Lựa chọn lộ trình hồi phục 'khôn ngoan' cho nền kinh tế

(TBKTSG Online) - LTS - Các gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ đã thực sự phù hợp và đúng thời điểm? Và Việt Nam cần phải làm gì để tăng chuyển lưu dòng tiền, đưa nền kinh tế sớm hồi phục sau khi dịch bệnh Covid-19 đi qua?
Nếu chúng ta sử dụng tốt và linh hoạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội và tài khóa cũng như đầu tư công thì chắc chắn tăng trưởng năm 2020 sẽ đạt như kỳ vọng là trên 3%. Ảnh minh họa Thành Hoa
Doanh nghiệp đã đến lúc khôi phục sản xuất?

Covid-19 là một chấn động đối với nền kinh tế trong nước và thế giới. Sau một chấn động lớn, chúng ta cũng không thể và không nên thay đổi qua "một đêm" được. Phục hồi theo lộ trình là chọn lựa khôn ngoan lúc này.

Với tình hình dịch bệnh đã được cải thiện như hiện nay, các Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ lần lượt được cởi bỏ giới hạn để giúp cho giao thương xã hội được dần trở lại bình thường.

Giáo dục các cấp cần được nới lỏng và việc học sẽ tiếp tục như bình thường; học sinh, sinh viên trở lại trường, không cần thay đổi thời gian tổ chức thi THPT quá xa gây khó khăn cho năm sau.

Hoạt động bệnh viện công lập và tư nhân cần nối lại như cũ, làm cho dòng tiền bảo hiểm y tế (cũng như mọi dòng tiền khác) được nhanh chóng lưu thông.

Về giao thông, đã đến lúc cho phép tất cả các tuyến bay trong nước hoạt động trở lại. Tuy vậy các hàng ghế và số ghế nên giảm xuống một nửa, nhằm giữ khoảng cách giữa hành khách. Chính phủ cũng có thể cho phép tăng cao giá vé, nhằm mục đích hạn chế số người đi lại (không phải vì tăng lợi nhuận). Sau vài tháng, nếu tình trạng dịch bệnh đã được kiểm soát bền vững, khi ấy sẽ cho phép các hãng trở lại hoạt động bình thường.

Giao thông đường bộ cũng được nối lại cho nhân dân đi lại buôn bán và lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền.

Các doanh nghiệp sản xuất khu công nghiệp hay công trình xây dựng nên cho mở lại khôi phục sản xuất.

Tất cả các hoạt động trên đây để tạo ra dòng tiền ban đầu, giống như cây bị nhổ rễ vừa mới héo (chưa chết), Chính phủ chỉ tạo điều kiện che chắn và người chủ tưới ít nước cho cây lấy lại sức. Chỉ cần nước thôi chưa cần bón phân trong giai đoạn này vì như thế sẽ bội thực và khó sống.

Xuất khẩu vẫn chưa tăng được

Nếu chúng ta sử dụng tốt và linh hoạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội và tài khóa cũng như đầu tư công thì chắc chắn tăng trưởng năm 2020 sẽ đạt như kỳ vọng là trên 3%.

Hiện nay Việt Nam có đến 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ hay rất nhỏ với thuộc tính: vốn ít, không có qui trình sản xuất cũng như dịch vụ kém quy chuẩn, chất lượng, công cụ sản xuất thô sơ.

Trong khi đó, tay nghề sản xuất và năng lực lao động chưa cao và thiếu nhiều kỹ năng. Sản phẩm từ các doanh nghiệp “thuần Việt” này thường lưu hành, buôn bán trong nước, tạo mãi lực trong nước, và một ít có khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất nhỏ cũng đóng góp đến 30-40% GDP cả nước.

Xuất khẩu Việt Nam tăng khá nhưng phụ thuộc vào các doanh nghiệp sử dụng vốn FDI.

Thế giới chưa thoát được dịch bệnh vào 2020 này, và thế giới chỉ có thể bắt đầu đà tăng trưởng từ đầu năm 2021 và như vậy phải mất ít nhất quí 2 của 2021 thì mới có thể lấy lại đà tăng trưởng năm 2020. Với giả thuyết như vậy, và nếu thật sự như vậy, thì doanh số xuất khẩu của Việt Nam cũng chưa tăng được, vì sức tiêu dùng hàng hóa công nghiệp và ăn mặc chưa cao. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất nghiệp trong thị trường lao động khá lớn.

Đầu tư công có trọng điểm sẽ tăng GDP

Với nhận định như trên, tôi thấy việc điều hành vốn đầu tư công là quan trọng nhất. Dòng tiền sẽ đổ vào các công trình lớn như sân bay Long Thành, xây dựng các công trình giao thông, đường sá khắp nước để chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Điều này giúp cho nhà nước giải quyết được thất nghiệp và giảm quỹ thất nghiệp rất lớn. Đặc biệt khi chúng ta giải ngân vào những dự án lớn sẽ kéo theo những nhà sản xuất phụ và nhiều ngành thương mại khác, công nhân có lương, xã hội bình ổn...

Như chúng ta đã biết, cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ năm 1960, chính phủ nước này đã cho xây dựng công trình giao thông toàn quốc bằng tiền ngân sách và thực hiện các chính sách an sinh trực tiếp và thiết thực. Chính vì những đại dự án giao thông như vậy đã làm dòng tiền trở lại cao hơn giúp nước này thoát cuộc khủng hoảng.

Như vậy, có thể nói nếu chính sách đầu tư công có kế hoạch trọng điểm sẽ góp phần làm tăng GDP trong nước.

Cứu trợ hay hỗ trợ doanh nghiệp?

Tôi muốn nói rõ về hai hình thức này:

Chính sách cứu trợ doanh nghiệp

Phần lớn các chính sách sẽ dành cho các doanh nghiệp lớn có giá trị tài sản cao và có nội lực lớn, tiềm ẩn để giúp tăng tốc cho tăng trưởng GDP giai đoạn sau khi thế giới đi vào hết dịch. Đây là cách cứu trợ để dưỡng quân. Gói cứu trợ này được sử dụng định chế tài chính linh hoạt, ví dụ lãi xuất ngân hàng.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Khuyến khích sản xuất và dịch vụ trong nước để bình ổn dòng tiền, thuộc về những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số tiền này bao gồm huấn luyện và cải thiện qui trình sản xuất, để sản phẩm vừa có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, như các doanh nghiệp khởi nghiệp phần mềm, cải thiện sản phẩm nông sản để xuất khẩu (vận dụng EVFTA và với thị trường Mỹ đang thiếu trầm trọng hàng hóa nông sản thực phẩm mà Việt Nam có thể sản xuất và xuất được ngay).

Ngoài ra hỗ trợ doanh nghiệp nên dành cho những doanh nghiệp có kế hoạch hoạt động và đóng góp vào tăng trưởng. Đây là ngân sách hỗ trợ chứ không cứu trợ, cho nên nếu doanh nghiệp nào tìm được giải pháp tăng trưởng cho tình hình mới thì nên hỗ trợ, ví dụ Công ty Tesla, GM sản xuất xe hơi của Mỹ, được hưởng gói hỗ trợ để sản xuất máy thở là một ví dụ…

Trường hợp này chính phủ nên sử dụng tài khóa để xử lý, giống như nhà nước bỏ tiền ra để mua sự tăng trưởng theo kế hoạch. Tỷ lệ ngân sách bỏ ra cho khoản hỗ trợ này tương đương với 30-40% GDP cho cách doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, chính sách an sinh xã hội cũng giúp cho toàn dân lấy lại sức cả về vật chất và tinh thần để tiếp tục lao động, sáng tạo đóng góp vào phục hồi kinh tế nước nhà. Tuy nhiên khi chính phủ giải quyết hỗ trợ trực tiếp thì sẽ tăng mãi lực nội địa, tăng chuyển lưu dòng tiền do chính phủ vừa hỗ trợ, đồng tiền cũng được quay về.

Chính phủ cần chuẩn bị nhiều kịch bản

Chính phủ cần đặt ra nhiều kịch bản sau thời kỳ dịch bệnh, để sẵn sàng chuẩn bị cho các tình huống:

 Kịch bản cho thời điểm thoái lưu dịch bệnh

Thời điểm này nên dùng các chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; nên có chính sách tài chính để doanh nghiệp nuôi quân và dưỡng quân; chính sách hỗ trợ trực tiếp để thúc đẩy giao thương nội địa, giữ dòng tiền.

Đây cũng là thời điểm nên bắt đầu giải ngân cho các dự án lớn, để thu hút lao động, giảm thất nghiệp.

Kịch bản hậu dịch Covid-19

Đây là giai đoạn tăng giải ngân cho đầu tư công, đóng góp cho tăng trưởng GDP; tăng cường xuất khẩu mặt hàng thực phẩm, lương thực cho châu Âu và Mỹ.

Kịch bản năm 2021

Với kịch bản này, Việt Nam sẽ là tăng vốn FDI nhờ vào thu hút đầu tư nước ngoài do có thương hiệu, nơi đến đầu tư an toàn và trung thực.

Nếu chúng ta có kế sách đầy đủ, tôi tin GDP của 2021 sẽ trên 7%.

Nguyễn Hữu Tùng
Chủ tịch Đại học Phan Châu Trinh
0 Nhận xét