Covid-19 - “Phép thử” cho nhân sự Việt làm việc từ xa: Giải pháp tình thế hay xu hướng tương lai?

Chưa có một dự đoán tích cực nào về việc bao giờ COVID-19 kết thúc. Do đó, "làm việc từ xa" có thể sẽ phải trở thành hình thức làm việc chủ yếu của nhiều nhân sự và doanh nghiệp thay vì coi là giải pháp tạm thời. Vậy tại sao không coi đây là "phép thử" để chúng ta sớm thích nghi và triển khai mô hình làm việc kiểu mới này?
Làm việc từ xa: Giải pháp tình thế mùa dịch

Diễn biến khó lường của dịch COVID-19 trên toàn thế giới thực sự đã ấn nút kích hoạt mô hình làm việc từ xa (remote work) hay làm việc tại nhà (work from home) tại rất nhiều nước, dù chúng ta sẵn sàng hay không - trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp được đánh giá hiệu quả trong thời điểm này, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động mà vẫn giảm thiểu tiếp xúc vật lý trong cộng đồng, theo khuyến cáo của Chính phủ.

Làm việc từ xa, đúng như tên gọi, nghĩa là không giới hạn không gian làm việc ở văn phòng theo kiểu truyền thống, nhân sự có thể làm việc ở bất cứ đâu: tại nhà, quán cà phê, co-working space hay thậm chí khi đang du lịch, miễn sao đạt hiệu quả công việc và đúng kế hoạch. Tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng hình thức này lại tương đối phổ biến ở các nước châu Âu và Mỹ, đặc biệt là tại các công ty công nghệ và dịch vụ, vì những lợi ích đa dạng cho cả doanh nghiệp lẫn nhân sự.

Về phía doanh nghiệp, họ có thể giảm thiểu chi phí văn phòng, tăng cơ hội tiếp cận nhân sự tài năng trên khắp thế giới và cho phép công ty hoạt động 24/7 với nhân viên trải khắp các múi giờ. Còn với nhân sự, cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc nước ngoài, được trả mức lương và đãi ngộ tương tự nhân viên bản xứ nhưng mức chi tiêu nội địa, tiết kiệm thời gian di chuyển đến công ty là một vài ưu điểm cần xét đến.

Trong bối cảnh hiện nay, làm việc từ xa ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc nhân viên hoàn thành công việc ở nhà thay vì ở văn phòng, mà chưa thể phát huy được hết những lợi thế vốn có. Chưa có một dự đoán tích cực nào về việc bao giờ COVID-19 kết thúc. Do đó, làm việc từ xa có thể sẽ phải trở thành hình thức làm việc chủ yếu của nhiều nhân sự và doanh nghiệp thay vì coi là giải pháp tạm thời. Vậy tại sao không coi đây là "phép thử" để chúng ta sớm thích nghi và gia nhập mô hình làm việc kiểu mới này?

Không dừng lại ở "hiện tượng", làm việc từ xa sẽ trở thành xu hướng mới

Theo số liệu thống kê của Global Workplace Analytics, lực lượng nhân sự gia nhập đội ngũ làm việc từ xa ở Mỹ tăng 159% kể từ năm 2005. Xu hướng này ban đầu được dự đoán sẽ lan rộng sang thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm tới, nhưng dường như đang diễn ra sớm hơn do sự tác động của đại dịch COVID-19.

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn đang lúng túng trong việc tổ chức điều hành từ xa, thì một số doanh nghiệp khác (chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ) lại thích ứng rất nhanh. Họ và đội ngũ nhân viên của mình đã làm quen với những công cụ hỗ trợ như chấm công online, họp trực tuyến, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, quản lý deadline công việc… và giờ là lúc hưởng trái ngọt của việc cập nhật xu thế.

Điều tương tự cũng đang diễn ra với phía người lao động. Trong khi nhiều người đã hoặc đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp thì một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ lại đứng vững trước cơn bão khi sớm lựa chọn trở thành một phần của mạng lưới "làm việc từ xa" toàn cầu và đa dạng hóa nguồn công việc của mình. 

Làm việc từ xa không chỉ bó hẹp với công việc tự do (freelance job) như cách hiểu của nhiều người hiện nay mà còn bao gồm cả làm việc toàn thời gian từ xa (remote fulltime job) cho các công ty toàn cầu. "Làm việc từ xa" nghĩa là có thể làm việc ở bất cứ đâu, kể cả trong… khu vực cách ly tập trung giữa mùa COVID-19. 

Chỉ với một chiếc laptop và kết nối mạng, một cô gái trẻ đã biến 14 ngày cách ly của mình trở nên ý nghĩa và giá trị hơn nhiều, kết nối công việc với khách hàng ở Ấn Độ và Ba Lan chưa từng bị gián đoạn. Đó là câu chuyện của Đỗ Thùy Linh, nhân vật gây bão trên mạng xã hội hồi cuối tháng 3 với nhật ký cách ly và quan điểm "Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà".

Hai công việc này Linh tình cờ "săn" được trên trang tuyển dụng Waw Asia, một nền tảng chính thức đầu tiên kết nối các công ty toàn cầu với các tài năng đến từ múi giờ châu Á thông qua mô hình làm việc từ xa (remote work). Đây cũng là lần đầu tiên Linh biết đến khái niệm "làm việc từ xa cho công ty toàn cầu". Vốn chỉ coi đây là việc làm thêm trong thời gian học tiếng Anh ở Philippines mà giờ đây, những công việc này trở thành cứu tinh cho cô khi bất đắc dĩ rơi vào tình trạng "vừa thất học vừa thất nghiệp".

Không chỉ riêng Linh, rất nhiều nhân viên công sở khắp thế giới và cả Việt Nam đã và đang trải qua một đợt dịch COVID-19 không khủng hoảng nhờ vào phương thức làm việc từ xa như vậy, chỉ với chiếc máy tính có kết nối internet.

Khi trận đại dịch này qua đi, có thể các công ty sẽ quay trở về kiểu làm việc văn phòng truyền thống như cũ. Nhưng chắc chắn rằng "phép thử" này đang và sẽ thời mở ra nhiều lựa chọn về mô hình làm việc cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động vì những lợi ích không thể phủ nhận của nó.

Kiều Anh
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét