Doanh nghiệp lao đao tìm lời giải cho bài toán Covid-19

(TBKTSG) - Báo chí đưa tin hàng loạt dãy phố trước đây sầm uất nhộp nhịp kẻ mua người bán nay thấy treo đầy bảng trả mặt bằng, tìm người thuê mới. Không chỉ các nhà hàng ăn uống, tiệm cà phê, trà sữa mà ngay cả các cửa tiệm mua bán quần áo thời trang, trưng bày xe máy, bán hàng tiêu dùng... cũng đóng cửa hàng loạt, trả lại mặt bằng kinh doanh.

Các báo cho rằng lý do trực tiếp là dịch Covid-19 bùng phát làm khách hàng ngán ngại đi ăn uống bên ngoài, giảm mua sắm.

Thật ra dịch Covid-19 có tác động mạnh lên tâm lý người tiêu dùng, nhưng xu hướng kinh doanh không còn dựa vào mặt tiền đường phố đã nổi lên từ trước, Covid-19 chỉ thúc đẩy xu hướng này và một số xu hướng khác xảy ra nhanh hơn mà thôi.

Kể từ khi thương mại điện tử lên ngôi, thói quen mua sắm của người dân ở các đô thị lớn như TPHCM đã thay đổi mạnh, họ ngồi ở nhà, bấm điện thoại di động để mua đủ thứ hàng hóa qua mạng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội này, không cần mặt bằng ngay ngoài đường phố, giảm mạnh chi phí thuê nhà, đóng gói từ kho, giao hàng tận nơi cho khách.

Cũng kể từ khi việc giao thức ăn trở nên dễ dàng qua sử dụng các ứng dụng trên chiếc điện thoại, người ta cũng ngồi ở nhà, ngồi trong văn phòng để gọi người mang thức ăn trưa, nước uống, món ăn tối. Cân nhắc thiệt hơn, nhiều hộ kinh doanh gia đình chuyển sang sử dụng mạng làm mặt bằng chính, mặt bằng đường phố không còn quan trọng như trước nữa.

“Cách ly xã hội” (social distancing) để phòng ngừa dịch do virus corona đã thúc đẩy một số xu hướng khác nữa. Từ hội họp qua mạng đến làm việc từ xa, đây là thời điểm lãnh đạo doanh nghiệp phải nắm bắt kịp thời xu thế mới, đào tạo nhân viên những kỹ năng cần thiết mới để kịp thời thích ứng. Doanh nghiệp sẽ dễ dàng đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình nếu lơ là, không quan tâm hay chủ quan về những thế mạnh cũ của mình.

Nói giảm họp hành thì dễ nhưng nhân viên chủ chốt chưa quen với việc sử dụng các ứng dụng làm việc theo nhóm hay hội nghị qua mạng như Slack hay Zoom, ắt doanh nghiệp sẽ gặp nhiều lúng túng, thậm chí bỏ cuộc. Cứ thử nhìn vào cách người dân chuyển sang giao dịch qua ứng dụng của ngân hàng chứ không còn đến phòng giao dịch như trước, ngân hàng nào không kịp thích ứng, phần mềm không theo kịp, chưa nghĩ đến cách tổ chức lại lực lượng lao động, ắt hẳn sẽ thua sút đối thủ.

Trong khi doanh nghiệp cùng ngành biết tổ chức các mối quan hệ làm ăn qua mạng, mà mình vẫn còn phải xách cặp đi họp, đi dự hội nghị ở xa ngàn dặm, rất dễ bị gián đoạn hoạt động khi gặp rủi ro không lường trước như tình hình dịch bệnh hiện nay.

Mặt khác, cũng phải nhận ra doanh nghiệp khác trên thế giới cũng đang trải qua sự điều chỉnh theo xu hướng mới như thế. Chẳng hạn, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách tổ chức lại dây chuyền cung ứng cho họ để khỏi phụ thuộc vào duy nhất một nguồn hàng nào đó; nhiều doanh nghiệp lớn khác đang tổ chức cho nhân viên làm việc từ xa.

Tìm hiểu, đón đầu và tận dụng các cơ hội mới do tình thế làm nảy sinh là bài toán bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải lao vào tìm lời giải trong giai đoạn hiện nay. Lợi thế của chúng ta là đội ngũ nhân sự, gồm cả những hộ kinh doanh gia đình rất linh hoạt, dễ thích ứng, nhanh chóng tiếp nhận kỹ năng mới, chụp bắt cơ hội mới. Chính đội ngũ này sẽ đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn trước mắt, để duy trì tăng trưởng trong bền vững.

Phóng viên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
0 Nhận xét