Chủ tịch TGDĐ Nguyễn Đức Tài: Doanh nghiệp Việt chưa thực sự ‘ngấm đòn’ Covid-19 đâu, hiệu ứng domino còn chờ phía trước!

Thế Giới Di Động đã phải tạm đóng 600 cửa hàng trong tháng 4 bởi Covid-19. Nhìn nhận về tác động của đại dịch này, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng hiện doanh nghiệp Việt, bao gồm cả Thế Giới Di Động vẫn chưa thực sự "ngấm đòn". Hiệu ứng domino vẫn còn chờ phía trước...
Doanh nghiệp Việt "ngấm đòn" chậm một nhịp so với thế giới

Thói quen tiết kiệm giúp người Việt cầm cự trong ngắn hạn, đồng thời khiến các tác động kinh tế chậm hơn một nhịp so với thế giới.

"Trong giai đoạn dịch bệnh, thậm chí hết năm nay đến hết năm sau, tổng cầu sẽ sụt giảm. Hiệu ứng domino sẽ xảy ra. Giờ các bạn chưa thấy đâu".

"Việt Nam mình khá thú vị. Thiên hạ "ngấm đòn" nhưng mình cứ tà tà sau đó mới "ngấm". Thiên hạ thoát rồi mình sau đó mới thoát. Thành ra doanh nghiệp chưa ngấm đòn đâu. Thế Giới Di Động nói thẳng cũng chưa ngấm đòn đâu", ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động - chia sẻ tại Talk Show "Giữa dòng sóng dữ" do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây.

Ông Tài cho rằng từ nay đến năm sau, nếu doanh nghiệp không có hành động gì, sẽ thực sự ngấm đòn. Một đất nước hồi phục sau Covid-19, nhưng tương tự như Trung Quốc, sẽ gặp khó về xuất khẩu.

Khi xuất khẩu khó khăn, lực lượng bị ảnh hưởng trực tiếp là công nhân, sẽ không có việc làm. Lúc ấy, các chi tiêu co gọn lại cho các nhu cầu cơ bản, chứ không chi cho những sản phẩm không thiết yếu, như điện thoại.

"Tất cả chuyện đó xảy ra rất chậm. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho hiệu ứng domino sắp diễn ra. Các kỳ vọng về nguồn lực đầu tư từ nước ngoài đổ về thúc đẩy tổng cầu tăng, công ăn việc làm tăng lại, đầu tư công... sẽ giúp được phần nào. Còn nếu không, khó khăn còn ở phía trước".

"Ngồi đây thấy tháng 5 kết quả kinh doanh ngon lành, đạt 9.000 – 10.000 tỷ đồng doanh thu mà nghĩ tương lai sẽ vậy thì hơi lầm. Cần phải chuẩn bị cho một tương lai khó khăn hơn rất nhiều. Nếu trong giai đoạn này mà đi giành giật thị trường của nhau, "ông này đập ông kia", thì chắc chắn doanh nghiệp nhỏ chết trước, Thế Giới Di Động sẽ từ từ chết sau", ông Tài nói.

Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong "vùng rơi" chứ chưa chạm đáy

Nhận định doanh nghiệp Việt chưa thực sự "ngấm đòn" Covid-19 cũng tương đồng với ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong "vùng rơi" chứ chưa chạm đáy, mà sau khi chạm đáy thì nền kinh tế mới chuyển sang giai đoạn hồi phục.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM.
Trả lời câu hỏi kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi thế nào, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng để trả lời câu hỏi này, phải trả lời một câu hỏi then chốt là hiện chúng ta đã "chạm đáy" hay chưa? Chúng ta đang ở vùng xấu nhất của suy thoái kinh tế hay chưa hay vẫn còn đang trong vùng rơi đáy?

Theo quan sát của ông Bảo, nhiều doanh nghiệp đang gồng mình chống chọi, cầm cự bằng cách cho nhà xưởng hoạt động cầm chừng, gắng giữ chân người lao động, bởi lượng nguyên nhiên vật liệu tồn kho và một số đơn hàng đầu ra vẫn còn sản xuất.

"Họ nói 2 - 3 tháng tới nếu tình hình kinh tế thế giới không khả quan hơn, các quốc gia là đối tác thương mại và đầu tư của họ không trở lại hoạt động bình thường thì buộc lòng họ phải cho máy móc ngưng và đóng cửa nhà máy, đồng nghĩa với việc một lượng lớn nhân sự sẽ bị sa thải, thậm chí vận mệnh của công ty lâm nguy", ông Bảo nói.

Ở góc độ vĩ mô, một đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là độ mở rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam đạt hơn 264 tỷ USD, nhỉnh hơn GDP cả nước.

"Đó là độ mở kinh tế rất lớn, khiến chúng ta hấp thụ một cách rất đầy đủ, đồng thời khuếch đại những cú shock tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu mà cú shock Covid-19 hay cú shock giá dầu gần đây là ví dụ điển hình. Điều đó khiến tăng trưởng GDP của chúng ta rất nhạy cảm với tăng trưởng xuất khẩu".

"Thêm vào đó, hoạt động xuất khẩu rất nhạy cảm với thay đổi trong GDP thế giới. Nói nôm na, khi tổng cầu của thế giới giảm sút, thì xuất khẩu của Việt Nam giảm theo. Điều đó khiến động lực tăng trưởng kinh tế từ xuất khẩu của Việt Nam trở nên yếu kém trong năm nay", ông Bảo cho hay.

Trong khi đó, ở góc độ thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới năm 2020 sẽ ở mức âm 3% - một mức rất thấp. Thêm vào đó, Covid-19 như một cú đấm bồi vào nền kinh tế khi mà sức đề kháng của nó đang suy yếu bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Quay trở lại tình hình Việt Nam, ông Bảo cho biết, sự phục hồi kinh tế và các hoạt động kinh tế còn lại chủ yếu dựa vào hoạt động đầu tư. Gần đây, Chính phủ đưa ra các giải pháp kích thích kinh tế như đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời đưa ra những giải pháp để tranh thủ làn sóng FDI đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Một động cơ nữa để kích thích tiêu dùng, đầu tư là nới lỏng tiền tệ và tăng trưởn tín dụng, mà động thái mới nhất là Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí hoạt động và lương thưởng, không chia cổ tức tiền mặt để giảm lãi suất.

Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM nhận định: "Chúng ta đã trả giá rất đắt bằng kinh tế cho việc chống dịch nhưng đó là cái giá xứng đáng khi dập dịch thành công, bảo vệ sức khoẻ người dân. Chính phủ ngay từ đầu đã hành động mạnh mẽ trong việc lựa chọn sức khoẻ thay vì tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đã làm được điều mà không phải quốc gia nào trên thế giới có điều kiện y tế, kinh tế, xã hội tốt hơn Việt Nam làm được. Việc bảo toàn người lao động sẽ là điều kiện then chốt để kích thích quá trình phục hồi sau đại dịch".

Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét