Tiệm tạp hóa hụt hơi trong cuộc đua bán lẻ

Vốn nhiều, tốn thời gian nhưng lợi nhuận thấp, nghề kinh doanh tiệm tạp hóa đang hụt hơi trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng.
Sức mua yếu, nhiều sự cạnh tranh khốc liệt khiến các tiệm tạp hóa tư nhân đang hụt hơi trên thị trường bán lẻ

Người ngoài muốn vào, người trong muốn ra

Chị T.M.L, ngụ tại Q.Long Biên (Hà Nội), nhân viên văn phòng một công ty xuất khẩu lao động, đã tích lũy ít vốn, dự định mở tiệm tạp hóa để kinh doanh kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, ngay khi tham khảo ý kiến của nhiều người, ý tưởng này lập tức gặp nhiều ngăn trở.

Chị Trần Thị Cúc, chủ một tiệm tạp hóa lâu năm chia sẻ: "Hiện nay có nhiều kênh đầu tư, trong đó kinh doanh tạp hóa cũng tốt, ít rủi ro. Thế nhưng, trong bối cảnh này thì nghề bán tạp hóa rất khó khăn vì nhu cầu thị trường đang giảm sút, giá cả hàng hóa trồi sụt khó lường. Bản thân tôi mở tiệm hơn nửa năm nay chỉ trả được vài chục triệu đồng tiền nợ. Vốn bao nhiêu cứ đắp vào hàng vì phải có đầy đủ hàng người ta mới mua. May mắn là mặt bằng của nhà mình, chứ đi thuê chắc chắn thua lỗ".

Chị Nguyễn Hồng Vân, chủ tiệm tạp hóa tại Bình Dương, cho rằng: "Thời nay, hầu như người dân có tiền đều lựa chọn vào siêu thị mua đồ, dù giá cả có cao hay thấp hơn ít cũng không quan trọng. Trong khi, tiệm tạp hóa bán đồ giá rẻ, cạnh tranh chỉ có kiếm lời 1.000 đồng/món hàng nhưng khách mua vẫn cứ kỳ kèo trả giá, thậm chí còn trách móc bán mắc. Có những ngày tôi bán được 2 triệu đồng nhưng lợi nhuận chẳng có bao nhiêu, không đủ cả tiền đi chợ. Thế mà vẫn có nhiều người chọn đầu tư tiệm tạp hóa, đúng là 'trong chán ngoài thèm'. Nhìn lại khu vực của tôi cách vài trăm mét lại có một tiệm tạp hóa. Vừa cạnh tranh với các siêu thị, cửa hàng online, vừa cạnh tranh với chính các tiệm xung quanh. Nản hết sức!".

Hụt hơi vì sức mua sụt giảm

Chị Thúy Quỳnh, ngụ tại Thanh Hóa, chia sẻ: "Tôi từng kinh doanh tạp hóa một thời gian nên hiểu rất rõ những vất vả của nghề này. Gần như thời gian dành cho tiệm rất nhiều, lúc người ta đi chơi thì mình phải bán, thức khuya dậy sớm, bỏ tiền trăm nhưng kiếm bạc lẻ… Từ sau dịch Covid-19 thì sức mua rất yếu. Tôi chỉ trụ được một thời gian và hiện nay đã ngừng công việc này, chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác".

Theo báo cáo của Bộ Công thương, thị trường hàng hóa từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay kém sôi động, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm so với tháng trước do nhiều mặt hàng đã được mua sắm nhiều trong giai đoạn trước tết, đồng thời, do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thu nhập không ổn định. Nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều so với tháng trước do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước tết.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2 đạt 481.832 tỉ đồng, giảm 6% so với tháng trước. Trong đó doanh thu của hầu hết các nhóm hàng đều giảm: Bán lẻ hàng hóa giảm 6,7%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 3,2%, du lịch giảm 20,3%; dịch vụ khác giảm 2,6%.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, chuyên gia nghiên cứu thị trường, phân tích: "Sức ép lạm phát, lãi suất gia tăng cũng đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu dùng các sản phẩm. Mặt khác, thói quen tiêu dùng trong Covid-19 của một bộ phận người dân vẫn được duy trì đến thời điểm hiện tại. Người lao động mất việc làm nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm để tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu hơn là các sản phẩm xa xỉ, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép…

Sức ép lớn từ shop online

Không chỉ cạnh tranh với hệ thống siêu thị, các tiệm tạp hóa còn đối đầu với các shop online, cửa hàng thương mại điện tử. Theo thống kê, hiện cả nước có 75% người dân sử dụng Internet, trong đó có 74,8% người dùng Internet để tham gia mua sắm trực tuyến.

Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất.

Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỉ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỉ USD), ngang bằng Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Thanh Niên
Đinh Đang
0 Nhận xét