Hạn chế phá sản bằng biện pháp pháp lý tình thế trong thời dịch Covid-19

(TBKTSG Online) - Liệu có giải pháp pháp lý cụ thể để hạn chế tình trạng mất khả năng thanh toán của các công ty cũng như loại trừ đi những tác hại kinh tế mà Covid-19 mang lại ở Việt Nam thông qua các biện pháp tình thế được áp dụng ở các nước hay không?
Nên đình chỉ nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Đầu tiên, Luật Phá sản 2014 nên hạn chế nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Theo như khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật Phá sản: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Trong giai đoạn dịch bệnh này, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng trầm trọng và nền kinh tế ở Việt Nam cũng tương tự, do đó, tình trạng nhiều doanh nghiệp rơi vào giai đoạn khó khăn về tài chính và dẫn đến phá sản sẽ xảy ra như một điều mặc nhiên. Nếu vẫn cứ áp dụng khoản 3 và khoản 4 của Điều 5 Luật Phá sản thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị “khai tử”.

Vì vậy, việc tạm thời đình chỉ nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ giúp cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh để có thêm thời gian và cơ hội phục hồi hoạt động của công ty. Đồng thời, giải pháp này cũng sẽ hạn chế được áp lực của các chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc phải nộp đơn vì theo khoản 5 Điều 28 Luật Phá sản: “Những người theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Luật này không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp có thiệt hại phát sinh sau thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây ra thì phải bồi thường".

Một minh chứng gần đây là ở Đức và Tây Ban Nha đã bắt đầu đình chỉ nghĩa vụ này của các giám đốc, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu chính phủ Đức quyết định đình chỉ nghĩa vụ nộp đơn xin phá sản cho đến ngày 30 tháng 9 năm 2020 (thậm chí là có thể kéo dài đến 31/3/2021) thì Tây Ban Nha đã đình chỉ nhiệm vụ này cho đến khi kết thúc tình trạng khẩn cấp, tức là đến ngày 14 tháng 4 năm 2020. Tuy nhiên, tác giả nghĩ rằng việc đình chỉ nghĩa vụ nộp đơn xin phá sản nên kéo dài đủ lâu để cho các công ty phục hồi hoạt động kinh doanh sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Do đó, dường như thời hạn mà chính phủ Đức đưa ra có vẻ là hợp lý hơn so với Tây Ban Nha.

Chủ nợ thì sao?

Tương tự, các nhà ban hành luật cũng nên đình chỉ quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các chủ thể được quy định tại Điều 5 của Luật Phá sản, đặc biệt là đối với chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần. Bởi nếu không đình chỉ quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các chủ nợ thì giải pháp đình chỉ nghĩa vụ nộp đơn của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp vừa được nêu ra ở trên hoàn toàn vô nghĩa. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cũng như sự hỗ trợ thích đáng cho doanh nghiệp trong giai đoạn này thì cần đồng thời đình chỉ cả quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được quy định ở Điều 5 của Luật Phá sản để có sự đồng bộ trong việc áp dụng quy phạm pháp luật.

Có thể tham khảo chính sách này ở Tây Ban Nha khi nước này đình chỉ quyền nộp đơn yêu cầu phá sản của các chủ nợ cho đến khi kết thúc tình trạng khẩn cấp hiện tại. Một ví dụ khác là ở Úc khi chính phủ nước này hạn chế quyền nộp đơn của chủ nợ thay vì đình chỉ như Tây Ban Nha, tuy không quyết liệt nhưng cũng có thể thấy được Úc đã có sự quan tâm nhất định đến các chủ thể kinh doanh ở nước họ. Ấn Độ cũng có động thái tương tự như Úc khi cũng đi theo hướng hạn chế quyền nộp đơn thay vì vô hiệu hóa quyền của chủ nợ.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tác giả thì Việt Nam nên có khuynh hướng đình chỉ quyền tương tự như Tây Ban Nha để mang đến tính hiệu quả tuyệt đối trong việc bảo vệ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Một điều kiện để áp dụng giải pháp đình chỉ quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các chủ thể được quy định trong Luật Phá sản chính là chính sách này chỉ là tạm thời và cần được áp dụng trong một khoảng thời gian hợp lý khi mà dịch bệnh có hy vọng được đẩy lùi.

Giải pháp này cũng sẽ khiến cho các doanh nghiệp hạn chế được việc chịu các chi phí của thủ tục phá sản như chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Một điểm lưu ý là nếu chủ nợ chứng minh được việc mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp không phụ thuộc vào đại dịch Covid-19 thì vẫn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như bình thường.

Một giải pháp khác chính là việc tự động gia hạn thời gian hợp đồng đối với các chủ nợ có bảo đảm. Bởi lẽ theo pháp luật Việt Nam thì nếu nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn trong quá trình phục hồi hoạt động kinh doanh thì chủ nợ có bảo đảm vẫn được xử lý biện pháp bảo đảm của mình một cách bình thường như quy định trong hợp đồng bảo đảm.

Giả dụ như tài sản bảo đảm là máy móc, thiết bị vận hành sản xuất của công ty, nếu trong giai đoạn này mà vẫn xử lý tài sản bảo đảm thì việc phục hồi hoạt động kinh doanh của công ty là điều bất khả thi. Như vậy, để doanh nghiệp có cơ hội “trở mình” trong thời dịch bệnh này thì việc kéo dài thêm thời hạn thực hiện hợp đồng bảo đảm là việc cần thiết trừ khi công ty trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch thì đã có sự thiếu hiệu quả trong hoạt động kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Con nợ sở hữu tài sản

Giải pháp tiếp theo chính là trao cho doanh nghiệp cơ hội trở thành con nợ sở hữu tài sản (debtor-in-possession – DIP) nếu như các doanh nghiệp không thể thoát khỏi tình trạng phá sản. Việc này sẽ giúp họ có thể tiếp tục hoạt động dưới các điều khoản nhất định khi mà họ nộp đơn để xin bảo hộ phá sản. Cơ chế này giúp cho các doanh nghiệp tuy là đã tuyên bố phá sản nhưng vẫn có thể sử dụng các tài sản bảo đảm để tiếp tục hoạt động kinh doanh thông thường.

Dĩ nhiên là việc này sẽ bao gồm các điều kiện kèm theo như hồ sơ về tài chính minh bạch, việc đảm bảo sử dụng có hiệu quả các tài sản và việc nộp tờ khai thuế định kỳ đúng hẹn để chứng minh khả năng kinh doanh trong thời gian tới. Đây có thể xem là một giải pháp tình thế để giúp các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có thể đảo ngược tình thế và quay trở lại hoạt động với sự đổi mới. Điều này về mặt lý thuyết sẽ gây ra sự bất lợi cho các chủ nợ có đảm bảo nhưng về mặt cơ bản thì khoản nợ của họ chỉ bị chậm trễ thanh toán và ngay khi doanh nghiệp có được lợi nhuận từ việc “trở mình” thì buộc phải thanh toán ngay những khoản nợ đã bị quá hạn.

Có thể thấy các nước như Úc, Đức, Tây Ban Nha… đang tích cực thực hiện các chính sách có lợi cho những doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán để giảm thiểu các tác động tiêu cực mà Covid-19 gây ra cho nền kinh tế cũng như toàn xã hội. Một số quốc gia cũng đã có ý định sửa đổi các điều luật liên quan đến thủ tục phá sản của các công ty trong giai đoạn khó khăn này.

Trần Nguyễn Phước Thông
Học viện Tư Pháp TPHCM
0 Nhận xét