Lần đầu tiên trong 20 năm, một quốc gia vượt mặt Trung Quốc để dẫn đầu xuất khẩu vào Mỹ

Lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, xuất khẩu của một quốc gia Châu Á vào Mỹ vượt tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 nhờ hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ

Hãng tin CNN cho hay trong suốt 2 thập kỷ qua, Mỹ đã nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế nào. Thế nhưng mọi chuyện giờ đây đã thay đổi.

Số liệu của Bộ thương mại Mỹ cho hay Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của nền kinh tế số 1 thế giới.

Năm 2023, Mexico đã xuất khẩu đến 475,6 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa sang Mỹ, tăng 5% so với năm trước. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ chỉ đạt 427,2 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2022.

Nhờ việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc mà tổng thâm hụt thương mại, mức đo cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ đã giảm 19% năm 2023 xuống chỉ còn 773,4 tỷ USD. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Chuyên gia cấp cao Brad Setser của Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) nhận định hàng rào thuế quan mà Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc là nguyên nhân chủ chốt tác động đến thâm hụt thương mại như trên.

Bên cạnh đó, chuyên gia Matthew Martin của Oxford Economics cũng nhận định việc đồng USD giảm giá đã thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Mỹ rẻ hơn, qua đó thúc đẩy doanh số và hạn chế thâm hụt thương mại.

Theo CNN, người tiêu dùng Mỹ đã giảm mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như đồ điện tử khi giá cả không còn rẻ như trước. Đổi lại, những mặt hàng như dịch vụ du lịch, giải trí được người dân Mỹ chú trọng nhiều hơn.

Thời thế thay đổi

Tờ New York Times (NYT) cho hay trong mùa dịch, khi giá vận chuyển container đến Trung Quốc tăng 20 lần thì ông Marco Villarreal đã phát hiện ra một cơ hội.

Năm 2021, ông Villarreal từ chức tổng giám đốc Caterpillar ở Mexico và bắt đầu tìm kiếm những công ty muốn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia láng giềng của Mỹ.

Một khách hàng ở Hisun-Trung Quốc chuyên sản xuất xe địa hình đã thuê Villarreal thành lập nhà máy trị giá 152 triệu USD ở Saltillo-Mexico.

Đây không phải khách hàng duy nhất của Villarreal khi vị chuyên gia này cho biết rất nhiều doanh nghiệp muốn dịch chuyển nhà máy vì lo xung đột thương mại Mỹ-Trung.

"Mọi người đang đổ về Mexico", ông Villarreal thừa nhận.

Theo NYT, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm đáng kể khi người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm phụ tùng ô tô, giày dép, đồ chơi, nguyên liệu thô nhập khẩu từ Mexico, Châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Canada.

Trong đại dịch, người dân Mỹ mắc kẹt ở nhà và điên cuồng mua sắm online các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc như máy tính xách tay, đồ chơi, thiết bị test Covid, đồ nội thất, đồ thể thao...
Ngay cả khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ vào đầu năm 2022 thì cơn sốt này vẫn chưa dừng lại khi chuỗi cung ứng đứt gãy khiến nhiều mặt hàng nội địa hoặc từ nhà sản xuất khác chưa thể đến tay khách hàng Mỹ.

Tuy nhiên thời thế đã đổi thay khi nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc năm 2023 đã giảm chỉ còn tương đương so với mức của 10 năm trước, bất chấp việc nền kinh tế số 1 thế giới liên tục tăng trưởng suốt 10 năm và nhập khẩu gia tăng từ khắp nơi trên thế giới.

Nghiên cứu của chuyên gia Caroline Freund tại trường đại học California cho thấy những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chịu mức thuế cao như tua vít, máy báo khói đã giảm doanh số mạnh, nhưng một số sản phẩm như lò vi sóng hay máy sấy tóc thì vẫn còn trụ lại được.

Dịch chuyển sản xuất

Ở một khía cạnh khác, tờ NYT cho hay nhiều chuyên gia lo ngại việc áp hàng rào thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn còn lỗ hổng khi các công ty có thể dịch chuyển sang nước khác như trường hợp của ông Villarreal.

Báo cáo từ Hội nghị phát triển thương mại Liên Hiệp Quốc (UNCTD) cho thấy trong khi nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nền kinh tế đang phát triển giảm 9% năm 2023 thì con số này lại là tăng 21% ở Mexico.

Tương tự, một quốc gia khác cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ với tham vọng thay thế Trung Quốc là Hàn Quốc. Vì hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ nên xuất khẩu của xứ sở kimchi vào thị trường này trong tháng 12/2023 đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Đặc biệt, mảng ô tô của Hàn Quốc đang cố gắng tận dụng các cơ hội ưu đãi để mở nhà máy xe điện tại Mỹ, qua đó cạnh tranh với đối thủ BYD của Trung Quốc đang hoành hành trên toàn cầu.

Trong tháng 12/2023, lần đầu tiên trong 20 năm qua, xuất khẩu từ Hàn Quốc và Mỹ đã vượt qua tổng kim ngạch xuất khẩu của xứ sở kimchi vào Trung Quốc.

"Để có thể tồn tại thì các doanh nghiệp sẽ luôn tìm đến những thị trường tiềm năng để phát triển", giám đốc thương mại Min Sung của SK On, hãng đang đầu tư 2,6 tỷ USD xây nhà máy ở Georgia, Tennessee và Kentucky-Mỹ, nhận định.

*Nguồn: CNN, NYT
Băng Băng
Theo An ninh Tiền tệ
0 Nhận xét