3 chiến lược vượt khủng hoảng Covid-19 của Tổng giám đốc Vinatex

TheLEADER - Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài thêm thì mỗi tháng toàn ngành sẽ thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng.
Cuộc khủng hoảng về y tế mùa dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến kinh tế, sản xuất, phân phối khi lần đầu tiên trong lịch sử, cầu thế giới đột ngột dừng lại. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khẳng định, đây là thách thức rất lớn, chưa từng có trong quá trình hoạt động đối với những người làm dệt may nói chung và Vinatex nói riêng.

Theo đó, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước một thách thức rất lớn do sử dụng nhiều lao động nên nếu thiếu việc làm, tình hình sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng. Nếu không có việc làm, doanh nghiệp sẽ không có tiền để chi trả các chi phí, trong đó lớn nhất là tiền lương. Nếu chỉ trả tiền lương tối thiểu cho người lao động trong ba tháng thì doanh nghiệp đã không còn một đồng vốn nào. 

Vinatex nhận định, thiệt hại ước tính với ngành dệt may lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020 (riêng Vinatex ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng). Đặc biệt, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thêm thì mỗi tháng toàn ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng.

Vinatex cũng đưa ra giả thiết, nếu dịch Covid-19 kết thúc vào cuối tháng 5, và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính ngành dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỷ đồng, con số này với doanh nghiệp này vào khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Vinatex, mấu chốt là làm sao giữ được dòng tiền trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, ông Trường cho rằng đây là câu hỏi rất lớn đặt ra cho những người quản lý và tất cả người lao động trong Vinatex. Ông Trường nhấn mạnh, trong thời điểm khó khăn này, có ba bài học phải được kiên định, quyết liệt thực hiện với chất lượng cao nhất tại tất cả các doanh nghiệp.

Thứ nhất, không ngại khám phá, sáng tạo, đi vào những ngả đường chưa bao giờ đi. Lãnh đạo Vinatex cho biết trên thực tế, trong hai tháng qua, doanh nghiệp này đã tổ chức sản xuất những mặt hàng chưa từng sản xuất như khẩu trang phòng dịch và sắp tới là khẩu trang y tế, bộ quần áo y tế cho bác sỹ, bệnh nhân, bộ quần áo phòng dịch. 

Đây là những mặt hàng không chỉ phục vụ nhu cầu chống dịch trong xã hội mà còn góp phần giảm bớt khó khăn đối với việc bị hoãn, dừng, hủy đơn hàng kể từ đầu tháng 3/2020 với tất cả doanh nghiệp. 

Vinatex cũng triển khai làm việc từ xa, điều không ai nghĩ có thể làm với ngành “con mọn” như dệt may. Ông Trường cho rằng điều này mở ra khả năng hoạt động với chi phí thấp hơn cho doanh nghiệp.

Thứ hai, người lãnh đạo các doanh nghiệp cần tự chấn chỉnh mình, giữ được niềm tin mạnh mẽ, quyết liệt và tin tưởng vào thắng lợi. Theo ông Trường, ý chí của người đứng đầu sẽ là động lực lan tỏa đến toàn doanh nghiệp. Chỉ có người đứng đầu mạnh mẽ, quyết tâm thì mới có khả năng chèo chống con thuyền doanh nghiệp vượt qua được khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. 

"Đây cũng là dịp để phân biệt doanh nghiệp, doanh nhân tầm thường và những doanh nghiệp, doanh nhân có ý chí vươn lên mạnh mẽ", người đứng đầu Vinatex khẳng định.

Thứ ba, đây là lúc mọi ứng xử với nhau phải xuất phát từ cái tâm chân thành. Theo vị lãnh đạo này, nếu cái tâm thật chân thành thì dù hoạt động sản xuất kinh doanh có khó khăn đến đâu cũng sẽ ổn định và vượt qua được. Người lao động cũng cần nhìn vào văn hóa doanh nghiệp và cách ứng xử chân thành của lãnh đạo doanh nghiệp đối với mình để quyết định san sẻ cùng nhau vượt qua khó khăn. 

"Với niềm tin “gái có công, chồng chẳng phụ”, những người lao động sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp để xây dựng tương lai tươi sáng hơn sau khủng hoảng", ông Trường nhìn nhận.

Theo lãnh đạo Vinatex, thời điểm khó khăn là lúc cần sự sáng tạo, tiết kiệm mọi chi phí, năng suất, chất lượng tốt hơn dù thời gian, số lượng công việc có thể ít đi. Ông cho rằng người lao động ngành dệt may Việt Nam cần chia sẻ với nhau để tất cả cùng có việc làm, cùng có thu nhập chấp nhận được và giữ vững đội ngũ của mình. Đồng thời, cũng kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, hạn chế dòng tiền phải đi ra khỏi đất nước.

Quỳnh Chi
0 Nhận xét