến khích mua sắm online nhiều hơn, đẩy mạnh chuyển đổi số, giao dịch không tiền mặt, thúc đẩy phát triển TMĐT. Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể khai thác thông tin lịch sử truy cập để phân tích, đánh giá và điều chỉnh quy định bán hàng online phù hợp thực tế.
Theo Lê Tỉnh
Theo nld.com.vn