Nhận diện bức tranh kinh tế Việt Nam sau Covid-19

TheLEADER - Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ đi kèm với những cơ hội.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang bị ảnh hưởng thế nào?

Như tại hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng do Covid khác, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tùy vào ngành nghề kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh, địa bàn hoạt động, quy mô doanh nghiệp, cấu trúc chi phí và cơ cấu vốn mà mức độ ảnh hưởng có thể sẽ rất khác nhau.

Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là giao thông vận tải, du lịch, nhà hàng khách sạn, tổ chức biểu diễn, dịch vụ... Một số ngành khá phân cực như bán lẻ và giáo dục, một tỷ lệ nhỏ được hưởng lợi đáng kể, trong khi đa phần sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Trần Bằng Việt, CEO Đông A Solutions
Các doanh nghiệp sản xuất có thể phải giảm công suất hoặc hiệu quả hoạt động do thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc do chi phí phát sinh do đại dịch và các biện pháp phòng dịch trở nên quá cao.

Các doanh nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế, vật tư tiêu hao trong y tế, cung cấp sản phẩm thực phẩm thiết yếu, thương mại điện tử, fintech, giao hàng, đào tạo từ xa, giải trí từ xa, công nghệ thông tin, kinh doanh thiết bị điện tử cá nhân... hưởng lợi nhiều hoặc rất nhiều.

Cùng một ngành nghề và địa bàn hoạt động, doanh nghiệp SME thường sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn doanh nghiệp lớn vốn có "của để dành", doanh nghiệp có cấu trúc chi phí lệch về định phí nhiều hoặc sử dụng nhiều vốn vay sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn các doanh nghiệp còn lại.

Tuy vậy, ở một khía cạnh khác, doanh nghiệp nhỏ lại thường có khả năng linh hoạt và chuyển đổi nhanh hơn các doanh nghiệp lớn. Nên ở góc độ nào đó ta có thể nói rằng doanh nghiệp lớn chịu trận tốt hơn, doanh nghiệp nhỏ tiến hoá nhanh hơn.

Cũng phải cảm ơn sự may mắn của 18 tháng đệm trễ hơn so với các quốc gia khác. Nhờ vậy nên chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã có những sự chuẩn bị nhất định cho việc đối phó. Tuy thế, hạ tầng y tế còn hạn chế và sự lúng túng trong ứng phó ban đầu cũng vẫn tạo ra nhiều khó khăn ở một số khu vực và tại một số thời điểm.

Dù bị ảnh hưởng khá nặng nhưng Việt Nam vẫn còn may mắn hơn khá nhiều quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực. Điều này thể hiện khá rõ qua các số liệu thống kê về tăng trưởng GDP và xuất khẩu của 6 tháng đầu năm.

Trong hiện tại, dù có bùng phát mạnh tại một số nơi, nhưng hiện chúng tôi đang tập trung rất mạnh cho việc cô lập và làm chậm quá trình lây lan của dịch song song với nỗ lực tăng cường vaccine để làm nền tảng cho việc sống chung với dịch sau này.

Kinh tế Việt Nam sau đại dịch

Sau những tác động rất nghiêm trọng gần đây của đại dịch, dù muốn dù không thì bức tranh kinh tế Việt Nam cũng sẽ thay đổi rất ngoạn mục trong thời gian tới.

Địa bàn kinh doanh phân tán hơn

Dòng dịch chuyển người lao động về quê trong đại dịch cùng những ám ảnh kinh khủng về nó trong tâm trí của họ và gia đình sẽ làm cho một tỷ lệ nhất định sẽ không quay lại khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và có thể là cả Bà Rịa - Vũng Tàu) nơi vốn vì lý do lịch sử, văn hoá và chính trị mà là trung tâm kinh tế chính của cả nước.

Dù chưa thể ước lượng được một cách cụ thể, nhưng tôi tin rằng tỷ lệ này đủ để ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện tại khi phục hồi và làm chùn chân những đầu tư mới vào các ngành thâm dụng lao động (labor intensive) ở đây.

Sự mở rộng quy mô sản xuất thêm của các doanh nghiệp hiện tại và đầu tư mới của các FDI/MNC sẽ tham gia thị trường sau đại dịch vì thế có lẽ sẽ phân tán mạnh hơn về phía Bắc và về các tỉnh nơi có nguồn lao động tại chỗ dồi dào, chi phí cuộc sống thấp, hạ tầng còn rẻ và chính quyền trân trọng từng nhà đầu tư dù nhỏ nhất.

Tuy vậy, điều đó sẽ cần sự sẵn sàng tương ứng của các địa phương. Nếu không thể sẵn sàng để đón nhận trong 6-18 tháng, rất có thể cơ hội ấy không còn là của các nơi đó. Thậm chí có thể không còn là của Việt Nam.

Những yếu tố cần chuẩn bị tốt là chất lượng dịch vụ công, sự đồng bộ và sẵn sàng của hạ tầng, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Và một yếu tố rất nhỏ, nhưng rất quan trọng là tác phong công nghiệp của lực lượng lao động. Riêng cho điều này thì tỉnh nào đợt rồi đã kịp đón công nhân về, đối đãi và quản lý họ tốt sẽ có một lợi thế so sánh cực lớn để bắt đầu.

Sự chuyển hóa bên trong các doanh nghiệp

Trong và sau đại dịch, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hoá mạnh hơn. Thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng vừa trực tiếp nắm khách hàng hơn, vừa ít tiếp xúc với họ hơn nhưng vẫn có thể hiểu rõ, đáp ứng, phục vụ và chăm sóc sau bán hàng. Tỷ lệ người dùng cuối và khách hàng làm chủ được các thiết bị tin học cá nhân ngày càng cao sau đại dịch hỗ trợ rất mạnh mẽ cho những nỗ lực này.

Cấu trúc chi phí và cơ cấu vốn cũng sẽ có sự chuyển hoá nhất định theo hướng an toàn và ít rủi ro hơn. Những đầu tư chi phí cao nhưng mang lại ít hiệu quả sẽ được cân nhắc để thay thế dần. Những khâu chưa hiệu quả trong sản xuất và quản lý cũng sẽ được nhìn nhận nghiêm túc và xử lý quyết liệt hơn. Sự mạo hiểm trong đầu tư qua việc sử dụng các loại đòn bẩy sẽ được suy xét cẩn thận gấp nhiều lần so với hiện tại.

Hai xu hướng có thể xuất hiện đồng thời trong các doanh nghiệp tuỳ theo lĩnh vực, năng lực, vị thế thị trường và chiến lược của họ: tăng hợp tác để chỉ phải chú tâm làm đúng khâu mình giỏi nhất; phát triển dọc theo chuỗi giá trị (backward hoặc forward) để giảm sự phụ thuộc vào đối tác khác (tránh đứt gãy chuỗi cung ứng).

Xu hướng thứ hai có lẽ sẽ chỉ phù hợp với một nhóm rất ít các doanh nghiệp lớn, trong khi xu hướng đầu sẽ phổ biến hơn cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau.

Sự xuất hiện của những khoảng trống thị trường

Hàng loạt các doanh nghiệp không hiệu quả sẽ bị đuối dần và phải bỏ cuộc. Do vậy, sẽ tạo ra nhiều khoảng trống thị trường đáng kể cho những người mới gia nhập. Xu hướng mua bán sát nhập (M&A) sẽ tăng trong một số ngành có yếu tố truyền thống hoặc tỷ trọng tài sản nhiều. Trong khi đó, cho các ngành khác thì tự khởi nghiệp từ đầu lại sẽ hiệu quả hơn M&A rất nhiều.

Cho dù là theo xu hướng nào, thì sự nhộn nhịp sau đại dịch sẽ là khá đáng kể và mang tính tích cực.

Sự xuất hiện của những gói đầu tư hạ tầng siêu lớn

Như tại hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới sau đại dịch, các chính phủ buộc phải tung ra những gói kích cầu lớn. Những gói kích cầu hiệu quả nhất thường sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng vì nó sẽ vừa tạo thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh, vừa tạo ra hệ số nhân cao nhất trong đầu tư, ít nhất là trong khía cạnh tạo thêm công ăn việc làm và góp phần ổn định xã hội tại địa phương.

Tại Việt Nam, hưởng lợi nhất từ chính sách này rất có thể sẽ là trục giao thông Bắc Nam (giải pháp thay thế hay giảm tải cho quốc lộ 1, đường sắt, hàng hải), hệ thống cao tốc phía Nam (hiện còn chưa đủ tốt) và hệ thống đê điều chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Một số ngành vật liệu xây dựng chiến lược và năng lượng tái tạo cũng có thể sẽ được hưởng lợi. Các dự án có thể là mới hoàn toàn, được bổ sung thêm, hoặc tăng tốc cho các dự án đã được duyệt trước đây.

Những cơ hội lớn sau đại dịch

Dù trải qua nhiều biến động trong hiện tại thì Việt Nam vẫn có rất nhiều những cơ hội cho bạn bè quốc tế, những cơ hội ấy thậm chí sẽ còn hấp dẫn hơn sau đại dịch.

Đầu tiên, Việt Nam có dân số đông và trẻ. Sau đại dịch, người dân đã quen thuộc với cuộc sống số hoá (digital). Thêm vào đó, lực lượng này sẽ ngày càng có mức độ tiêu dùng nhiều hơn.

Hãy lưu ý rằng người Việt Nam vẫn đang chủ yếu tiêu xài một phần nhỏ những gì mình làm ra hàng tháng, chưa quen xài hết, thậm chí vay mượn của tương lai để tiêu xài trong hiện tại (như người tiêu dùng tại một số quốc gia). Do vậy, sự hấp dẫn của thị trường này sẽ là cực lớn trong trung hạn.
Chuyên gia Trần Bằng Việt tại chương trình thúc đẩy đầu tư và hợp tác kinh doanh trong khuôn khổ đại hội châu Á - Thái Bình Dương (ASPAC) của JCI với chủ đề "VIETNAM - NEXT DESTINATION FOR YOUR BUSINESS" (Việt Nam - Điểm đến tiếp theo cho doanh nghiệp bạn)
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phát triển khá ổn định trong suốt 20 - 30 năm vừa qua, và vẫn còn khá nhiều dư địa để tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, trong và sau đại dịch, cơ cấu của nền kinh tế sẽ có sự chuyển hoá lớn theo hướng tích cực hơn để làm tiền đề cho sự phát triển lâu dài.

Thứ ba, Việt Nam vẫn là một quốc gia xuất khẩu lớn và vì vậy sẽ có nhiều "đà và vốn" (momentum and capital) cho phát triển. Độ phủ và uy tín của "Made in Vietnam" dần trở nên cao hơn nên hàng hoá sản xuất tại Việt Nam sẽ có một số thuận lợi hơn sản xuất tại một số quốc gia khác. Đặc biệt là từ những quốc gia "không thân thiện" trong giai đoạn vừa qua.

Thứ tư, Việt Nam có độ trễ vào đại dịch 18 tháng sau các quốc gia khác, nên nhiều sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh thành công sau đại dịch tại các quốc gia khác có thể mang vào Việt Nam để khai thác theo hướng cùng có lợi.

Do vậy, Việt Nam sẽ đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư phù hợp. Cho những hướng đầu tư chủ yếu, tôi có một vài gợi ý ban đầu như sau:

Hỗ trợ dòng dịch chuyển doanh nghiệp

Các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp, logistics, công nghiệp phụ trợ, dạy nghề, dịch vụ nhân sự... tại các địa phương sẽ khá phát triển. Tuy vậy, cơ hội này thường không dành cho người mới và người ngoài ngành hay ngoài địa phương.

Hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi doanh nghiệp

Những sản phẩm, dịch vụ hay giải pháp phục vụ cho nỗ lực chuyển hoá doanh nghiệp sẽ có được sự quan tâm nhiều hơn và quá trình bán hàng thuận lợi hơn. Đó có thể là chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc tự động hoá sản xuất một phần hay toàn phần (automation). Các giải pháp nâng cao hiệu quả công việc và năng suất lao động cũng sẽ có được sự quan tâm nhiều hơn.

Ba mảng đặc biệt lớn, vừa có sự thay đổi về cách làm lẫn về chủ sở hữu sẽ là giao thông vận tải, du lịch và bất động sản.

Ngành giao thông vận tải rất có thể có sự kết nối chặt hơn với thế giới để gia tăng hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro cho chủ sở hữu. Thậm chí, rất có thể sẽ có sự cởi mở hơn trong quan điểm đối với hàng không và đường sắt. Việc có cần thiết duy trì hãng hàng không quốc gia hay không cũng có thể sẽ được đưa ra thảo luận. Ngành đường sắt cũng rất có thể được bóc tách phần hạ tầng (cần đầu tư lớn, cần kiểm soát để bảo đảm an ninh) ra khỏi khai thác dịch vụ (cần đa dạng và cạnh tranh) để nhiều thành phần kinh tế hơn cùng tham gia.

Ngành du lịch sẽ có một quá trình tập trung lớn "đại thâu tóm" về cho 3 - 5 nhóm chủ sở hữu chính. Điều này là cần thiết để sự đầu tư được đồng bộ, không manh mún nhằm tạo ra các hệ sinh thái du lịch đủ quy mô để vừa mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư vừa cung cấp chất lượng dịch vụ cùng trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Bên cạnh uy tín khá tốt của Việt Nam trên thế giới trong thời gian qua về một điểm đến an toàn và phong phú đa dạng, sự tập trung quy mô vào một vài nhóm lớn cũng giúp cho nỗ lực giới thiệu sản phẩm du lịch Việt Nam ra thế giới sẽ được quan tâm hơn. Kết quả là người dân Việt Nam sẽ có thêm việc làm, thu nhập, được hưởng chất lượng dịch vụ du lịch tốt hơn, nhưng rất có thể sẽ là với chi phí cao hơn.

Ngành bất động sản trong trung và ngắn hạn sẽ có một cơn khủng hoảng nhẹ. Với nhu cầu bất động sản mặt tiền cho thương mại dịch vụ giảm xuống (do một tỷ lệ khách hàng chuyển sang kênh online), giá cho thuê sẽ trở nên thấp hơn đáng kể so với lãi suất của khoản vay cần thiết để mua bất động sản ấy. Điều tương tự cũng xảy ra tương tự với bất động sản văn phòng khi nhu cầu sẽ giảm do các doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm nhân sự (giảm, tự động hoá, thuê ngoài, hay chỉ làm một vài khâu trong chuỗi giá trị) hoặc giảm làm việc tại văn phòng (làm việc từ xa).

Điều này làm cho cách đầu tư bất động sản truyền thống sẽ không còn hiệu quả. Tuy vậy, điều này cũng mở cửa cho một xu hướng khá thú vị đã được chứng minh ở nhiều nơi là Renovation (cải tạo, chỉnh trang, làm mới...) các công trình hay dự án hiện hữu để thay đổi công năng nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn trên cùng một diện tích sử dụng hay chi phí vốn đầu tư.

Những doanh nghiệp nào có thể tham gia vào các dòng chảy ấy ở những mức độ khác nhau thì có thể có được những cơ hội để thành công. Doanh nghiệp nào đang trong các ngành ấy, nhưng không thấy mình phù hợp với xu hướng ấy thì có thể sẽ bị bất lợi về lâu dài, thậm chí có thể đến mức bị đào thải.

Phục vụ lối sống mới của dân cư (new lifestyle in new normal)

Với sự thay đổi trong nhận thức, năng lực và thói quen tiêu dùng hay mua hàng của các nhóm dân cư trong xã hội, một số ngành và sản phẩm sẽ có được sự thuận lợi nhiều hơn: nhóm sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc gia đình và phụ trợ; nhóm sản phẩm thương mại điện tử và phụ trợ; nhóm sản phẩm phát triển cá nhân từ xa và phụ trợ; nhóm sản phẩm giải trí đa phương tiện từ xa (nhạc, trò chơi, phim ảnh,...) và phụ trợ.

Các doanh nghiệp tại các quốc gia đi trước trong đại dịch Covid có những sản phẩm đã thành công lớn trên thị trường (market proof) thì có thể nghĩ đến việc tìm hiểu và thâm nhập vào thị trường Việt Nam để mở rộng quy mô thị trường và lượng khách hàng.

Phục vụ quá trình lấp đầy các khoảng trống trong thị trường

Quá trình M&A, hợp tác kinh doanh và khởi nghiệp mới sẽ khá sôi động. Do vậy, những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực hỗ trợ được cho quá trình ấy sẽ được hưởng lợi.

Những doanh nghiệp có khả năng kêu gọi, khơi gợi, hay hỗ trợ những dòng đầu tư từ các quốc gia có chi phí vốn thấp hay cần thêm địa chỉ có suất đầu tư hiệu quả hơn sẽ có lợi thế so sánh lớn hơn.

Các thành viên của JCI sẽ có một xuất phát điểm cực kỳ thuận lợi khi có mạng lưới tại 124 quốc gia với gần 200 ngàn thành viên. Nếu có thể khai thác hiệu quả thì đây sẽ là một thuận lợi rất lớn.

Tiếp thị và phân phối

Việt Nam có lợi thế như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chất lượng tương đối cao và cách làm ăn tử tế. Tuy vậy, về khía cạnh phát triển thị trường quốc tế và phát triển sản phẩm hay thương hiệu tại các quốc gia thì các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ mạnh. Đây lại là điểm mạnh của các doanh nghiệp bản địa tại các quốc gia.

Do vậy, nếu có thể tìm hiểu, cùng hợp tác để đựa sản phẩm Việt Nam vào giới thiệu ở các nước, hay đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu thì rất có thể đây sẽ là một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Dĩ nhiên là sẽ cần lựa chọn những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế so sánh.

Địa chỉ đầu tư

Sự bế tắc trong đầu tư bất động sản ngắn hạn, lãi suất ngân hàng giảm, thị trường chứng khoán tuy rất hấp dẫn nhưng không thể tăng mãi, và sự nản lòng khi một số doanh nghiệp SME không tạo được hiệu quả trong đại dịch có thể làm cho địa chỉ đầu tư của một số nhà đầu tư cá nhân Việt Nam phân hoá. Một tỷ lệ nhất định có thể sẽ tham gia vào thị trường tài sản số.

Các doanh nghiệp có thể trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho quá trình ấy có thể sẽ nhận được những kết quả khả quan ở những mức nhất định khác nhau.

Ba lời khuyên cho những nhà đầu tư mới bắt đầu vào Việt Nam

Sẽ ít rủi ro hơn và hiệu quả hơn khi đầu tư vào các doanh nghiệp có hàm lượng digital cao hơn. Các doanh nghiệp thuần truyền thống sẽ dần bị giảm lợi thế cạnh tranh.

Cho dù bạn đầu tư vào ngành nghề và lĩnh vực nào, bạn cũng nên bắt đầu với một đối tác địa phương (Local Partnership). Điều này sẽ giúp bạn giảm rất nhiều chi phí và thời gian để đi đến thành công.

Có một điều đặc biệt ở Việt Nam mà hầu hết các doanh nghiệp lớn trên thế giới khi đầu tư vào đều biết, đó là: nếu bạn thua ở TP.HCM thì bạn không thể thắng ở bất kỳ đâu. Vì thị trường miền Nam là khá mở để tiếp nhận sản phẩm, dịch vụ và nhà cung cấp mới, đủ nguồn nhân lực chất lượng để tổ chức triển khai trong khi lại đủ lớn và đa dạng để chứng minh được khả năng mở rộng quy mô về sau.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Trần Bằng Việt - Chuyên gia tư vấn cao cấp, Tổng giám đốc Đông A Solutions
0 Nhận xét