Covid-19: Từ ứng phó cực đoan đến giải pháp cân bằng

(KTSG) – Thành công của các biện pháp phong tỏa hay giãn cách xã hội sẽ phụ thuộc vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần trong bối cảnh Covid-19 còn kéo dài.

“Actionism” có nguồn gốc từ tiếng Đức là “Aktionismus”, có liên quan đến nghệ thuật trình diễn của nhóm Wiener Aktionismus – được thành lập vào năm 1962 tại Áo với những hành động cố tình gây sốc, thường bao gồm cả tự tra tấn bản thân (self-torture). Trong từ điển Duden của người Đức, thuật ngữ này muốn nói đến sự thôi thúc quá mức để cho thấy rằng một cái gì đó đang được thực hiện.

Khi sử dụng thuật ngữ này, các nhà báo hay nhà phân tích hay bàn đến việc các chính trị gia khởi xướng các hành động chính trị hoặc xã hội được tổ chức thiếu trật tự nhằm vào một vấn đề – chẳng hạn như biến đổi khí hậu hoặc thất nghiệp – mà không suy nghĩ thấu đáo.

Kể từ khi Covid-19 khởi phát, Actionism xuất hiện trong các văn bản bằng tiếng Anh để nói về những ứng phó cực đoan ở nhiều cấp độ xã hội. Chẳng hạn như việc các nhân viên vệ sinh công cộng đeo mặt nạ hoặc máy bay không người lái phun thuốc khử trùng trên đường phố. Những biện pháp như vậy đã bị nhiều chuyên gia y tế chỉ trích là nguy hiểm cho sức khỏe cũng như lãng phí thời gian và nguồn lực.

Giáo sư Dale Fisher, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở Singapore và chủ trì Mạng lưới ứng phó và cảnh báo dịch bệnh toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thậm chí còn cho rằng đó là một hình ảnh nực cười ở nhiều quốc gia. Ông không tin rằng việc phun thuốc khử trùng như vậy có thể giúp ngăn ngừa virus corona mà còn gây độc cho con người bởi con virus này không tồn tại lâu trong môi trường và con người chẳng có mấy khi tiếp xúc với mặt đất.


Tại Việt Nam, thuật ngữ này có thể được dùng để nói đến đến các ứng phó cực đoan khi đưa ra các biện pháp phòng chống Covid-19 mà không tính đến những tác động ghê gớm hơn đối với cuộc sống thường nhật của người dân. Đơn cử như những chỉ thị hay quyết định hành chính được soạn thảo vội vàng mà không nghiên cứu thấu đáo gây xôn xao dư luận và mất thêm thời gian đính chính thậm chí sau đó thu hồi văn bản.

Rồi chuyện người thi hành công vụ căn cứ từng câu chữ theo lệnh trên đưa xuống để bắt người dân thực hiện với những chuyện cười ra nước mắt. Chuyện một phó chủ tịch phường ở Nha Trang (Khánh Hòa) đã giữ giấy tờ xe của một người đi đường vì người này mua mặt hàng không thiết yếu là bánh mì. Hay chuyện một số người dân đi bộ tập thể dục lỡ tháo khẩu trang trong chốc lát cũng bị theo dõi và xử phạt mặc dù đi một mình ngoài đường và không tiếp xúc với ai…

Việc thực hiện yêu cầu về giãn cách xã hội là chuyện chẳng đặng đừng với người dân đảo Sư tử nhưng điều an ủi là các nhu cầu thiết yếu và căn bản trong cuộc sống thường nhật như ăn uống, đi lại vẫn được đảm bảo.

Tại Singapore, việc chấp hành các quy định về giãn cách xã hội trong đó có việc bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà được thực hiện nghiêm ngặt kể từ tháng 4 năm ngoái với khoảng 3.000 nhân viên thi hành công vụ và đại sứ giãn cách an toàn (Safety Distancing Ambassador) trên toàn đảo quốc. Tuy nhiên, các hoạt động kiểm tra kiểm soát cũng mang tính nhắc nhở là chính và việc xử phạt hay chế tài theo quy định của luật pháp chỉ dành cho các doanh nghiệp hay cá nhân có biểu hiện bất hợp tác, chống đối hay thách thức chính quyền.

Có một vài lần tôi đi xuống ga tàu điện gần nhà mà quên không mang khẩu trang nhưng chỉ bị nhân viên thi hành công vụ nhắc nhở. Những lần khác là lúc tôi ngồi trong hàng quán khi tháo khẩu trang trong lúc thức ăn chưa dọn ra hay sau khi ăn xong mà chưa kịp đeo vào. Có thể đó là cảm nhận chủ quan hay tôi là người may mắn nhưng theo công bố chính thức của Bộ Bền vững và Môi trường (MSE), từ tháng Tư đến cuối năm 2020, trong số hơn 8.600 khoản tiền phạt được áp dụng cho những người không tuân thủ các biện pháp quản lý an toàn và giãn cách xã hội, chỉ có 1.700 trường hợp do không đeo khẩu trang.

Việc thực hiện yêu cầu về giãn cách xã hội là chuyện chẳng đặng đừng với người dân đảo Sư tử nhưng điều an ủi là các nhu cầu thiết yếu và căn bản trong cuộc sống thường nhật như ăn uống, đi lại vẫn được đảm bảo.

Để hiểu hơn động thái nói trên của Chính phủ Singapore, chúng ta có thể tham khảo bài viết của các tác giả Thiago Matias, Fabio H Dominski và David F Marks đăng trên Tạp chí Tâm lý sức khỏe (Journal of Health Psychology) về nhu cầu con người trong thời gian cách ly do Covid-19. Theo các tác giả, người dân phải thường xuyên ở nhà sống một mình sẽ dễ bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Phương cách duy nhất mà con người sử dụng là tự lực, tự chữa bệnh và tự chăm sóc bản thân. Trong thời gian phong tỏa hay giãn cách xã hội kéo dài, một hệ thống cân bằng nội môi (homeostasis) có thể giúp cân bằng lại hoạt động, suy nghĩ và cảm giác.

Các tác giả nhắc lại một lý thuyết chung về hành vi và nhận định của nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow về nhu cầu của con người – với một vài điều chỉnh. Giả định rằng các nhu cầu chiếm một hệ thống phân cấp gồm bảy cấp độ (hình 1). Nhu cầu sinh lý tức thời kết hợp với cân bằng nội môi sinh lý và duy trì tất cả các nhu cầu sinh lý.

Các nhu cầu cấp độ cao hơn từ cấp độ 2 trở lên được phục vụ bởi cân bằng nội môi tâm lý. Những cá nhân không được đáp ứng nhu cầu sinh lý tức thời ở cấp độ 1 sẽ gặp bất lợi trong việc đáp ứng nhu cầu cấp cao hơn. Hãy nghĩ về một tòa nhà bảy tầng, nếu tầng 1 không vững chắc, thì các tầng cao hơn sẽ dễ bị sụp đổ. Tiếp đó, các tác giả xem xét tác động có khả năng xảy ra của tình trạng phong tỏa hay giãn cách xã hội theo thứ bậc nhu cầu của con người, nhất là những nhu cầu bị tác động trực tiếp nhất ở các cấp độ từ 1 đến 4.

Ở cấp độ 1, các tác giả đã đưa ra ví dụ như trong thời gian phong tỏa vì Covid-19 ở Vương quốc Anh, nhu cầu về lương thực thực phẩm rất đa dạng với mức tăng trưởng cao nhất thể hiện rõ ở các chủng loại như ngũ cốc (38%), rau (37%), ca cao (25%), gạo (22%) và mì ống (19%). Cũng có sự gia tăng trong nước đóng chai và thực phẩm giải khát, chẳng hạn như sô cô la (23%), ô liu (68%) và bia (20%). Ngoài ra, ăn uống thoải mái (comfort eating) là một chiến lược phổ biến của những người tìm cách cải thiện sự lo lắng và đau khổ liên quan do phong tỏa hay giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, ăn uống thoải mái có liên quan đến tình trạng tăng cân và phát triển bệnh béo phì hay rối loạn ăn uống, đặc biệt là trong điều kiện bị cách ly và buồn chán. Giải pháp cho vấn đề này được các tác giả đưa ra trong sơ đồ ở hình 2. Theo đó, bảng A cho thấy hệ thống cân bằng nội môi có mối tương quan giữa lòng tự trọng thấp với ảnh hưởng tiêu cực, ăn uống thoải mái và thừa cân. Trong bảng B, động lực của hệ thống được thay đổi theo đó việc tập thể dục thay cho ăn uống thoải mái đã giúp nâng cao lòng tự trọng và kiểm soát tăng cân

Ở cấp độ 2, chính sách giãn cách xã hội theo khuyến cáo của WHO đã gây ra nỗi sợ hãi về cái chết và lây nhiễm. Các phản ứng của một cá nhân trong thời gian phong tỏa được thể hiện trong hình 3.

Mức độ thất vọng cao gây ra sự sợ hãi, lo lắng và đau khổ vì các cá nhân cảm thấy không đủ khả năng để đảm bảo sự an toàn và bảo vệ của những người thân, gia đình và bản thân. Sợ hãi, lo lắng và đau khổ cũng liên quan đến chứng mất ngủ, cáu kỉnh và hung hăng. Đặc biệt, nếu một cá nhân sử dụng rượu hoặc ma túy để xoa dịu nỗi sợ hãi của mình, hành vi gây hấn có thể biến thành bạo lực thể chất đối với các thành viên trong gia đình, phụ nữ, trẻ em và vật nuôi. Khả năng tự điều chỉnh của một cá nhân được trình bày trong sơ đồ hình 3.

Theo đó, bảng A cho thấy phản ứng điển hình của một người đang tự cách ly theo đó nỗi sợ hãi và thất vọng đi kèm với việc giám sát của môi trường bên ngoài. Bảng B cho thấy sự điều chỉnh trong đó sự sợ hãi và thất vọng được thay thế bằng tình thương và sự thấu cảm.

Ở cấp độ 3, sự cô đơn và cô lập với xã hội làm trầm trọng thêm gánh nặng căng thẳng và thường tạo ra những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe tâm thần, tim mạch và khả năng miễn dịch. Người lớn tuổi thường gặp nguy cơ cao nhất khi mắc các triệu chứng nghiêm trọng do Covid-19. Giãn cách xã hội cũng làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn và gây ra những hậu quả tiêu cực về sức khỏe lâu dài ở những người dễ bị tổn thương.

Theo các tác giả, cảm giác địa vị/lòng tự trọng ở cấp độ 4 rất dễ bị tổn thương nếu các nhu cầu ở cấp độ 1-3 không được đáp ứng. Khủng hoảng ở cấp độ 1-3 sẽ gây ra những dồn nén hơn ở cấp độ 4. Covid-19 cũng làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói; các yếu tố dễ bị tổn thương cũng làm giảm lòng tự trọng và địa vị xã hội, tạo ra nguy cơ trầm cảm và nghiện rượu.

Các tác giả nhấn mạnh vai trò của hoạt động thể chất, một công cụ miễn phí nhưng mang lại những lợi ích sâu sắc nếu được áp dụng một cách có hệ thống. Tác động của hoạt động thể chất là một trong những ví dụ rõ ràng về sự điều tiết được tạo ra bởi cân bằng nội môi. Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ có lợi ích về thể chất mà còn cả tâm lý. Trong thời gian phong tỏa hay giãn cách xã hội, hoạt động thể chất cũng tạo khả năng thiết lập lại cơ thể và tâm trí về trạng thái cân bằng.

Tóm lại, các tác động tiêu cực của việc phong tỏa hay giãn cách xã hội đối với sức khỏe tâm thần có thể được cải thiện bằng cách vận động thể dục thể thao và điều này cần được thúc đẩy mạnh mẽ song hành với việc chấp hành các quy định về cự ly an toàn.
——
Lê Hữu Huy
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore
0 Nhận xét