Đối Xử Với Hàng Hóa Vi Phạm Quyền Sở Hữu Trí Tuệ

(KTSG) – Hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ một khi bị phát hiện sẽ được xử lý tiêu hủy theo các quy định hiện hành, phổ biến nhất là đem đốt, nghiền nát hay chôn cất ngoài trời. Khi vấn đề bảo vệ môi trường trở nên cấp bách và biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng hơn, việc đối xử với hàng hóa bị tịch thu cần một cách tiếp cận khác, ít hao tốn nguồn lực mà giải quyết được nhiều mục tiêu, như không lãng phí, bảo vệ môi trường và tạo việc làm mới.
Đối xử với hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tháng 8-2022, một tin làm buồn lòng những người nghiện chocolate ở toàn châu Âu khi siêu thị giá rẻ Lidl (Đức) được yêu cầu tiêu hủy mặt hàng chocolate hình thỏ. Lệnh tiêu hủy được đưa ra theo phán quyết của Tòa án tối cao Thụy Sỹ với lý do chú thỏ của Lidl quá giống với mặt hàng mang tính biểu tượng của nhà sản xuất bánh kẹo Lindt.

Từ năm 1952, Công ty Lindt của Thụy Sỹ đã bán một chú thỏ chocolate sữa được bọc trong giấy bạc màu vàng với một dải ruy băng đỏ và một chiếc chuông quanh cổ. Công ty đã đăng ký hai nhãn hiệu 3D cho sản phẩm ở Thụy Sỹ, một màu đen trắng và một bao gồm ba màu vàng, nâu, đỏ. Đây là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Lindt, đặc biệt là vào dịp lễ Phục sinh.

Lãng phí, gây hại cho môi trường

Bỏ qua khía cạnh vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trong vụ việc này, việc tiêu hủy chocolate gây ra lãng phí và tác động đến môi trường. Điều 46 của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về SHTT toàn cầu mang tính ràng buộc với các quốc gia thành viên WTO) cho phép tòa án các nước được tiêu hủy hàng hóa bị xâm phạm SHTT, khi việc tiêu hủy không trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Vì vậy, phán quyết Tòa án Thụy Sỹ hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên, các thẩm phán Thụy Sỹ cũng cho rằng tiêu hủy sản phẩm vi phạm không nhất thiết phải tiêu hủy số chocolate. Hay nói một cách khác, các thẩm phán ám chỉ những chú thỏ của Lidl có thể nấu chảy và tái sử dụng cho mục đích khác hoặc dưới hình dạng khác.

Tại Việt Nam, việc phát hiện và tịch thu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT tương đối phổ biến. Vào những tháng cuối năm 2022 và quí 1-2023 lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 150.000 vụ buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng(1). Đi cùng với biện pháp này là những thách thức về việc xử lý hàng vi phạm và tác động đối với môi trường.

Đối với nhiều nước (kể cả Việt Nam), biện pháp xử lý phổ biến nhất vẫn là tiêu hủy bằng cách đốt, nghiền, hoặc chôn cất ngoài trời. Tuy nhiên, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT rất đa dạng với nhiều chủng loại, từ hàng hóa nông sản, thực phẩm cho đến mỹ phẩm, hàng hóa tiêu dùng. Chúng ta cần xây dựng một khung pháp lý trên cơ sở kinh tế và khoa học để có cách xử lý thích hợp và tiết kiệm.

Mặc dù một trong những mục tiêu chính trong việc tiêu hủy hàng hóa xâm phạm là loại bỏ chúng khỏi tất cả các kênh thương mại, nhiều mặt hàng sau khi tiêu hủy có thể tác động xấu đến môi trường và sức khỏe trong lâu dài, điều mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có thống kê cụ thể.

Nỗ lực tìm giải pháp

Một số cơ quan trên thế giới đã cố gắng đưa ra các giải pháp. Mạng lưới chống hàng giả của châu Âu, REACT, một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho chủ sở hữu, đã tái chế khoảng 95% tổng số hàng giả bị tịch thu ở Hà Lan(2). REACT cung cấp một giải pháp thiết thực và tiết kiệm chi phí để xử lý hàng giả cho hơn 185 công ty thành viên. Cùng với Cơ quan sức khỏe tâm thần quốc gia, cơ quan này đồng sở hữu một cơ sở tái chế ở Hà Lan, nơi hàng hóa được phân loại, tháo dỡ và xử lý để tái chế.

Khi các quy trình pháp lý cần thiết đã được hoàn thiện và hải quan Hà Lan phê duyệt việc tiêu hủy hàng hóa bị tịch thu, REACT sẽ vận chuyển chúng đến cơ sở tái chế của mình. Các vật liệu như hạt polycarbonate có nguồn gốc từ việc cắt nhỏ đĩa DVD/CD vi phạm bản quyền được bán cho các cơ sở tái chế chuyên dụng và được sử dụng để sản xuất nhiều loại hàng hóa như đồ nội thất, quần áo, túi mua sắm hoặc thậm chí cả vật liệu xây dựng cho các cơ sở thể thao và sân chơi.

Tại Nam Phi, Ủy ban công ty và sở hữu trí tuệ (CIPC) đã tìm ra cách xử lý hàng giả theo cách thân thiện với môi trường đồng thời tạo ra việc làm và bổ sung thu nhập cho cơ quan SHTT quốc gia. CIPC đang thí điểm một chương trình tái chế và nâng cấp hàng giả đã bị tịch thu. Hàng hóa được tháo dỡ, phân loại và tái sử dụng để làm ra quần áo hoàn toàn mới, chẳng hạn như tạp dề, hoặc các mặt hàng khác mà không có dấu vết nào của nhãn hiệu bị làm giả. Để “che giấu” nguồn gốc, các mặt hàng này được sơn bởi các nghệ sĩ địa phương(3).

Chương trình Nam Phi tạo việc làm cho người dân địa phương và cơ quan này đặc biệt chú trọng đến việc tuyển lao động nữ. Mặc dù nó vẫn còn trong giai đoạn thí điểm, và chính phủ đang làm việc để đảm bảo xác nhận từ các quyền liên quan chủ sở hữu, sáng kiến này cho thấy lời hứa của chính quyền Nam Phi trong việc tìm ra các giải pháp thân thiện hơn với môi trường thay vì phá hủy sản phẩm giả mạo như quần áo và túi xách.

Hai ví dụ từ REACT và CIPC cho thấy quyền SHTT của chủ sở hữu lẫn sức khỏe và lợi ích công có thể được đảm bảo mà không nhất thiết phải tiêu hủy sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, cách làm này cũng tạo ra việc làm cho người dân. Đây là kết quả đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa hải quan, các công ty thành viên và các cơ quan xã hội.

Hướng giải quyết cho Việt Nam

Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng có quy định theo hướng xử lý nêu trên. Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại là một trong những biện pháp có thể áp dụng khi xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT. Biện pháp này có thể do tòa án áp dụng trong các tranh chấp hoặc do cơ quan xử lý vi phạm hành chính thực hiện như một biện pháp khắc phục hậu quả trong quá trình xử lý vi phạm(4).

Theo đó, biện pháp này được áp dụng đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhất định trong việc áp dụng biện pháp này giữa tòa án và cơ quan xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi tòa án có thể áp dụng biện pháp này với điều kiện duy nhất là không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT thì cơ quan xử lý vi phạm hành chính còn phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.

Hiện nay, các điều kiện bao gồm:(5) hàng hóa có giá trị sử dụng; yếu tố xâm phạm đã được loại bỏ khỏi hàng hóa; việc phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng một cách bất hợp lý tới việc khai thác bình thường quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội; người được phân phối, tiếp nhận để sử dụng không phải là khách hàng tiềm năng của chủ thể quyền SHTT.

Như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam đang “mở đường” để hòa nhập chung với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, việc thực thi – đặc biệt khi áp dụng biện pháp hành chính là không dễ dàng, bởi khó xác định “khách hàng tiềm năng” hay thế nào là “không ảnh hưởng một cách bất hợp lý tới việc khai thác bình thường quyền của chủ thể quyền SHTT”.

Khi vấn đề bảo vệ môi trường trở nên cấp bách và biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng hơn, việc đối xử với hàng hóa bị tịch thu cần một cách tiếp cận khác, ít hao tốn nguồn lực mà giải quyết được nhiều mục tiêu. Khi pháp luật hiện hành đã có ghi nhận biện pháp xử lý như vậy, thiết nghĩ cơ quan thực thi pháp luật nên đưa các quy định này vào thực tế nhiều hơn, như một cách chung tay bảo vệ môi trường.

(*) Giảng dạy môn Luật SHTT, Khoa Luật, Đại học Oxford, Vương quốc Anh
(**) Luật sư công tác tại Văn phòng Luật sư Nguyễn & Trần
(1) “Hàng giả, hàng nhái: Tiêu hủy là chế tài xử phạt mạnh tay”: https://vtv.vn/xa-hoi/hang-gia-hang-nhai-tieu-huy-la-che-tai-xu-phat-manh-tay-20230422184015891.htm

0 Nhận xét