Thưởng Tết trong năm ‘kinh tế buồn’

(KTSG) – Thưởng Tết năm nay ra sao phải sau ngày 25-12-2023, là hạn cuối các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mới biết rõ. Tuy vậy, không khó để đoán thưởng Tết sẽ ảm đạm hơn trong một năm “kinh tế buồn” như thế này.
Trong một năm kinh tế hiu hắt, thưởng Tết có ảm đạm hơn cũng là chuyện có thể hình dung. Ảnh: THÀNH HOA
Những ngày qua, lác đác đã có những doanh nghiệp công bố thưởng Tết cho người lao động.

Tại Đồng Nai, gần 40.000 công nhân của Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) phấn khởi khi nghe công ty thông báo nâng lương, thưởng Tết dựa vào thời gian làm việc. Cụ thể, công nhân làm việc từ 20 năm trở lên được thưởng 200% lương cơ bản và lương công việc; công nhân có thời gian làm việc từ dưới ba tháng đến dưới 20 năm được thưởng 25-195% lương cơ bản và lương công việc. Những người được tuyển vào tháng 1-2024 cũng được thưởng 500.000 đồng.

Cũng ở thủ phủ công nghiệp này, Công ty TNHH Hwaseung Vina (khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) đã quyết định thưởng cho hơn 10.000 lao động một tháng lương mỗi người, kèm theo quà Tết. Công ty cũng sẽ thanh toán tiền lương tháng 1-2024 vào dịp sát Tết Nguyên đán và đi thăm, tặng quà 100.000 đồng/người cho những lao động ở trọ không có điều kiện về quê ăn Tết.

Vậy nhưng trên bình diện chung, thưởng Tết đang là bài toán cân não với nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai do việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đơn hàng không có. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang cân đối tài chính nên chưa thông báo thưởng Tết đến người lao động.

Ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM, những năm trước, thưởng Tết bình quân của các doanh nghiệp là 1,3 tháng lương, đơn vị khó khăn nhất cũng thưởng tháng lương 13. Năm nay, theo thông tin bước đầu, đa số doanh nghiệp thưởng một tháng lương 13 và có doanh nghiệp sẽ không có thưởng.

Sự chăm lo lâu dài hơn, ý nghĩa hơn và ở phạm vi rộng hơn sẽ không dừng lại ở những món quà Tết cho từng cá nhân, hộ gia đình. Các vấn đề chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đến phát triển công bằng, bền vững và bao trùm, đến thu hẹp khoảng cách giàu nghèo,… là những bài toán lớn mà Nhà nước phải giải quyết “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân” (tựa đề một báo cáo của Ngân hàng Thế giới).

Về mặt pháp lý, Bộ luật Lao động không bắt buộc doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhiều khi có giá trị ngang quy định pháp luật. Xưa nay, nhiều doanh nghiệp vẫn coi thưởng Tết là cách giữ chân công nhân, tránh biến động lao động sau Tết. Với người lao động, khoản thưởng Tết rất có ý nghĩa, có thể giúp họ trang trải dịp cuối năm – vốn nhiều việc phải chi tiêu trong khi nguồn tích lũy hầu như không có và giá cả, hàng hóa lại thường leo thang. Thưởng Tết cũng là động lực để người lao động chăm chỉ làm việc hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Dù là “luật bất thành văn” song thưởng Tết lại phụ thuộc vào diễn biến kinh tế và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Năm nay, khó khăn vẫn đang “bám riết” nền kinh tế và doanh nghiệp nước ta. Tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu. 11 tháng qua, cả nước có 201.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lên tới 158.800, tăng 20%. Những ngày này lẽ ra là dịp cao điểm sản xuất nhưng thiếu đơn hàng là mẫu số chung của nhiều doanh nghiệp.

Trong một năm kinh tế hiu hắt như vậy, thưởng Tết có ảm đạm hơn cũng là chuyện có thể hình dung. Nhiều người sẽ không có thưởng vì đã mất việc hoặc doanh nghiệp đã phá sản, giải thể… nên không thể thưởng. Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 11-2022 cho thấy 59% công nhân không có một đồng tích lũy. Con số này khó lòng tích cực hơn trong năm nay. Nếu may mắn có thưởng Tết, người lao động sẽ buộc phải co kéo, tính toán xem đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối, có dư đồng nào mua tấm áo mới cho con… dịp Tết đến xuân về này! Xa hơn chút nữa, bất ổn của thị trường lao động khả năng còn kéo dài do tình trạng khan hiếm đơn hàng sẽ duy trì sang nửa đầu năm tới. Tiền thưởng Tết ít ỏi có lẽ còn phải dành cho những ngày khó khăn phía trước…

Khi một cái Tết eo hẹp tiền bạc đang hiện rõ hình hài, vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, của công đoàn và chính quyền các cấp càng lớn hơn, quan trọng hơn. Với doanh nghiệp, nếu đã cố gắng “tìm nguồn” để ít nhiều có thưởng Tết cho người lao động nhưng vẫn bất thành, thì phải truyền thông nội bộ thật tốt để người lao động hiểu được khó khăn hiện tại của doanh nghiệp và đồng thuận với quyết định của doanh nghiệp. Như vậy sẽ tránh được những hệ lụy không mong đợi như xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết. Địa phương và công đoàn các cấp cần lên kế hoạch hành động để người lao động “ai cũng có Tết” thông qua các chương trình: tặng quà, hỗ trợ vé tàu xe, tổ chức những “chuyến xe 0 đồng”, “phiên chợ 0 đồng”, tổ chức đón Tết cho những người không về quê ăn Tết…

Quan tâm và trợ giúp người lao động có một cái Tết đầm ấm, tươi vui, an toàn chính là sự bù đắp ý nghĩa cho một năm kinh tế khó khăn, chật vật, để họ vun đắp niềm tin rằng thực sự không có ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, sự chăm lo lâu dài hơn, ý nghĩa hơn và ở phạm vi rộng hơn sẽ không dừng lại ở những món quà Tết cho từng cá nhân, hộ gia đình. Các vấn đề chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đến phát triển công bằng, bền vững và bao trùm, đến thu hẹp khoảng cách giàu nghèo,… là những bài toán lớn mà Nhà nước phải giải quyết “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân” (tựa đề một báo cáo của Ngân hàng Thế giới), trở thành quốc gia thịnh vượng và mọi người dân, nhất là những nhóm yếu thế, đều được thụ hưởng thành quả đó.

An Nhiên
0 Nhận xét