Doanh nghiệp chỉ tìm cách giữ chân người xứng đáng

TheLEADER - Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang quay cuồng giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự, nhiều người cho rằng lãnh đạo nói riêng và công ty nói chung sẽ phải chiều người lao động để không “mất người”. Nhưng suy nghĩ này chưa chắc đúng…
Nhiều doanh nghiệp đang đau đầu giải bài toán thiếu hụt lao động sau Tết nguyên đán. Ảnh minh họa
Thị trường lao động đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt con số hàng trăm nghìn mỗi năm dẫn đến nhu cầu về nhân lực trên thị trường cũng tăng lên nhanh chóng.

Nhiều ý kiến cho rằng số lượng doanh nghiệp thành lập mới rất lớn nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể cũng không hề ít nên có thể bù trừ cho nhau. Tuy nhiên có thể thấy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới thường cao gấp rưỡi đến gấp đôi số lượng giải thể. Hơn nữa trên thực tế, các doanh nghiệp giải thể được công bố thường đã ngưng hoạt động trước đó từ lâu.

Khi doanh nghiệp phát triển, lượng công việc mới cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Các công ty không ngừng đăng tuyển nhân sự để một phần lấp vào những chỗ còn bị bỏ trống, nhưng quan trọng hơn là để đáp ứng nhu cầu cho kế hoạch phát triển mới.

Trong bối cảnh các đơn vị đang quay cuồng giải bài toán thiếu hụt nhân sự thì nhiều người lao động, đặc biệt tại các doanh nghiệp tư nhân, cho rằng việc sếp chiều nhân viên là chuyện thường tình, thậm chí là “bắt buộc” để có thể giữ chân họ. Tâm lý này hiển thị rõ nét hơn khi trên các mặt báo, các mạng xã hội nhan nhản những thông tin, bí quyết, mẹo giữ chân nhân viên.

Thế nhưng cần lưu ý rằng, với đa phần lãnh đạo doanh nghiệp, họ chỉ giữ chân những người xứng đáng được giữ chân. Không có người này thì vẫn có người khác!

Một người từng có kinh nghiệm hơn hai mươi năm trong ngành du lịch khách sạn hiện đang là phó tổng giám đốc của một tập đoàn lớn ở Việt Nam kể lại, khi một khách sạn ông từng quản lý gặp khủng hoảng về nhân sự, một nhân viên đã đề xuất được nói chuyện với ông. 

Vì công việc bận rộn nên ông không thể gặp nhân viên đó ngay mà hẹn vào buổi chiều. Nhân viên này đã nói rằng “anh yên tâm, em không nghỉ việc đâu”. Dù đang khủng hoảng nhân sự nhưng vị lãnh đạo này đáp trả “nếu em muốn nghỉ thì em cứ nộp đơn, không sao cả, anh vẫn chấp nhận, chỉ cần có lý do chính đáng”.

Nhiều người làm việc rất suôn sẻ tại những khách sạn lớn, nổi tiếng nhờ vào danh tiếng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều khi họ nghĩ rằng do mình giỏi, đâm ra có thái độ kiêu căng trong khi nếu không có những nhân sự này, doanh nghiệp vẫn phát triển bình thường.

Rồi khi doanh nghiệp xảy ra khủng hoảng về nhân sự, có những người nghĩ mình là “sao” nên làm mình làm mẩy, nhân cơ hội đó để đề xuất tăng lương, thăng chức… 

Thế nhưng lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay thường sẽ không trân trọng, coi trọng những người như thế và họ sẵn sàng để nhân viên đó ra đi. Vì thiết nghĩ cho cùng, thoả hiệp một lần nhưng không thể thoả hiệp nhiều lần trong khi nếu nhân viên đã một lần có suy nghĩ đó thì không đảm bảo được là sẽ không tái diễn ở những lần tiếp theo.

Hơn nữa, với nhiều lãnh đạo hiện nay, mối quan hệ giữa sếp và nhân viên cần dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, là một mối quan hệ hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Không chỉ trong kinh quanh mà trong công việc cũng cần đề cao chữ tín và theo đuổi giá trị tử tế thì mới đảm bảo phát triển lâu bền.

Theo vị lãnh đạo trên, trong ngành du lịch khách sạn, việc nhân viên bất ngờ nộp đơn nghỉ việc sau khi lĩnh thưởng là chuyện bình thường, đặc biệt là đội bán hàng. Trước đó, những người này đa phần đều có dấu hiệu chểnh mảng trong công việc. 

Tuy nhiên cũng có một số người nghiêm túc thì sẵn sàng nghỉ trước Tết, không quan tâm đến lương tháng thứ 13 hoặc thông báo nghỉ trước Tết và luôn nỗ lực làm việc đến những ngày cuối cùng, đó mới là những người xứng đáng được tôn trọng, đánh giá cao.

Lãnh đạo doanh nghiệp là những người có tài năng, có rất nhiều kinh nghiệm và va vấp nên họ hoàn toàn hiểu được nhân viên muốn gì, nghĩ gì. Chỉ là họ quyết định hành xử ra sao tuỳ vào thái độ và sự xứng đáng của nhân viên.

Có nhiều lãnh đạo sẵn sàng nói chuyện để trao đổi, chia sẻ và truyền kinh nghiệm cho nhân viên và thậm chí là ủng hộ việc nhân viên chuyển việc nếu thấy được cơ hội tốt hơn cho nhân viên. Bên cạnh mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi thì có những người giữ được mối quan hệ thân tình, tâm giao để lúc rời đi không khó xử và vẫn là một ứng viên tiềm năng trong tương lai.

Một điều quan trọng mà các lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý cấp cao cần lưu ý là phải luôn sát sao thay vì ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón để khi nhân viên đi vẫn nắm được công việc, tránh tình trạng nhân viên mang theo tất cả dữ liệu và mối quan hệ sang công ty mới.

Quỳnh Chi
0 Nhận xét