Doanh nghiệp nội địa đứng trước nỗi lo thâu tóm

(TBKTSG) - Thông tin chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim chính thức về tay tập đoàn Central Retail của Thái Lan đã trở thành tâm điểm của thị trường trong những ngày gần đây. Sự kiện trên cũng cho thấy xu hướng thâu tóm và sáp nhập tại Việt Nam với các tay chơi đến từ nước ngoài đang tiếp tục phát triển.
Nguyễn Kim là tên tuổi mới nhất trong các thương vụ “bán mình” của các doanh nghiệp nội địa cho các nhà đầu tư ngoại quốc trong thời gian qua. Ảnh: THÀNH HOA
Những thương vụ “bán mình”

Thương vụ mua lại để nâng tỷ lệ sở hữu trên đã diễn ra từ giữa tháng 6-2019, tuy nhiên thông tin này gần đây mới được hé lộ khi Central Retail Corporation (CRC) - thành viên tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan, thực hiện phiên bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán nước này vào ngày 20-2-2020 vừa qua. Theo đó, từ quí 3-2019, CRC đã bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh của Nguyễn Kim vào kết quả toàn tập đoàn.

Nguyễn Kim là tên tuổi mới nhất trong các thương vụ “bán mình” của các doanh nghiệp nội địa cho các nhà đầu tư ngoại quốc trong thời gian qua, trong đó những thương vụ nổi tiếng bị mua đứt như thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô bán cho Mondelez International của Mỹ, Phở 24 cho Jollibee của Philippines, Bibica cho Lotte của Hàn Quốc, Huda cho Carlsberg của Đan Mạch, Sabeco cho Thai Beverage của Thái Lan. Ngoài ra còn có nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong... về với tập đoàn Xi măng Siam (SCG) của Thái Lan, hay Y khoa Hoàn Mỹ bán 65% cổ phần cho Fortis (Ấn Độ)...

Riêng trong lĩnh vực bán lẻ, nỗi lo về sự xâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ đã được nêu ra từ rất lâu. Về cơ bản, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ nội địa hiện nay vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, từ công nghệ quản trị chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, tổ chức trưng bày hàng hóa đến giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng, nên ít nhiều lợi thế cạnh tranh bị hạn chế.

Thực tế trong những năm qua, đã có rất nhiều chuỗi, hệ thống bán lẻ phải bán hoặc lựa chọn liên kết với nước ngoài nếu muốn tồn tại, như Fivimart, Citimart hợp tác với Aeon (Nhật Bản); chuỗi cửa hàng tiện lợi có mạng lưới khá rộng là Family Mart cũng được tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan mua lại đổi tên thành B’sMart...

Trong khi đó, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam cũng đã tích cực tham gia đầu tư vào mảng bán lẻ để giữ lại miếng bánh thị phần cho các doanh nghiệp nội địa, từ Vingroup, Thế giới Di động, FPT... Tuy nhiên, những khó khăn đi kèm không phải nhỏ khi đây là mảng kinh doanh mới mẻ của những doanh nghiệp này, trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng quyết liệt với nhiều đối thủ mới từ nước ngoài dày dạn kinh nghiệm và có lịch sử lâu đời gia nhập thị trường. Việc Vingroup cuối năm vừa qua phải sáp nhập VinCommerce vào Masan, giải thể Vinpro đã phần nào cho thấy sự khốc liệt của thị trường này.

Xu hướng sẽ ngày càng mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018 tổng giá trị các thương vụ góp vốn, mua cổ phần đạt 9,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 59,8% so với năm 2017, trong đó riêng giá trị từ các thương vụ góp vốn không làm tăng vốn điều lệ là 5,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 57%. Đến năm 2019, tổng giá trị tiếp tục tăng mạnh 56,4% lên 15,5 tỉ đô la Mỹ và dù tỷ trọng giá trị của các thương vụ không làm tăng vốn điều lệ giảm xuống còn 40,6%, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn ở mức cao là 6,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với năm 2018.

Trong hai tháng đầu năm nay, trong tổng số 1.483 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị hơn 827 triệu đô la Mỹ, số thương vụ không làm tăng vốn điều lệ lên tới 1.318 lượt, chiếm tỷ trọng 83%, giá trị góp vốn mua cổ phần nhưng không làm tăng vốn điều lệ là 544 triệu đô la Mỹ, nâng tỷ trọng lên đến 66%, cao hơn rất nhiều so với những giai đoạn trước.

Nếu như các thương vụ góp vốn, mua cổ phần giúp doanh nghiệp tăng vốn điều lệ được đánh giá là tích cực, khi làm tăng nội lực tài chính của đơn vị, mở rộng và đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, đặc biệt là cổ đông chiến lược, để tận dụng khả năng quản trị, các quan hệ kinh doanh, chuỗi cung ứng, tăng lợi thế cạnh tranh, thì tác động là ngược lại - với các thương vụ không làm tăng vốn điều lệ, thường diễn ra dưới các hình thức cổ đông trong nước thoái vốn, hoặc chính doanh nghiệp tự bán mình.

Nguyên nhân có thể vì chủ công ty nhận thấy khả năng cạnh tranh đã suy yếu trong môi trường khốc liệt hiện nay, nên quyết định chuyển nhượng doanh nghiệp trước khi quá muộn. Các cổ đông lớn cũng không tin tưởng vào triển vọng phát triển của doanh nghiệp, do đó thoái vốn dần cho những đối tác mới là các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có tiềm lực tài chính mạnh nên sẵn sàng trả giá ở mức chấp nhận được.

Như trường hợp của Nguyễn Kim, thành lập sớm nhất trong mảng mua sắm điện máy vào năm 1996, doanh nghiệp này đã đứng đầu Việt Nam trong lĩnh vực này gần 20 năm. Vào năm 2015, thời điểm Công ty Power Buy (của Central Group) mua 49%, Nguyễn Kim vẫn còn là tên tuổi số 1. Tuy nhiên từ năm 2016 đơn vị này đã bị đối thủ Điện Máy Xanh của Thế giới Di động vượt qua, và khoảng cách giữa hai đối thủ này ngày càng mở rộng khi Điện Máy Xanh không ngừng bứt phá còn Nguyễn Kim vẫn chật vật đi ngang sau khi về tay người Thái.

Cụ thể, doanh thu năm 2019 của Điện Máy Xanh đạt hơn 58.000 tỉ đồng, chiếm gần 40% thị phần, trong khi doanh thu chuỗi điện máy này loanh quanh mức 9.000 đến hơn 10.000 tỉ đồng.

Nhưng điều cần lưu ý là dù kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, như trường hợp của Nguyễn Kim, có thể chưa bứt phá nhưng lợi ích gián tiếp khác mang lại cho các doanh nghiệp sản xuất khác của Thái Lan là đáng kể, khi họ có thêm kênh phân phối để đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường Việt Nam, mở rộng thị phần, tăng doanh thu.

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2010 là 88 tỉ đô la Mỹ, đến năm 2017 đã tăng nhanh lên 130 tỉ đô la Mỹ và dự báo năm 2020 là 180 tỉ đô la. Rõ ràng lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều tiềm năng, nhờ vào thị trường tiêu thụ rộng với dân số lớn và trẻ. Đặc biệt, cuộc chơi hiện nay đã mở rộng ra toàn bộ các nước Đông Nam Á (ASEAN), khi Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) được chính thức thành lập vào ngày 31-12-2015, tổng dân số của khu vực tính đến nay lên đến hơn 666 triệu người.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa môi trường cạnh tranh hiện nay của các doanh nghiệp không chỉ còn gói gọn trong một quốc gia riêng lẻ, mà là một thị trường rộng lớn hơn gồm tất cả các nước ASEAN. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp Thái Lan thời gian qua tích cực thâu tóm các doanh nghiệp nội địa của các quốc gia khác trong khu vực, trong đó Việt Nam trở thành mục tiêu được chú ý nhất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài khác vào Việt Nam, dù thông qua hình thức rót vốn đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, thì đều có thể tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại. Rõ ràng, thay vì phải đăng ký thành lập một doanh nghiệp mới với nhiều thủ tục, thì thâu tóm một doanh nghiệp có sẵn không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn tận dụng được cơ sở khách hàng, chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực đã quen thuộc, thấu hiểu đặc tính thị trường, cũng như các nền tảng cơ sở pháp lý. Trong số này dòng vốn đến từ Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội.

Triêu Dương
0 Nhận xét