Những ngày sắp tới, gia đình tôi lấy gì để sống? Vì dịch Covid-19, bạn tôi phải đóng cửa quán ăn, "nằm nhà" thất nghiệp...

Không ai mong muốn đại dịch nhưng mỗi ngày, tất cả chúng ta đang cùng nhau gồng sức chống lại đại dịch và hy vọng mọi thứ sớm trở lại bình thường như trước.
Tôi có nhiều bạn bè làm trong lĩnh vực sáng tạo. Nhạc sĩ, đạo diễn, biên kịch, photographer, nghệ nhân cắm hoa, thiết kế, quảng cáo… Vốn dĩ họ luôn được nhiều người hâm mộ vì tài năng và cá tính độc đáo, lại còn kiếm được nhiều tiền. Nhưng giờ đây, sau hai tháng dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thì họ là những người dễ "đói" đầu tiên. 

Dễ hiểu thôi, thời điểm này cấm tụ tập đông người, lao động thiếu việc và mất việc, hầu bao thu hẹp, chính vì vậy mà những giá trị họ đem lại cho xã hội bị xem là xa xỉ phẩm, là những thứ cần cắt giảm đầu tiên trong ngân sách chi tiêu.

Một người bạn tôi mở nhà hàng gần trung tâm Sài Gòn đã đóng cửa quán, chấp nhận mất hai tháng tiền cọc và chi phí sửa chữa mặt bằng, bởi nếu có tiếp tục kinh doanh nữa cũng ế ẩm, mà hàng ngày còn phải lo tiền công cho nhân viên, tiền nguyên vật liệu, lại chẳng biết khi nào đại nạn này mới kết thúc.

Một người bạn khác làm nhân viên của một sàn thương mại điện tử. Ngay trước Tết sàn này đóng cửa, không lương không thưởng, tưởng đã là hạn lắm rồi; nào ngờ dịch Covid-19 kéo dài, nên đến tận bây giờ vẫn chưa tìm được việc mới. Cậu đã lên mạng nộp ứng tuyển một số nơi, nhưng tình hình này họ cũng ngại chưa gọi đi phỏng vấn. Cực chẳng đã, cậu đành đăng ký ăn lương bảo hiểm thất nghiệp dù bản thân còn trẻ khỏe, sức dài vai rộng.

Một vài người bạn khác làm tiếp viên hàng không thì đã không đi bay hai ba tuần nay, lương giảm phần nhiều. Do đặc thù nghề nghiệp nên họ vô phương đi kiếm việc khác, chỉ có thể nằm nhà chờ qua nạn chung toàn cầu này.

Một người bạn nữa thì hàng tháng đang phải trả gần 20 triệu tiền vay mua nhà của ngân hàng. Bây giờ công ty cắt lương, nhưng số tiền nợ hàng tháng thì chị vẫn phải trả đều. Vài tháng nữa mà lỡ rơi vào đợt cắt giảm nhân sự, thì chỉ có mà bán vội nhà để sống thôi.

Mới một thời gian ngắn trước thôi, đầu năm 2020, chúng ta còn đang hỉ hả rằng năm nay số đẹp, lại là năm con chuột đầu tiên của vòng 12 con giáp. Chúng ta đang nói về những cuộc phiêu lưu tuổi trẻ, về ước mơ, về nên chọn cuộc sống an yên hay dốc sức. Chúng ta đang điên cuồng khởi nghiệp theo ý thích, táo tợn yolo, sống như thể không có ngày mai. 

Và rồi đùng một cái, chúng ta hết đường để phiêu lưu, cảm thấy ước mơ thật viển vông, không biết ngày mai trôi dạt phương nào, và cầm chắc rằng nếu đã lỡ chọn cuộc sống an yên thì bây giờ có mà… "cạp đất mà ăn".

Nhưng bạn biết không, nếu ở thời điểm này mà bạn vẫn có thể an ủi nhau rằng thôi thì mình thắt lưng buộc bụng, nhân giai đoạn 'work from home' mà học thêm kĩ năng mới thì bạn hẵng còn may mắn chán. Vì bạn vẫn có đường sống và tương lai rõ ràng, có mái nhà và miếng ăn, chưa bị gánh nặng cơm áo gạo tiền làm cho phát điên.

Theo thống kê thì trong dịch Covid-19, những ngành nghề có số lượng đăng ký thất nghiệp gia tăng là du lịch, vận tải, chế biến, dệt may, da giày, siêu thị, trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ khách sạn lưu trú, ăn uống. Tính đến ngày 20/3 thì cả nước đã có gần 77.000 lao động đến nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp (số liệu từ Bộ Lao Động - Thương Binh - Xã Hội). 

Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở châu Âu và Mỹ, thì nền kinh tế nhỏ của Việt Nam còn dễ bị ảnh hưởng thêm nữa. Khi nhu cầu họ giảm thì chúng ta mất đi thị trường xuất khẩu, bắt buộc phải giảm quy mô kinh doanh và tìm hướng đi mới. Chính vì vậy mà dự báo trong quý 2, số lao động đăng ký thất nghiệp sẽ còn tăng lên khoảng 20 - 30%.

Những gia đình công nhân cả mấy miệng ăn sống nhờ vào đồng lương vài triệu ít ỏi rồi sẽ thế nào? Những gia đình nông dân còn phải lo cho con cái đi học trên thành phố rồi sẽ thế nào? Những gia đình trung lưu đang trả nợ nhà, nợ xe rồi sẽ thế nào? Những cô chú bán vé số dạo trên đường rồi sẽ thế nào, khi người dưng chẳng còn tiền để ăn chứ nói gì là mua vài tờ giúp đỡ họ?

Đây là lần đầu tiên mà một kẻ luôn nhìn cuộc đời màu hồng như tôi cũng thấy rối. Cảm giác rằng những lời động viên mà xưa nay mình vẫn ra rả với người khác "cứ cố gắng đời sẽ đẹp" sao nó sáo rỗng, nông cạn quá...

Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương, kể cả vết thương "đẫm máu" do Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế nước mình. Vài ba năm nữa, chục năm nữa, có thể trong một buổi cà phê sáng nào đó, chúng ta sẽ phiếm chuyện với nhau, bảo rằng mình là "chứng nhân của lịch sử" trải qua thời dịch bệnh toàn cầu và kinh tế điêu đứng. 

Nhưng đằng sau nỗi cảm thán vĩ mô ấy là chất chồng mệt mỏi, đau khổ, khánh kiệt của biết bao cá nhân vô danh, là những ước mơ bị thiêu rụi, là những bức tranh hy vọng chỉ vẽ nửa chừng, là những người bị tước mất thời điểm vàng để sống một tuổi trẻ như ý muốn.

Cố sống vậy. Chúng ta sẽ làm lại từ đầu!

Tái bút:
Điều gì cũng có hai mặt của nó, tất nhiên rồi! Một vài điểm sáng (tạm gọi như vậy nhé) của dịch Covid-19 này là xã hội loài người sẽ phải xem lại cách mà mình đang đối xử với thiên nhiên: ngừng giết hại và tiêu thụ động vật hoang dã, xem xét lại quy trình sản xuất công nghiệp và khói xe đang tạo ra quá nhiều khí thải ô nhiễm, giảm tiêu thụ nguyên liệu hoá thạch đang đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, vân vân. Và hiển nhiên cũng sẽ có một vài cá nhân xuất chúng tìm thấy được cơ hội kinh doanh mới theo các nhu cầu phát sinh của thị trường.

Lana
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét