TPHCM có nhiều dự án ODA nhất nhưng giải ngân rất thấp

(TBKTSG Online) - TPHCM hiện có số dự án ODA nhiều nhất cả nước với 9 dự án lớn. Riêng năm 2020, nguồn vốn ODA phân bổ cho TPHCM  hơn 15.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, giải ngân vốn ODA sau 6 tháng của thành phố chỉ đạt 10,3% do vướng mắc nhiều thủ tục.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TPHCM được xây dựng bằng vốn vay ODA của Nhật Bản - Ảnh: Lê Anh
Chiều 29-6, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã làm việc với chính quyền TPHCM về các dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn TPHCM.

Số liệu thống kê được công bố tại buổi làm việc cho thấy, TP HCM hiện có 9 dự án ODA lớn (nhiều nhất cả nước). Tổng số vốn ODA cấp phát cho thành phố giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 70% cả nước. Chỉ tính riêng trong năm 2020, nguồn vốn phân bổ cho TPHCM hơn 15.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn ODA của TPHCM chỉ đạt 10,3%, mức giải ngân rất thấp.

Nói về nguyên nhân giải ngân chậm, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết một số dự án đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện như dự án Giao thông xanh, Vệ sinh môi trường thành phố (giai đoạn 2)… Còn tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) mới được phê duyệt điều chỉnh.

Đối với tuyến metro 2 phải tạm dừng các gói thầu đã đấu thầu trước đó do chưa phù hợp quy định và phải đấu thầu lại. Bên cạnh đó, một số dự án khác đang có kế hoạch chuẩn bị tổ chức đấu thầu nên chưa giải ngân.
Một nguyên nhân khác khiến giải ngân vốn ODA chậm là do tình hình dịch Covid-19 khiến chuyên gia nước ngoài, hàng hóa thực hiện dự án metro số 1 chưa thể sang Việt Nam để thực hiện dự án.

Làm rõ hơn việc giải ngân vốn ODA chậm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói rằng việc giải ngân chậm do vướng mắc từ nhiều cơ quan. Ví dụ như vấn đề thống nhất tiền cho vay ở tuyến metro số 1 là tiền Yên Nhật hay đồng Việt Nam cũng chưa có ý kiến từ các bộ, ngành Trung Ương.

Vấn đề này từ tháng 5-2019, chính quyền thành phố đã có văn bản xin ý kiến các bộ và 3 tháng sau Bộ Tài chính mới trả lời, nhưng chưa có ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên chưa giải quyết được. Đến cuối năm 2019, thành phố lại gửi văn bản cho hai bộ nhưng vẫn chưa được trả lời nên tháng 4 vừa rồi tiếp tục xin ý kiến.

Chủ tịch TPHCM kiến nghị các bộ ngành sớm có ý kiến để tháo gỡ vướng mắc vì hiện nay TPHCM đang đứng trước áp lực dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng không theo kịp. Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án metro sẽ giúp thành phố giải tỏa được kẹt xe.

Liên quan đến vấn đề cho vay tuyến metro số 1 là tiền Yên Nhật hay tiền đồng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính sớm giải quyết dứt điểm để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Phó thủ tướng đề nghị TPHCM cố gắng  đưa metro số 1 chạy thử vào tháng 10-2020 và đưa vào khai thác năm 2021. Đồng thời, Phó thủ tướng lưu ý TPHCM đẩy nhanh các dự án ODA đang triển khai và đánh giá lại tính hiệu quả của các dự án ODA đã hoàn thành.

Lê Anh
0 Nhận xét