Hàng loạt Big Tech tháo chạy khỏi thị trường M&A khiến bong bóng kỳ lân vỡ tan và làm các nhà khởi nghiệp nhận ra startup của họ chẳng giá trị hay đáng được tung hô như mình nghĩ. Thời hoàng kim của startup đã qua.
Vỡ mộng khởi nghiệp: Đến kỳ lân cũng hóa thạch |
Thời kỳ đỉnh cao
Theo tờ Fortune, vào thời kỳ đỉnh cao, startup vận chuyển hàng hóa Convoy có trụ sở tại Seattle-Mỹ là một trong những nhà khởi nghiệp thành công nhất làng công nghệ khi được định giá tới 3,8 tỷ USD năm 2022, một kỳ lân (Unicorn-những startup được định giá trên 1 tỷ USD) sừng sỏ trên thị trường.
Hãng đã thuê đến hơn 1.300 nhân viên cùng mạng lưới hơn 400.000 xe tải toàn nước Mỹ. Dần dần Convoy vươn ra nhiều mảng kinh doanh khác như tài chính trực tuyến (Fintech), dịch vụ cho thuê xe kéo...
Tính đến cuối năm 2022, tỷ suất lợi nhuận gộp của Convoy ước tính lên đến 18%, nhưng các chi phí khổng lồ cùng hợp đồng thuê bất động sản đắt đỏ ở Seattle đã khiến Convoy chưa thể có lợi nhuận.
Nếu là 3 năm trước đây thì câu chuyện này chẳng thành vấn đề với giới startup, thế nhưng hiện nay nó lại thành điểm yếu chết người cho những nhà khởi nghiệp.
Kể từ tháng 10/2023, Convoy trở thành một trong số những startup gặp nạn vì sự xì hơi của thị trường khởi nghiệp.
Chỉ 18 tháng sau khi gọi vốn và vay nợ thành công 410 triệu USD, kỳ lân Convoy bất ngờ sa thải toàn bộ nhân viên, đóng cửa hoạt động kinh doanh cốt lõi và bán nền tảng công nghệ của mình cho một hãng vận tải khác.
Giám đốc điều hành Dan Lewis của Convoy đã phải ngậm ngùi thừa nhận “thị trường đang sụp đổ” trong khi tài sản của hãng bị tịch thu, còn nhân viên thì kiện cáo vì bị nợ lương.
Hàng loạt những nhà đầu tư tên tuổi như Alphabet, Amazon, Salesforce...đổ tiền vào kỳ lân này đều trắng tay.
Thế nhưng chuyện của Convoy lại đang diễn ra rộng khắp trên toàn cầu khi các kỳ lân dần hiện nguyên hình chỉ là những doanh nghiệp đói vốn với 90% rủi ro phá sản.
1. Kỳ lân hóa Thạch
Tờ Fortune nhận định những kỳ lân (Unicorn) trong làng khởi nghiệp giờ đây đang hóa thạch (Unicorpse-xác chết, di hài).
Trên thực tế, sự thất bại là chuyện thường ngày với giới khởi nghiệp với khoảng 90% số startup phải đóng cửa trong những ngày đầu. Tuy nhiên phần lớn công chúng chẳng biết đến những cái tên này vì còn quá non trẻ và ra đi quá sớm.
Phần lớn các nhà khởi nghiệp sẽ vận hành theo cơ chế thử và sai, ai may mắn thành công thì sống tiếp. Khi công ty trở nên thu hút hơn và gọi được thêm vốn thì khả năng sống sót càng cao.
Tuy nhiên công thức trên đã hết hiệu nghiệm từ năm 2022 khi hàng loạt những yếu tố trên thị trường bất ngờ thay đổi.
“Nếu bạn là startup nhỏ và thất bại là một chuyện. Nhưng nếu bạn là kỳ lân tỷ USD và đã huy động được hàng trăm triệu USD mà vẫn thất bại thì đó lại là chuyện khác. Điều này thật sự rất tồi tệ”, người đứng đầu bộ phận đầu tư mạo hiểm Geoff Love của Wellcome Trust thừa nhận.
Chỉ 2 năm trước đây, việc gọi vốn với các kỳ lân còn là điều chưa quá khó khăn thì nay đã khác. Thậm chí nhiều nhà khởi nghiệp giờ mới nhận ra sự thật khắc nghiệt rằng startup của mình chẳng có giá trị nhiều như họ nghĩ.
Tờ Fortune cho hay thực tế là thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho các nhà khởi nghiệp đã dần có dấu hiệu thoái trào từ năm 2021 khi các thương vụ sáp nhập, mua lại (M&A) ngày càng ít đi.
Sau 10 năm thừa vốn, thị trường bất ngờ khan hiếm khiến chuyện khởi nghiệp không còn dễ như trước.
Trong khi một số kỳ lân phá sản như Olive AI, InVision hay Veev thì số khác phải ra hầu tòa vì bị kiện nợ lương hay thậm chí là lừa đảo nhà đầu tư như sàn tiền số FTX.
Dẫu vậy, phần lớn các kỳ lân vẫn cố sống sót lay lắt, thoái lui ra sau hậu trường để chờ đợi tình hình biến chuyển.
Tuy nhiên kể cả khi nền kinh tế tốt hơn thì các hãng đã IPO mới là bên nhận được ảnh hưởng tích cực trước và phải mất một thời gian thì mảng đầu tư mạo hiểm mới khởi sắc theo.
Việc các startup không phải công bố, tiết lộ báo cáo tài chính cũng như việc kinh doanh khi chưa IPO khiến chẳng ai hay tình hình nghiêm trọng đến mức nào. Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ khi doanh nghiệp đột ngột sa thải và đóng cửa như Convoy.
Số liệu của CB Insight cho thấy rất nhiều startup chỉ còn đủ vốn hoạt động cho 18-24 tháng kể từ khi thị trường gọi vốn cạn kiệt vào năm 2022.
“Các startup sắp cạn vốn và năm 2024 sẽ tràn ngập những kỳ lân phá sản nếu không tìm được nguồn đầu tư nào khác”, nhà đồng sáng lập Anand Sanwal của CB Insight cảnh báo.
2. Bị thổi phồng
Mặc dù nguyên nhân kỳ lân hóa thạch có nhiều nhưng tờ Fortune nhận định một trong số đó là sự thổi phồng quá mức của thị trường.
Cho đến cách đây 10 năm thì hiếm có công ty tư nhân không công khai báo cáo tài chính nào lại được định giá đến hàng tỷ USD. Khái niệm kỳ lân (Unicorn) cũng chỉ ra đời lần đầu vào khoảng năm 2013.
Khi tờ Fortune khảo sát các kỳ lân trên thị trường thì chỉ có 80 cái tên xuất hiện vào năm 2015, thế nhưng con số này đã lên đến hơn 1.200 hiện nay theo CB Insight.
Nhiều cái tên thậm chí được xếp ngang hàng với những ông lớn trong làng công nghệ. Ví dụ như SpaceX của Elon Musk được định giá đến 180 tỷ USD hay Tiktok là 225 tỷ USD, còn OpenAI với ChatGPT là 100 tỷ USD.
Câu chuyện này cũng dễ hiểu trong thời kỳ lãi suất thấp do các kênh đầu tư an toàn khác không đủ sinh lời.
Giám đốc nghiên cứu đầu tư mạo hiểm Theresa Hajer của Cambridge Associates nhận định lợi nhuận từ thị trường này vượt xa so với các kênh đầu tư đại chúng khác. Đây chính là điều làm nên những tên tuổi lớn như Masayoshi Son hay Elon Musk.
Sự thành công sau khi IPO của các startup đã khiến vô số quỹ đầu tư như Coatue, Fidelity hay T. Rowe Price nhảy vào thị trường để kiếm lợi nhuận, qua đó thúc đẩy nên những cái tên như Uber, Snap hay Pinterest.
Tiếp đó, đại dịch năm 2020 diễn ra khiến ngành công nghệ bùng nổ mạnh, cộng với khoản hỗ trợ trị giá 2 nghìn tỷ USD của chính phủ Mỹ càng khiến mọi chuyện trở nên điên rồ.
Suốt 2 năm 2020-2021, các startup liên tiếp nhận về những khoản định giá kỷ lục, gọi vốn kỷ lục và tất nhiên là thoát vốn cũng nhiều chưa từng thấy.
Câu chuyện ngày càng đi xa hơn khi dòng vốn kỷ lục chảy trên hệ sinh thái mà phần lớn doanh nghiệp không có doanh thu hoặc lợi nhuận nào. Những kỳ lân này được định giá tới hàng tỷ USD cùng cơn khát vô tận của các nhà đầu tư.
Tất cả chỉ chăm chú vào IPO để bán cổ phiếu kiếm lợi nhuận mà chẳng quan tâm liệu startup đó có sống nổi hay không hoặc có sinh lời trong tương lai không.
“Có những startup chỉ đạt doanh thu 5 triệu USD nhưng lại được định giá đến 1 tỷ USD. Chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp định giá cao gấp 100-200 lần so với doanh thu thực tế”, ông Sanwal của CB Insight cho hay.
3. Xì hơi
Thế nhưng bữa tiệc nào rồi cũng có lúc tàn. Thị trường bất ngờ thay đổi từ năm 2022 khi lạm phát quá cao khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất liên tục gấp 10 lần lên 5,33%.
Đi kèm với đó là các cuộc xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, chiến tranh thương mại và công nghệ Mỹ-Trung...
Lãi suất đi lên khiến kênh đầu tư mạo hiểm cho startup không còn hấp dẫn nữa so với các mảng đầu tư an toàn truyền thống khác. Ngoài ra, chi phí đi vay cao hơn đồng nghĩa các nhà đầu tư sẽ khó tính hơn với những startup chưa có lợi nhuận hay doanh thu tốt.
“Thời kỳ nguồn vốn miễn phí giá rẻ đã hết”, giám đốc Beezer Clarkson của quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Sapphire Partner thừa nhận.
Hậu quả là những chú kỳ lân tỷ USD cách đây 2 năm giờ chẳng còn mấy giá trị. Ví dụ startup Affirm được IPO đầu năm 2021 đã chứng kiến cổ phiếu giảm từ hơn 168 USD/cổ xuống chỉ còn 30 USD vào tháng 3/2022.
Trong khi đó, hàng loạt kỳ lân được định giá thổi phồng cũng mất dần giá trị. Báo cáo của Global IPO Trends Report cho thấy các startup tại Mỹ đã giảm giá trị đến 95% so với thời năm 2021.
Ngoại lệ duy nhất là một vài cái tên hoạt động hiệu quả trên thị trường như Shein, Reddit hay Databricks.
Tình hình tồi tệ đến mức Instacart đã buộc phải giảm mức định giá nhiều lần trước khi IPO thành công vào tháng 9/2023. Thậm chí kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu của kỳ lân này cũng giảm hơn 30% tính đến giữa tháng 1/2024. Tổng vốn hóa của Instacart hiện chỉ còn 7 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức định giá 39 tỷ USD năm 2021.
“Những kỳ lân được định giá cao năm 2021 sẽ không bao giờ trở lại được thời hoàng kim như trước nữa”, chuyên gia Jamin Ball của Altimeter Capital nói thẳng.
4. Big Tech tháo chạy
Tờ Fortune nhận định việc hàng loạt Big Tech trong làng công nghệ như Google, Meta, Microsoft, Apple hay Amazon tháo chạy khỏi các thương vụ M&A vì thắt chặt ngân sách đã khiến nhiều nhà khởi nghiệp vỡ mộng.
Thêm vào đó, các cơ quan chức năng chống độc quyền kiểm soát gắt gao hơn cũng khiến những thương vụ M&A sinh lời cho giới khởi nghiệp bị chết non.
Tháng 12/2023, Adobe đã hủy bỏ thương vụ khổng lồ trị giá 20 tỷ USD nhằm mua lại kỳ lân Figma sau khi vấp phải sự phản đối dữ dội của các cơ quan chức năng tại Liên minh Châu Âu (EU).
Tiếp đó, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã thắng kiện trước tòa án để buộc Illumina phải thoái vốn khỏi startup sinh học Grail, vốn được họ mua lại với giá 7,1 tỷ USD cách đây 2 năm.
Thậm chí với trường hợp của Convoy, việc không có Big Tech hay nhà đầu tư nào chịu mua lại cũng là một phần nguyên nhân khiến kỳ lân này phải đóng cửa.
“Chúng tôi đã dành 4 tháng để tìm kiếm những cơ hội khả thi nhưng thị trường M&A đã suy giảm đáng kể”, bản ghi nhớ của ban giám đốc Convoy gửi nhân viên sau khi đóng cửa có ghi rõ.
Sự khó khăn của thị trường khiến nhà đầu tư giảm vốn, thế nhưng việc thiếu IPO hay M&A lại khiến những nhà đầu tư này chẳng rút được vốn chứ đừng nói là sinh lợi nhuận.
Các kỳ lân thì không thể trả lại tiền cho nhà đầu tư khi họ chưa có doanh thu hay chưa sinh ra lợi nhuận. Hậu quả là thị trường thiếu tiền để tái đầu tư cho các dự án mới, qua đó phá vỡ mắt xích trong chuỗi sinh thái khởi nghiệp.
“Hoạt động kinh doanh cần thời gian để xây dựng, phát triển và tìm lối thoát. Thế nhưng sự hưng phấn của nhà đầu tư đến cũng nhanh mà xì hơi cũng mau chóng, dẫn đến sự sụp đổ của thị trường”, giám đốc Clarkson của Sapphire Partner nhận định.
5. Điểm sáng
“Mọi nhà đầu tư mạo hiểm sẽ có một nhóm startup mà họ không tin tưởng, qua đó buộc chúng đóng cửa hoặc bán lại với giá thấp. Tất nhiên cũng còn một nhóm nhỏ nhà đầu tư còn cố chấp với thị trường khởi nghiệp”, giám đốc Bryan Roberts của quỹ đầu tư mạo hiểm Venrock tuyên bố.
Thật vậy, giám đốc Lila Preston của quỹ Al Gore’s Generation cho rằng vẫn có điểm sáng trong giới khởi nghiệp với công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI).
Báo cáo của CB Insight cho hay trong vòng gọi vốn Serie B, các dự án AI sẽ được định giá cao hơn 59% so với startup thông thường.
Thành công của OpenAI với ChatGPT không chỉ khiến Microsoft đạt mức vốn hóa 3 nghìn tỷ USD đầu năm 2024 mà còn khiến thị trường khởi nghiệp nhìn thấy tia sáng cuối đường hầm.
Mặc dù vậy, giám đốc Clarkson của Sapphire Partner cảnh báo đây có thể là một bong bóng xì hơi khác trong giới kỳ lân.
“Đầu tư mạo hiểm là trò chơi của những chu kỳ cường điệu các dự án khi nhà đầu tư yêu thích thổi phồng mức định giá...Họ nói rằng thứ gì đó to lớn hay một cuộc cách mạng sẽ xảy ra và dự án nào đó sẽ là điểm khởi đầu, nhưng sự thật là gì thì chỉ có thời gian mới trả lời được”, giám đốc Clarkson cảnh báo.
*Nguồn: Fortune
Băng Băng
Theo An ninh Tiền tệ