Thị trường tiêu dùng nội địa là bệ đỡ cho sự phục hồi kinh tế

(TBKTSG Online) - Sau khi dịch Covid-19 bước đầu được không chế, cả cơ quan quản lý chuyên ngành lẫn doanh nghiệp đều đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc tận dụng sức cầu nội địa đang là giải pháp được ưu tiên để phục hồi nền kinh tế. Vì vậy, các chương trình kích cầu kết nối sản xuất tiêu dùng trong nước được xây dựng bài bản với quy mô lớn là điều cần thiết.
Ông Lê Minh Hoan (thứ hai, bên phải), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đang giới thiệu sản phẩm của địa phương cho Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến (thứ nhất, bên phải) tại Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020 diễn ra ngày 2-7 tại TPHCM. Ảnh: V.Dũng
Làm thế nào để phát huy nội lực của hành nông sản và hàng tiêu dùng của Việt Nam thực sự trở thành thế mạnh, để không phải diễn ra các hoạt động giải cứu; hoặc các mặt hàng này không còn lệ thuộc vào một vài thị trường chủ chốt mà luôn có bệ đỡ vững chắc từ chính thị trường nội địa? Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020 được Sở Công Thương TPHCM tổ chức sáng 2-7 tại quận Thủ Đức (TPHCM) có thể sẽ cung cấp cho doanh nghiệp, cho thị trường một số giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, tạo cơ sở để các bên tham gia thị trường tính toán những bước đi phù hợp hơn trong thời gian tới cho nhiều ngành nghề.

Động lực mới cho trạng thái "bình thường mới"

Mục đích của Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020 nhằm tổ chức kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp xúc và đàm phán trực tiếp với nhau trong khu vực kết nối, giữa các đơn vị sản xuất và các nhà phân phối, giữa các đơn vị sản xuất và đơn vị xuất nhập khẩu.  Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 của TPHCM đượcghi nhận là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với số lượng trên 700 gian hàng, 500 doanh nghiệp tham gia đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước.

Tại buổi khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, thị trường nội địa được xác định là trụ cột trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, do vậy mục đích của Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020 là nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tiếp tục phát huy kết quả đạt được của Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa trong các năm qua.

Thông qua Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh lượng hàng tồn kho, phát triển thị trường tiêu thụ trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TPHCM.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao việc TPHCM tổ chức Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020. Những tháng đầu năm nay, kinh tế cả nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid -19. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020, GDP quí 2-2020 của cả nước chỉ tăng trưởng 0,36%, mức tăng thấp nhất trong gần 10 năm qua. Khu vực dịch vụ và bán lẻ hàng hóa trong nửa đầu năm giảm tới 1,78% so với cùng kỳ 2019.

Trước tình hình trên, Chính phủ yêu cầu cần thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng để tháo gỡ khó khăn về đầu ra sản phẩm cho doanh nghiệp. Do vậy, Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 do UBND TPHCM phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả các mục tiêu nêu trên.

Phá trần khuyến mãi để kích cầu

Ban tổ chức sẽ tổ chức 2 khu gian hàng, cho TPHCM và các địa phương kết nối. Khu gian hàng doanh nghiệp TPHCM phục vụ nhu cầu trưng bày sản phẩm chủ lực, sản phẩm bình ổn thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp uy tín do các hội nghành nghề TPHCM giới thiệu. Còn lại là Khu vực gian hàng địa phương để trưng bày đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của các địa phương khác.
Khách tham quan mua sắm tại các gian hàng trong Chương trình Kích cầu tiêu dùng 2020. Ảnh: V.Dũng
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, có tới 90% số doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thực hiện các hoạt động khuyến mãi hàng hoá. Các doanh nghiệp tham gia được phép khuyến mãi vượt mức 50% giá trị hàng hóa, thậm chí lên tới 90% trong thời gian tham gia chương trình.

"Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, còn người tiêu dùng sẽ tìm mua được những sản phẩm có giá trị với giá bán rất ưu đãi. Đặc biệt, ban tổ chức cũng thiết kế riêng một khu vực để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối trực tiếp giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối, giữa đơn vị sản xuất với sản xuất, đơn vị sản xuất với xuất khẩu", bà  Trang cho hay.

Chương trình còn có các hoạt động quảng bá, thu hút thương nhân chợ đầu mối, chợ truyền thống và người tiêu dùng đến tham quan, tìm hiểu hàng hóa.

Ngoài những giải pháp tại chỗ, thì các hướng kinh doanh dài hạn cũng được ban tổ chức tính toán với những hoạt động kết nối cung cầu giữa các đơn vị, các địa phương. Cụ thể, các hoạt động hội nghị, triển lãm giới thiệu và bán các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của TPHCM; sản phẩm đặc sản, đặc trưng các tỉnh, thành và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu trên cả nước.

Đây có thể là chương trình giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước tìm thấy cơ hội rõ ràng trong hoạt động kinh doanh của mình. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trở lại sau dịch vẫn đang “ném đá dò đường” và chưa có kế hoạch kinh doanh, bán hàng rõ ràng.

2030 Village - Khi các doanh nghiệp bắt tay trợ giá tiêu dùng
Nổi bật giữa 500 gian hàng tại chương trình kích cầu tiêu dùng do Sở công thương tổ chức, một ngôi làng doanh nhân có tên gọi 2030 Village xuất hiện, mang nhiều dấu ấn và màu sắc riêng biệt.
“Ngôi làng doanh nhân – 2030 Village” được thành lập bởi Câu lạc bộ Doanh nhân 2030, quy tụ hơn 50 gian hàng từ các doanh nghiệp lớn của CLB, cam kết mang đến những sản phẩm chất lượng, với mức trợ giá tiêu dùng lên đến 70%.
2030 Village có thiết kế đồng nhất từ cổng làng, tới từng ngôi nhà trong làng, mỗi tuyến đường sẽ được gọi tên, cũng như mỗi ngôi nhà sẽ được ấn định một con số. Trong đó, mỗi “người dân trong làng” là những người thân thiện, mang đến những sản phẩm tốt nhất với giá thành ưu đãi nhất cho khách ghé thăm.
Với thông điệp “Cộng đồng vàng – Ngàn ưu đãi”,  2030 Village đặt cam kết về chất lượng sản phẩm,dịch vụ lên hàng đầu, cùng với cam kết trợ giá tiêu dùng cho người dân TPHCM sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
2030 Village quy tụ 50 thương hiệu đến từ nhiều ngành nghề: thời trang, may mặc, thực phẩm sức khỏe, mặt hàng tiêu dùng, … các sản phẩm công nghiệp như lưới công trình, cung cấp thiết bị nhà hàng, … đến các dịch vụ giải trí, du lịch.
Tại đây, rất nhiều các sản phẩm vừa và cao cấp đến từ những thương hiệu nổi bật trên thị trường, được bán với giá ưu đãi từ 50-70% so với mức giá niêm yết. Đây là một cơ hội tiêu dùng lớn dành cho người dân tại TPHCM và các khu vực lân cận, đồng thời, mở ra cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
V.D
Việt Dũng
0 Nhận xét