Cơn lốc suy giảm vẫn ồ ạt vì dịch bệnh COVID-19

(TBKTSG) - Tổng cục Du lịch đã làm nhiều người “choáng” bởi đưa ra ước tính, trong ba tháng tới, thiệt hại do dịch Covid-19 có thể lên đến 5,9-7,7 tỉ đô la Mỹ. Câu chuyện thực tế của doanh nghiệp cho thấy những thiệt hại cũng gây choáng không kém.
Hoạt động teambuilding trong du lịch - Ảnh: Đào Loan

“Đòn” ngày càng nặng

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam, thường không nói nhiều trong các buổi họp của ngành du lịch. Thế nhưng, trong buổi làm việc bàn về tác động của dịch Covid-19 đối với du lịch của Tổng cục Du lịch tại TPHCM vào tuần qua, bà đã xin phát biểu và nói hơn 30 phút, quá thời gian quy định.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Hòa Bình mất 100% khách Trung Quốc. Phân khúc khách quốc tế khác và khách nội địa giảm từ 80-90%. Khách đi du lịch nước ngoài giảm một nửa, dự báo sẽ còn giảm thêm trong những ngày tới. Công suất phòng của khách sạn 4 sao ở Phú Quốc chỉ còn 10%. Hệ số chỗ của hệ thống xe và tàu đường thủy giảm 70%.

Một đội xe gồm 50 chiếc đưa ra Phú Quốc để phục vụ khách Trung Quốc đến bằng máy bay thuê bao vừa chạy được vài ngày trước Tết Nguyên đán thì đến mùng 2 đã phải nằm không. Chưa kể, Covid-19 còn làm cho kế hoạch khai trương khách sạn 5 sao trên đảo Phú Quốc phải ngưng lại dù mọi khoản đầu tư đã vào giai đoạn cuối.

“Đây là khó khăn lớn chưa từng có. Vấn đề nghiêm trọng nữa là không biết sụt giảm khi nào mới dừng vì dịch vẫn đang lan rộng”, bà nói.

Buổi làm việc kể trên diễn ra tại một khách sạn 5 sao ở trung tâm quận 1. Hiếm có cuộc họp nào của ngành mà phòng họp không còn ghế trống, nhân viên khách sạn phải tất tả kê thêm ghế phụ như buổi trao đổi về tác động của dịch Covid-19 hôm đó. Không chỉ là doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không... bị ảnh hưởng mà hàng loạt doanh nghiệp khác, như đơn vị cho thuê mặt bằng tổ chức triển lãm, hội chợ cũng “tơi tả” vì dịch.

Bà Thượng Mỹ An, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, chủ của Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn ở Phú Mỹ Hưng, nơi trước đây thường xuyên không còn chỗ trống để nhận khách hàng, cho biết số lượng sự kiện đã giảm một nửa. Với những sự kiện vẫn còn tổ chức, quy mô cũng giảm ít nhất 50% vì không còn doanh nghiệp Trung Quốc tham gia.

“Khách sẽ tiếp tục giảm, ít nhất là đến hết năm nay và có thể còn kéo dài đến năm 2021”, bà An nói.

Tình hình còn bi đát hơn ở Nha Trang - Khánh Hòa, nơi mất khách Trung Quốc, dòng khách chính chiếm hơn 70% trong tổng lượng khách quốc tế của địa phương. Nhiều thị trường khách khác cũng sụt giảm.

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, ước đoán khoảng 200 khách sạn phải đóng cửa, hàng ngàn nhân viên trong ngành khách sạn, du lịch mất việc. Nhiều khách sạn từ 4 sao trở lên cũng chật vật trong bối cảnh trống phòng. Hàng loạt cửa hàng cung cấp dịch vụ mua sắm, ăn uống phục vụ du lịch đã đóng cửa.

“Chỉ riêng tại công ty tôi, thiệt hại trong vòng một tháng qua đã là hơn 10 tỉ đồng”, ông nói. Ông đang có một khách sạn 3 sao, một khách sạn 5 sao và du thuyền, dịp bình thường doanh thu mỗi tháng từ 12-14 tỉ đồng nhưng tháng qua chỉ còn 2 tỉ.

Nghiên cứu ban đầu của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cho thấy “cú đánh” của dịch Covid-19 không chỉ làm doanh nghiệp khách sạn, lữ hành tại nhiều địa phương giảm bình quân từ 20-50% công suất phòng, 50% lượng khách du lịch, mà còn làm các hãng hàng không Việt Nam sụt giảm khoảng 50% số lượng đặt chỗ của các chuyến bay trong khu vực và 40% số chỗ trên đường bay nội địa. Các chuyến bay quốc tế đến thị trường xa cũng giảm khoảng 20%.

Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, thiệt hại thực tế của du lịch có thể còn lớn hơn con số hàng tỉ đô la Mỹ ước tính vì cơ quan quản lý hiện chỉ mới ước chừng số sụt giảm khách của từng thị trường, nhân với chi tiêu của mỗi khách để tính ra phần thiệt hại mà chưa tính hết tác động lan tỏa của du lịch.

Tìm cách thoát đáy

Cuối tuần rồi, doanh nghiệp làm tour nước ngoài nhận thêm một cú sốc nữa là khách mua tour đi Hàn Quốc hủy hàng loạt vì tình hình dịch bệnh lan rộng tại nước này. Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan vốn là ba điểm đến rất được lòng du khách trong nước cho nên thời gian gần đây vẫn có một số đoàn khởi hành dù có dịch. Tuy nhiên, với diễn biến mới, có thể doanh nghiệp sẽ mất mảng tour Hàn Quốc. Thêm vào đó, vì sắp tới là mùa bán tour đi ngắm hoa anh đào ở Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng với tình hình dịch bùng phát mạnh như thế này thì dự báo khách sẽ không mua tour. Chưa kể, việc mất thị trường Hàn Quốc, thị trường lớn thứ hai của ngành du lịch Việt Nam là có thể xảy ra vì các chuyến bay trên tuyến này bị cắt giảm ngày càng nhiều hơn.

Sau nhiều năm nói chuyện tăng trưởng, đây là lần đầu tiên du lịch chỉ bàn về cách cầm cự để thoát cơn khủng hoảng.

Một doanh nghiệp lữ hành có tiếng tăm tại TPHCM cho biết, trong tháng 2-2020 vẫn cố gắng giữ lương cho nhân viên nhưng đang tính toán để giảm, vì với đà này mà vẫn giữ nguyên lương thì không thể cầm cự quá ba tháng.

Cũng như hàng loạt doanh nghiệp khác, phương án “thoát đáy” mà doanh nghiệp này lựa chọn là trước mắt tập trung vào thị trường nội địa, vốn từng chỉ cần ba tháng để phục hồi trong đợt suy giảm do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Thêm vào đó, nếu có giá tốt thì hiện tại vẫn có thể khuyến khích một số khách đi du lịch trong nước.

Từ tuần trước, một số liên minh của Hiệp hội Du lịch TPHCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam... đã được thành lập để kích cầu nội địa. Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và Bamboo Airways cam kết giảm từ 30-60% giá vé cùng nhiều chính sách ưu đãi khác về tỷ lệ đặt cọc, về điều kiện hủy, hoãn đặt chỗ để lữ hành làm tour khuyến mãi. Hàng chục tỉnh thành cũng tham gia, nhiều nơi cho biết có thể giảm một nửa giá khách sạn.

Với sự hợp tác ban đầu, nhiều tour trọn gói đi bằng đường bộ giảm giá từ 15-18%, tour đi bằng máy bay giảm giá 22%. Doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng, với cam kết giảm giá mạnh mẽ từ các đối tác, trong thời gian tới, giá tour trọn gói có thể giảm đến 30% hoặc hơn, đủ sức hút kéo khách lên đường. Khi dịch tan, chương trình kích cầu nội địa vẫn tiếp tục và mở thêm chương trình cho thị trường quốc tế. Thêm vào đó, doanh nghiệp khác cho biết đang cố gắng giữ và kéo thêm khách mới từ những thị trường quốc tế còn chưa suy giảm sâu.

Ông Trần Xuân Hùng, Chủ tịch Công ty Du lịch Viking, cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với đối tác trong nước để hạ giá tour và cho phép khách hủy tour không bị phạt trước 48 giờ. Công ty cũng khảo sát lại tour tuyến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, làm việc với đối tác để tìm cơ hội mới.

“Cho khách hủy sát ngày khởi hành giúp giảm độ rủi ro cho khách, giúp họ yên tâm đặt tour mà không sợ bị phạt khi lịch trình thay đổi. Đây cũng là thời điểm dễ đặt lịch hẹn với đối tác hơn vì họ có nhiều thời gian hơn trước”, ông nói.

Cùng với phần tự xoay xở của doanh nghiệp, nhiều địa phương và Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) cũng đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất ngân hàng, tiền thuê đất... để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

TAB đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho du lịch từ 10% xuống còn 5%, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt; giảm 50% tiền sử dụng đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề trong năm tài chính 2020 và 2021...

Cùng với các kiến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, TAB và những địa phương như TPHCM cũng kiến nghị các chính sách khác để thu hút khách quốc tế. Trong đó có việc gia tăng các hoạt động tiếp thị, miễn thị thực và kéo dài thời hạn thị thực lên đến 30 ngày cho du khách từ nhiều thị trường để thu hút khách đến Việt Nam, nhằm giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi. 

Đào Loan
0 Nhận xét