Vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg đã chết: Vết nhơ khó xóa nhòa

Tờ BI nhận định Mark Zuckerberg thực tế chẳng quan tâm đến vũ trụ ảo. Đây chỉ là động thái bắt buộc nhằm nâng giá cổ phiếu trong bối cảnh Facebook ở thế xấu.
Vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg đã chết: Vết nhơ khó xóa nhòa
Theo tờ Business Insider, dự án vũ trụ ảo của Meta (Facebook) đã chết sau 3 năm mơ mộng của Mark Zuckerberg. Từ một công nghệ được hứa hẹn là đem đến cuộc cách mạng, vũ trụ ảo đã bị giới kinh doanh bỏ rơi để chạy theo trí thông minh nhân tạo (AI).

Năm 2021, Mark Zuckerberg đã bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ vũ trụ ảo của mình khi đổi tên công ty mẹ Facebook trị giá cả nghìn tỷ USD thành Meta. Sau lễ ra mắt ồn ào và hoành tráng, giới công nghệ và nhà đầu tư Phố Wall cũng bị thu hút bởi mảng kinh doanh mới này.

Thế nhưng sự hứng khởi nhất thời đó chẳng cứu nổi vũ trụ ảo khi kẻ tiên phong, nhà sáng lập Mark Zuckerberg không có một chiến lược dài hạn, một tầm nhìn đủ sâu để duy trì đà phát triển. Khi mọi người bắt đầu chuyển qua hứng thú với AI thì cũng là lúc số phận của vũ trụ ảo đã được định đoạt.

Tờ BI cùng nhiều chuyên gia hiện nay nhận định vũ trụ ảo đã trở thành một ý tưởng thất bại của Mark Zuckerberg.

Đao to búa lớn

Ngay từ khi bắt đầu, nhà sáng lập Facebook đã cam đoan rằng vũ trụ ảo sẽ là tương lai của Internet với những lời ca ngợi đao to búa lớn. Hàng loạt những đoạn video quảng cáo về khả năng của công nghệ này được tung ra đầy hoa mỹ nói về khả năng tương tác của người dùng trong vũ trụ ảo.

Hàng loạt những bài báo phỏng vấn Mark Zuckerberg hay phân tích về vũ trụ ảo xuất hiện, ca ngợi tầm nhìn của nhà sáng lập Facebook.

Quảng bá hoành tráng là thế nhưng Meta lại không thể chuyển lời cam kết thành sản phẩm khi tất cả những gì họ làm được là một bộ kính thực tế ảo đắt đỏ và một vũ trụ ảo chẳng ai thèm hỏi thăm.

Tờ BI nhận định một phương án kinh doanh cần có chiến lược cực kỳ rõ ràng, ví dụ mục đích phục vụ, đối tượng khách hàng là ai hay liệu người dùng có chấp nhận sản phẩm hay không.

Trong trường hợp của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập này đã ca ngợi vũ trụ ảo bằng những ngôn từ hoa mỹ như “tầm nhìn rộng mở cho doanh nghiệp” hay “sự kế thừa của Internet di động”, thế nhưng lại chẳng đưa ra được một kế hoạch phát triển cụ thể nào.

Hậu quả là không riêng gì danh tiếng của nhà sáng lập này mà chính Meta cũng tổn hại về hình ảnh thương hiệu, nguồn vốn cũng như chịu tai tiếng trong giới lao động do sa thải hàng loạt.

Trên thực tế, ý tưởng của Mark Zuckerberg chẳng có gì mới khi chúng dựa trên khái niệm về vũ trụ ảo, nơi mà người dùng tương tác với nhau bằng các nhân vật đại diện kỹ thuật số, xuất hiện từ cuối thập niên 1990 với những trò chơi điện tử nhập vai.

Sản phẩm của Meta chẳng có gì thay đổi về cơ bản so với khái niệm cũ này ngoài một bộ kính thực tế ảo cồng kềnh, dễ nóng máy và đắt đỏ. Một số bài báo đã chỉ trích việc ca ngợi quá sớm một khái niệm còn quá mới và chưa có sản phẩm đột phá là hành vi vô trách nhiệm với những người mua kính thực tế ảo của Meta, cũng như những người hâm mộ tin tưởng vào Mark Zuckerberg.
Vậy nhưng ban đầu chẳng mấy ai quan tâm đến tiếng nói phản đối này vì một mảng kinh doanh mới đồng nghĩa với lợi nhuận và chẳng tập đoàn nào muốn chậm chân trong cuộc cách mạng công nghệ mới cả.

Thậm chí trên CNBC, người dẫn chương trình Kim Cramer đã gật đầu đồng ý khi Mark Zuckerberg tuyên bố 1 tỷ người dùng sẽ tham gia vũ trụ ảo và chi tiêu hàng trăm USD mỗi người tại đó, bất chấp nhà sáng lập này không đưa ra được luận điểm nào chứng minh người dùng sẽ đổi lại được gì khi chi tiền hoặc tại sao họ lại mua một bộ thiết bị cồng kềnh để tham gia vào vũ trụ ảo, nơi có chất lượng hình ảnh thấp chẳng kém gì những bộ phim hoạt hình rẻ tiền.

Hiệu ứng đám đông

Những thứ phi logic trong vũ trụ ảo chẳng khiến nhiều người quan tâm vì ai cũng sợ trở thành cựu CEO Steve Ballmer của Microsoft khi ông này cười nhạo Apple lúc mới ra mắt iPhone để rồi ngậm ngùi từ chức sau đó.

Trong những ngày sau khi Meta ra đời, vô số tập đoàn công nghệ đổ dồn cho vũ trụ ảo dù chẳng hiểu rõ tại sao họ nên làm như vậy.

CEO Satya Nadella của Microsoft đã phát biểu trong hội nghị Ignite Conference năm 2021 rằng ông không thể nói hết những đột phá mà công nghệ mới này có thể làm cho tập đoàn, toàn ngành và thế giới.

Hãng game Roblox tồn tại từ năm 2004 thì nhân cơ hội trào lưu vũ trụ ảo mà phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để rồi thu về 41 tỷ USD.

Thế rồi mảng tiền số cũng không chịu chậm chân với vô số sản phẩm liên quan đến vũ trụ ảo. Sau đó là Walmart, Disney cùng hàng loạt thương hiệu cũng cam kết nhảy vào mảng kinh doanh mới này của Mark Zuckerberg.

Hiệu ứng đám đông này cũng ảnh hưởng đến phán đoán của các nhà đầu tư Phố Wall. Hãng tư vấn Gartner dự báo 25% dân số thế giới sẽ tốn ít nhất 1 giờ mỗi ngày trên vũ trụ ảo vào năm 2026. Tờ Wall Street Journal (WSJ) thì nhận định công nghệ mới này sẽ thay đổi cách con người làm việc mãi mãi.

Tập đoàn McKinsey thì dự đoán vũ trụ ảo của Meta có thể đạt tới 5 nghìn tỷ USD giá trị trong tương lai. Khoảng 95% giám đốc các công ty đều nhận định công nghệ này sẽ có tác động tích cực lên toàn ngành trong 10 năm tới.

Đáng ngạc nhiên hơn, ngân hàng Citibank mạnh dạn tuyên bố vũ trụ ảo của Meta có thể đạt giá trị 15 nghìn tỷ USD trong tương lai gần.

Tuy nhiên cũng như nhiều hiệu ứng đám đông khác, thực tế đã cho tất cả mọi người ăn một cú tát phũ phàng.

Sụp đổ

Hứng khởi là vậy nhưng chẳng có một nền tảng, công nghệ hay mảng kinh doanh nào có thể bền chắc nếu chỉ xây dựng dựa trên lời cam kết của một CEO.

Khi thực sự nói đến chuyện tiền nong, nghĩa là khi các doanh nghiệp được trao cơ hội dùng thử vũ trụ ảo của Meta thì lại chẳng ai thèm ngó tới.

Dự án Decentraland trong vũ trụ ảo của Meta, với 1,3 tỷ USD đầu tư hiện chỉ có 38 người dùng chủ động mỗi ngày và người dùng chẳng thể làm gì ngoài việc đi bộ quanh một không gian ảo tẻ nhạt.

Tính đến tháng 10/2022, vũ trụ ảo Horizon World do Meta phát triển chỉ có chưa đến 200.000 người dùng tích cực mỗi tháng, tức thiếu 500.000 người dùng so với kế hoạch đề ra trước đó.

Tờ WSJ cho biết chỉ có 9% số dự án trong vũ trụ ảo của Meta là có hơn 50 người tham gia, còn lại là cả một thế giới tẻ nhạt chẳng ai thèm ngó tới. Thậm chí tờ The Verge còn cho biết đến chính nhân viên Meta cũng chê bai sản phẩm này, khiến ban giám đốc phải ra quy định yêu cầu mọi người họp trực tuyến qua vũ trụ ảo để tăng tương tác.

Vậy là bất chấp danh tiếng của Facebook, mặc kệ có là công ty nghìn tỷ USD hay lượng người hâm mộ hùng hậu với nhà sáng lập Mark Zuckerberg, tập đoàn Meta vẫn chẳng thể thuyết phục được người dùng, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vũ trụ ảo.

Khi nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn và cơn sốt AI trỗi dậy thay thế, vũ trụ ảo thực sự bị vứt xó. Hãng Microsoft đã đóng cửa dự án không gian làm việc ảo AltSpaceVR vào tháng 1/2023 để tiết kiệm ngân sách, đồng thời đuổi việc 100 nhân viên của đội vũ trụ ảo. Tập đoàn này cũng cắt giảm hàng loạt nhân sự phát triển kính thực tế ảo HoloLens.
Tháng 3/2023, Disney đóng cửa dự án phát triển vũ trụ ảo trên Meta của mình và Walmart cũng theo sát sau đó. Hàng chục nghìn nhân viên được tuyển dụng cho cơn sốt công nghệ mới này bị sa thải vì giấc mơ của Mark Zuckerberg.

Thậm chí ngay cả bản thân nhà sáng lập Facebook cũng tuyên bố vào tháng 3/2023 rằng ưu tiên lớn nhất hiện nay của Meta là AI. Giám đốc kỹ thuật Chris Cox của Meta vào tháng 4/2023 thừa nhận rằng công ty đang dành phần lớn tài nguyên và thời gian để phát triển AI chứ không phải vũ trụ ảo.

Tập đoàn này cũng đã ngừng quảng bá dịch vụ vũ trụ ảo cho các doanh nghiệp trong các gói quảng cáo, dù đã chi hơn 100 tỷ USD nghiên cứu phát triển công nghệ này.

Dù Mark Zuckerberg bào chữa rằng việc đầu tư cho sản phẩm kính thực tế ảo là một trong những khoản đầu tư tiềm năng thì ai cũng hiểu: Meta đã hết hứng thú với vũ trụ ảo.

Thất bại cay đắng nhất lịch sử công nghệ

Tờ BI nhận định cái chết của vũ trụ ảo tại Meta nên được coi là sự thất bại cay đắng nhất trong lịch sử làng công nghệ.

Trên thực tế, tờ BI nhận định Mark Zuckerberg không thực sự hứng thú với vũ trụ ảo bởi nhà sáng lập này chỉ quảng cáo mà không thực sự đầu tư một chiến lược phát triển cụ thể, cũng như gắn bó hết mình với dự án.

Động thái này của Mark chỉ để xoa dịu nhà đầu tư trong bối cảnh Facebook chịu áp lực xói mòn lợi nhuận từ Tiktok và hàng loạt bê bối về tin giả, xâm phạm quyền riêng tư, bán dữ liệu khách hàng, đầu độc thông tin người dùng...

Trong bối cảnh Facebook không còn được giới trẻ ưa chuộng như Tiktok thì việc phát triển một mảng kinh doanh mới, tìm kiếm nguồn thu mới sẽ chiều lòng được cổ đông và nâng giá cổ phiếu công ty lên chứ chẳng liên quan gì đến tầm nhìn Internet hay những thứ tương tự như vậy.
Với nguồn lực tài chính cũng như danh tiếng của mình, Mark Zuckerberg đã tác động để vô số doanh nghiệp xếp hàng sau lưng mình cho một ý tưởng nửa mùa, để rồi giờ đây khi vũ trụ số sụp đổ thì danh tiếng cá nhân lẫn công ty đều chịu ảnh hưởng. Hầu như chẳng ai còn công nhận Mark Zuckerberg là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn luôn đúng nữa.

Tồi tệ hơn, quyết định sai lầm mang tính vụ lợi này của Mark đã đốt hàng chục tỷ USD, khiến hàng chục nghìn lao động mất việc làm, vô số startup phát triển hệ sinh thái bám vào vũ trụ ảo giờ đây “khóc ròng” vì sản phẩm chết giữa đường.

Tờ BI thậm chí cho rằng nếu không phải quyền kiểm soát quá lớn, Mark Zuckerberg đáng lẽ đã bị sa thải từ lâu khỏi Meta (Facebook). Tuy nhiên mọi người đang sống trong thế giới thực chứ không phải vũ trụ ảo, nên nhà sáng lập này vẫn có thể ngồi yên trên ngai vàng của mình.

*Nguồn: BI
Băng Băng
Theo Nhịp sống thị trường
0 Nhận xét