Doanh nghiệp lớn nhỏ đều 'thấm đòn' vì dịch Covid-9

(TBKTSG Online) - Từ các doanh nghiệp lớn đến các nhà kinh doanh nhỏ lẻ đã cùng lên tiếng về những khó khăn do tình hình kinh doanh ế ẩm, doanh thu sụt giảm từ sau Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) bùng phát tại Hồ Bắc, Trung Quốc.
Một trung tâm thương mại lớn ở khu vực trung tâm TPHCM vắng khách tham quan mua sắm. Ảnh: T.Hoa
Cửa hàng thời trang vắng vẻ, đìu hiu

Các cửa hàng bán lẻ của thương hiệu quần áo thời trang V-SixtyFour - Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) đang trải qua những ngày ế ẩm trong nửa đầu tháng 2, dù đây là khoảng thời gian đặc biệt vì có ngày lễ Tình nhân (14-2).

Ông Phan Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Vitajean, cho biết doanh thu thương hiệu V-SixtyFour ở trong các trung tâm thương mại trong những ngày diễn ra dịch bệnh do Covid-19 này đã bị sụt giảm đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc sụt giảm doanh số này của Vitajean, đã loại trừ cả yếu tố thời điểm sau Tết Nguyên đán thường lượng người mua sắm hàng thời trang không cao, bị tác động tiêu cực từ khi thông tin dịch bệnh diễn ra. Trong nỗi lo lắng dịch bệnh lây lan, người tiêu dùng ít đến những nơi đông người, vì vậy các trung tâm thương mại trở nên vắng vẻ, khiến các cửa hàng thời trang bên trong cũng rơi vào cảnh đìu hiu.

Tình hình này cũng diễn ra tương tự tại hầu hết các cửa hàng thời trang, phụ kiện, hàng lưu niệm, mỹ phẩm, nước hoa... ở các trung tâm thương mại lớn. Nhiều nhân viên bán hàng ở các trung tâm Vincom, Takashimaya ở quận 1 than phiền rằng có nhiều thời điểm trong ngày, lượng khách ra vào cửa hàng tham quan mua sắm còn ít hơn lượng nhân viên bán hàng. Khoảng thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là mùa thấp điểm đối với mặt hàng thời trang, phụ kiện; cộng thêm những tác động đến từ thông tin về dịch bệnh Covid-19 càng khiến hoạt động bán lẻ thời trang thêm ế ẩm.

Theo ông Phan Văn Việt, thương hiệu V-SixtyFour hiện có vài chục điểm bán ở các trung tâm thương mại lớn trên cả nước. Theo tính toán của ông Việt, chi phí thuê mặt bằng ở các trung tâm này chiếm từ 20-25% tổng doanh thu (trung bình khoảng 22%), với tình hình kinh doanh sụt giảm thế này thì toàn bộ doanh thu của tháng 2 và có thể của quí 1 cũng không đủ trả tiền thuê mặt bằng gian hàng.

Chưa kể những chi phí khác như tiền thuê nhân viên, tiền điện, chi phí sản phẩm... Đáng chú ý, do bán không được hàng nên khả năng sản phẩm bị tồn kho nhiều, dẫn đến quần áo sẽ bị qua mùa và lỗi mốt, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty.

Vitajean đã gửi kiến nghị đến các đơn vị quản lý các trung tâm thương mại mà V-SixtyFour thuê mặt bằng đề nghị được hỗ trợ giảm tiền thuê còn phân nửa để cùng nhau vượt khó khăn trong tình hình dịch bệnh khó dự báo này. Trong bối cảnh các trung tâm mua sắm vắng khách này, ông Phan Văn Việt tin rằng các nhà quản lý các trung tâm mua sắm có thể sẽ chấp nhận đề nghị của Vitajean.

Ngành ngành gặp khó

Không riêng ngành thời trang mà nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở các ngành nghề khác cho biết việc kinh doanh trong thời gian qua rất khó khăn. Một doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm cho một số trường học ở địa bàn TPHCM cho biết ngoài việc chấp nhận bị lỗ tuần đầu tiên nghỉ học trên toàn thành phố (do không dự báo được trước), những tuần nghỉ học tiếp theo của tháng 2 doanh nghiệp hoàn toàn không có động thái kinh doanh gì ở nhóm khách hàng trường học.

Ở phân khúc khách hàng là các nhà hàng, quán ăn, lượng đơn hàng cũng giảm 50% bởi các hàng quán này cũng bị ế ẩm, phải cắt giảm lượng thực phẩm mua vào.

Ngay cả sản phẩm thiết yếu như trứng gia cầm ít ai nghĩ sẽ bị ảnh hưởng nhưng theo phản ánh của một doanh nghiệp lớn về cung ứng trứng gia cầm trên địa bàn TPHCM, nhu cầu sụt giảm mạnh khiến công ty phải giảm giá 50% mặt hàng trứng gà tươi để giải quyết tình trạng tồn kho cao.

Trên thực tế, từ khi thông tin về dịch viêm phổi cấp do Covid-19 diễn ra ngay thời điểm Tết Nguyên Đán đến nay, nhiều hoạt động kinh tế như du lịch, buôn bán, giao thương gần như tê liệt, ngay cả các hoạt động thường nhật của người dân cũng bị xáo trộn đáng kể.

Tại buổi làm việc với Sở Công Thương TPHCM về kế hoạch sản xuất của các hội ngành nghề trên địa bàn Thành phố năm 2020 vào tuần rồi, đại diện một số hội ngành nghề cũng đã nêu khó khăn của các doanh nghiệp hội viên hoạt động ở lĩnh vực lương thực thực phẩm, dệt may, da giày, cao su, nhựa... rơi vào khó khăn do sản phẩm không tiêu thụ được hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất do phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung ở thị trường Trung Quốc.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh thu nên rất cần Thành phố hỗ trợ giãn nợ, giãn quay vòng lãi suất để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn biến động. Nếu được, theo bà có thể tính đến giải pháp miễn thuế cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp.

Các doanh nghiệp đề xuất thành phố cũng lên tiếng sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng Covid-19.

Đáng chú ý bị ảnh hưởng đáng kể là dịch vụ cho ngành du lịch. Một doanh nhân ở TPHCM có khách sạn ở Đà Lạt cho biết đã nhận các đơn hủy hợp đồng đặt phòng vì dịch cúm này. Theo vị doanh nhân này, lâu nay khách sạn của ông là cho khách đoàn, trong đó khách đến từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30%.

Thế nhưng không chỉ khách Trung Quốc mà khách Việt cũng hủy đặt phòng vì lo ngại dịch bệnh do Covid-19. Theo vị doanh nhân này, không chỉ ở khách sạn ông, mà một số đối tác cùng chia sẻ phòng khác tại Đà Lạt cũng gặp khó khăn tương tự.

Dù Đà Lạt chưa phát hiện ai bị nhiễm dịch này nhưng vì khí hậu lạnh (là điều kiện để Covid-19 tồn tại) gây tâm lý lo lắng nên không khí du lịch ảm đạm vẫn chưa được khôi phục và các doanh nghiệp phải chấp nhận rủi ro.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, chia sẻ với báo Lâm Đồng Online, kể từ sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, trong tháng 2, khách đã hủy hơn 10.000 phòng theo thống kê tại 14 khách sạn từ 3-5 sao trong tỉnh, dẫn theo giảm sút doanh thu các loại hình dịch vụ khác. Không riêng Đà Lạt, hàng loạt điểm du lịch khác như Nha Trang, Phú Quốc,... nơi phụ thuộc nhiều khách Trung Quốc cũng đang gồng mình với dịch.

Trong bối cảnh khó khăn này, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã linh hoạt trong kinh doanh như đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng tận nơi hoặc khuyến mãi ưu đãi cho khách hàng nhằm kích cầu hoặc phần nào gỡ khó khăn hiện tại.

Bên cạnh kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ, kiến nghị ngân hàng xem xét không tính lãi suất ở thời điểm này, một số doanh nghiệp còn kiến nghị nhà cung cấp, đối tác cùng chia sẻ khó khăn cho đến khi dịch Covid-19 hạ nhiệt.

Lê Hoàng
0 Nhận xét