Chu kỳ nợ xấu…

(KTSG) – Sau thời kỳ nỗ lực xử lý nợ xấu và tích cực kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu tăng nhanh trở lại đang khiến không chỉ các ngân hàng mà nhà điều hành cũng phải đau đầu. Chu kỳ nợ xấu song hành theo nền kinh tế dường như khó tránh khỏi.
Chu kỳ nợ xấu…

Nợ xấu tiếp tục tăng

Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm 2023 đã tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7-2023, tương đương hơn 440.000 tỉ đồng nợ xấu. Đặc biệt, nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái…), tỷ lệ này là 6,16%, tương đương 768.000 tỉ đồng.

Xu hướng nợ xấu tăng nhanh trở lại là điều đã được dự báo suốt thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thu nhập người lao động bị ảnh hưởng, kéo theo khả năng trả nợ suy giảm, cộng thêm các thị trường tài sản lao dốc, rơi vào thời kỳ trầm lắng. Cũng theo số liệu của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7-2022 là 1,8%, tháng 7-2023 là 2,58%).

Thực tế báo cáo tài chính quí 1 rồi tiếp đó là báo cáo bán niên năm nay của các ngân hàng đã sớm phát đi tín hiệu cảnh báo. Cụ thể, tổng nợ xấu nội bảng của 29 ngân hàng niêm yết tính đến 30-6-2023 là 219.747 tỉ đồng, tăng gần 34% so với đầu năm. Có đến 27/29 ngân hàng có nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm, trong đó có tám ngân hàng đã để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt mức 3%, với mức cao nhất lên đến 25,6%.

Nếu như nợ xấu nội bảng phản ánh rõ ràng trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, nợ tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu mang đến nhiều lo ngại hơn vì khả năng sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Trong khi nợ xấu cũ chưa xử lý xong, nợ xấu mới gia tăng, việc xử lý nợ xấu lại thêm thách thức và bị chậm lại, khi thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản càng khó khăn hơn.

Đơn cử như nợ tái cơ cấu được giữ nguyên nhóm, kể từ khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN ban hành vào tháng 4-2023 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến cuối tháng 8 năm nay đã gần 121.000 tỉ đồng, tương đương gần 1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Điều quan trọng hơn là chính sách tái cơ cấu nợ của các ngân hàng đang và sẽ còn tiếp tục diễn ra, khi hoạt động kinh doanh của các khách hàng vẫn chìm trong khó khăn trước những bất ổn hiện nay, từ căng thẳng địa chính trị tiếp tục lan rộng và leo thang, cho đến rủi ro trong nền kinh tế gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đã có 135.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2022.

Hay như ở trái phiếu doanh nghiệp, tài sản có chất lượng suy giảm đáng kể trong thời gian qua và là một trong những nguy cơ gây áp lực gia tăng nợ xấu của các ngân hàng. Khi các trái phiếu này đến hạn thanh toán, dù doanh nghiệp có đạt được thỏa thuận gia hạn, nhưng rõ ràng đã cho thấy những vấn đề yếu kém trong dòng tiền của doanh nghiệp. Khi đó, không chỉ trái phiếu có nguy cơ chuyển thành nợ xấu mà các khoản tín dụng hiện hữu còn lại của doanh nghiệp tại các ngân hàng cũng được xem là rủi ro nợ xấu tiềm ẩn.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, tính đến ngày 3-10 đã có hơn 50 tổ chức phát hành đạt thỏa thuận tăng kỳ hạn với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn hơn 95.200 tỉ đồng. Ngoài ra, tình trạng chậm trả lãi và gốc trái phiếu vẫn nhiều, khi theo thông báo của HNX có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu, mà theo VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của nhóm này khoảng 176.100 tỉ đồng, chiếm gần 18% toàn thị trường.

Chu kỳ tất yếu và những ảnh hưởng

Sau thời kỳ nỗ lực xử lý nợ xấu và tích cực kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu tăng nhanh trở lại đang khiến không chỉ các ngân hàng mà nhà điều hành cũng phải đau đầu. Dù vậy, chu kỳ nợ xấu song hành theo nền kinh tế dường như khó tránh khỏi.

Khi kinh tế tăng trưởng mạnh cùng với các chính sách nới lỏng sẽ thúc đẩy hoạt động vay mượn để đầu tư ồ ạt và dễ dãi, hình thành nên những bong bóng tài sản ở các thị trường. Và rồi khi những bất ổn bắt đầu xuất hiện, chu kỳ này khởi đầu là đại dịch Covid-19, tiếp đó là các xung đột quân sự khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách trở lại, doanh nghiệp khó khăn, tất yếu nợ xấu sẽ tăng nhanh.

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, nên cũng khó tránh khỏi những tác động từ các thị trường toàn cầu. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam cũng như hoạt động tín dụng của các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, do đó mức độ ảnh hưởng càng trầm trọng khi thị trường nhà đất gặp vấn đề.

Nợ xấu ngân hàng tăng tất yếu sẽ tác động tiêu cực lên toàn nền kinh tế. Đối với hoạt động ngân hàng, nợ xấu tăng mà chi phí vốn đầu vào cũng gia tăng, mức độ thiệt hại càng trầm trọng. Bởi vì, khi phát sinh nợ xấu, các ngân hàng không thu được lãi của khách hàng, hoặc nợ tái cơ cấu cũng thường kèm với cơ chế miễn giảm lãi, trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Do đó, lãi suất huy động càng tăng, thiệt hại càng lớn.

Tình trạng này nếu kéo dài, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị suy giảm, do đó các ngân hàng một mặt thiếu động lực giảm lãi suất cho vay vì muốn bù đắp cho thiệt hại nợ xấu, mặt khác buộc phải có giải pháp kiểm soát chi phí vốn tối ưu nhất trong thời kỳ nợ xấu tăng cao. Đây cũng là lý do khiến các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi liên tục trong những tháng qua, sau khi NHNN cũng đã có ba lần giảm lãi suất điều hành.

Một tác động khác là khi nợ xấu tăng – chỉ báo cho thấy rủi ro trong nền kinh tế đang ở mức cao, các ngân hàng cũng thận trọng hơn trong việc cho vay và kiểm soát các khoản vay chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế rủi ro trong khả năng tốt nhất có thể. Đó cũng là một trong những lý do khiến tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay trì trệ hơn so với giai đoạn trước, đồng thời cũng kéo theo sự chọn lọc, đào thải doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với khách hàng đã tái cơ cấu nợ, nhưng có lẽ cũng khó lòng được cấp thêm hạn mức tín dụng.

Đối với các trái phiếu doanh nghiệp đã trót đầu tư, các ngân hàng cũng muốn thu hồi hay được tất toán trước hạn càng sớm càng tốt, thay vì cứ phải gia hạn hay giãn thời gian trả nợ. Theo ước tính của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trong quí 4 năm nay sẽ có 65.500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nếu không tính các lô trái phiếu đã giãn và hoãn, trong đó gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Vì thế, HoREA đánh giá quí cuối năm mới là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu.

Trong khi đó, ngày 19-10-2023 là hạn chót mà các doanh nghiệp phải đưa trái phiếu lên sàn giao dịch tập trung, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt hành chính còn hơn đưa trái phiếu lên sàn, cho thấy chất lượng của loại tài sản này đang có vấn đề như thế nào.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục chịu áp lực thời gian tới. Còn lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng nhiều khả năng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quí 3 năm nay và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau. Trong khi nợ xấu cũ chưa xử lý xong, nợ xấu mới gia tăng, việc xử lý nợ xấu lại thêm thách thức và bị chậm lại, khi thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản càng khó khăn hơn.

Triệu Minh
Theo TheSaigonTimes

0 Nhận xét