Gỡ khó cho doanh nghiệp hậu Covid-19: "Thuốc có thể không cần nhiều nhưng phải đủ liều lượng"

Nhiều doanh nghiệp suốt những tháng đầu năm chưa phát sinh thu nhập để tính thuế thì việc giãn thuế chỉ 5 tháng liệu có hiệu quả? Giải pháp gỡ khó cho sản xuất kinh doanh liệu đã có liều lượng đủ mạnh để giúp doanh nghiệp gượng dậy? Đó là những câu hỏi đáng suy ngẫm mà nhiều chuyên gia kinh tế đang đặt ra khi quan sát các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hiện nay.
Chuyên gia: Muốn nhanh thì phải đúng

Trong hội thảo về kích cầu du lịch nội địa tổ chức mới đây, ông Nguyễn Châu Á, CEO Công ty Oxalis (công ty chuyên cung cấp các tour du lịch mạo hiểm tại Quảng Bình) chia sẻ, công ty ông có 80% lượng khách quốc tế, trong đó chủ yếu là khách du lịch Mỹ. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, từ giữa tháng 3, Quảng Bình quyết định đóng cửa tất cả tour du lịch, tức là mọi hoạt động kinh doanh hoàn toàn bị đóng băng.

Không có thu nhập để chi trả các khoản duy trì công ty, nhân sự, công ty còn phải thực hiện hoàn trả cho khách số tiền lên tới hơn 40 tỷ đồng. Phải gần 2 tháng sau đó, ngày 15/5 vừa qua, công ty mới rục rịch hoạt động trở lại.

Đó là tình trạng của một doanh nghiệp cỡ vừa. Với những cỗ máy lớn hơn như Vietnam Airlines, thiệt hại là cả nghìn tỷ đồng. Nói như Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành trong buổi đối thoại với thành phố Hà Nội: 100 năm phát triển của ngành hàng không dân dụng chưa bao giờ có điều này. Tính ra, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines giảm tới hơn 6.700 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng - một con số hiếm thấy với đại gia hàng không Việt.

Nhìn rộng hơn, bức tranh chung của doanh nghiệp vẫn vô cùng ảm đạm. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới là 22.700 doanh nghiệp, tăng mạnh 33,6% so với cùng kỳ năm trước.

Rất nhiều lời "kêu cứu" đã được gửi tới các Bộ, ngành, Chính phủ với mong mỏi được gia hạn các khoản thuế trong một khoảng thời gian đủ dài để doanh nghiệp kịp có đà phục hồi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thậm chí nên miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, còn nếu giãn, thời gian phải từ 2 năm trở lên mới có hiệu quả. Nghị định 41/2020/NĐ-CP ra đời từ sự mong đợi ấy, tuy nhiên, thời gian gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, VAT, TNCN, tiền thuê đất chỉ là 5 tháng.

Không phủ nhận nỗ lực của cơ quan điều hành, nhưng chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm cho rằng, thời hạn này là rất khó với doanh nghiệp. Theo ông, dù hiện tại dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát nhưng doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn.

"Tác hại của dịch bệnh rất nặng nề, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực và thời gian dài. Vì thế, việc hỗ trợ trong thời gian ngắn thì các doanh nghiệp rất khó khôi phục. Tôi cho rằng, nên giãn thuế cho doanh nghiệp ít nhất là 1 năm", ông Kiêm lên tiếng.

Ông Kiêm bày tỏ phần nào sự thông cảm với bức xúc về nguồn thu và mong kinh tế phát triển nhanh trở lại của cơ quan quản lý Nhà nước. Thế nhưng, theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cách làm ấy vô tình sẽ tạo tác dụng ngược, khiến kinh tế phát triển chậm lại với tính bền vững không cao.

Hướng làm đúng theo ông phải là nới sức cho doanh nghiệp. Việc này có thể khiến ngân sách chưa thể thu được tiền thuế ngay nhưng đó là khoản hỗ trợ vô cùng quý giá bởi hiện tại "một đồng với doanh nghiệp cũng quý". Nhờ thế, sang năm, khi doanh nghiệp phục hồi, ngân sách sẽ tăng tốc một cách chắc chắn. "Muốn nhanh thì phải làm đúng", ông Kiêm tổng kết.

Thời điểm đặc biệt cần chính sách đặc biệt

Doanh nghiệp chính là nơi cảm nhận rõ nhất sức tác động của chính sách. Lên tiếng mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, việc quy định việc gia hạn nộp thuế tối đa 5 tháng là chưa đủ. Ông cũng đề xuất nên kéo dài thời hạn lên 12 tháng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong tình cảnh hiện tại, việc khỏe trở lại không chỉ phụ thuộc bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn ở yếu tố khách quan là cầu của thị trường. Vì thế, thời gian giãn thuế quá ngắn sẽ không đủ sức vực dậy doanh nghiệp. Chưa kể, những tháng qua, nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ, thậm chí còn chưa phát sinh thu nhập tính thuế thì việc giãn thuế chỉ những tháng đầu năm thực sự chưa nhiều tác dụng.

Bà nhấn mạnh quan điểm, liều thuốc để gỡ khó cho doanh nghiệp "thà ít nhưng đủ liều lượng còn hơn mỗi biện pháp một chút". Đó là cách làm bà gọi là nuôi dưỡng nguồn thu để doanh nghiệp sống được qua mùa dịch. Nguyên nhân đơn giản vì, nếu không giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại thì chính ngân sách cũng không thu được đồng thuế nào.

Nói về lo lắng việc gia hạn thuế quá dài sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ bội chi cuối năm, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, Chính phủ hoàn toàn có thể báo cáo Quốc hội để thực hiện việc này. "Thời điểm đặc biệt cần chính sách đặc biệt, ra tấm ra món", bà nói.

Góp thêm ý kiến, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để bù đắp khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp, Chính phủ nên đặt ra chỉ tiêu tiết kiệm chi cho các Bộ ngành bằng tỉ lệ cụ thể, ví dụ 3-7% dự toán chi thường xuyên.

Theo ông, năm nào, Chính phủ cũng giao ngành thuế, hải quan phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán. Với chi ngân sách cũng vậy, trong lúc tình hình khó khăn, số thu ngân sách chắc chắn bị ảnh hưởng, các cơ quan, bộ ngành cũng cần rà soát, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách.

"Đây là lúc các bộ ngành cơ cấu lại hoạt động của mình, về biên chế, các chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm… xem đã phù hợp hay chưa", vị chuyên gia nói.

Trương Lương
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét