Bán hàng trực tuyến cũng gặp khó trong thời dịch bệnh

(TBKTSG Online) - Nguồn cung cấp hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử trong nước hiện nay vẫn chưa ổn định, bởi hoạt động giao thương xuyên biên giới bị đình trệ do hoạt động phòng chống nCoV của các quốc gia. Đặc biệt, các đơn đặt hàng nước ngoài sẽ phải bị kép dài thời gian giao hàng bởi quá trình vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, người tiêu dùng bắt đầu mua sắm trở lại trên các sàn TMĐT. Các nhà bán hàng, đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ trực tuyến cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trước thực trạng bùng nổ của dịch bệnh gây ra bởi chủng mới virus corona (nCoV), một số đơn hàng có thể bị chuyển phát chậm hơn kế hoạch.

Người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang lâm vào tình huống phải chờ nhận hàng lâu hơn do ảnh hưởng dịch bệnh nCoV; có những đơn hàng phải hủy do chờ quá lâu. Đặc biệt, nhóm sản phẩm đặt từ nước ngoài (mua hàng xuyên biên giới) hầu như bị ách tắc do không có đơn vị chuyển hàng về Việt Nam.

Chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại TPHCM cho biết, anh đặt mua một chiếc nồi áp suất từ nước ngoài nhưng tới nay đã hai tháng vẫn chưa nhận được hàng. Trên website nhà bán hàng vẫn thông báo tình trạng đơn hàng đang vận chuyển tới kho hàng ở nước ngoài.

Một số người dùng khác cũng cho biết, tình trạng đơn hàng mua trên sàn TMĐT bị kéo dài 1-2 tháng bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán; chủ yếu đối với sản phẩm mua từ nước ngoài. Trước đây, những sản phẩm đặt mua từ nước ngoài được giao hàng trong vòng 15-20 ngày.

Theo đại diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee Việt Nam, Trung Quốc hiện đang kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán như một trong những giải pháp hạn chế sự bùng nổ của dịch bệnh do nCoV. Do đó, những đơn hàng (nguồn hàng từ nước ngoài - PV) có thể chuyển phát chậm hơn kế hoạch vì các nhà bán hàng cần nhiều thời gian hơn để xử lý đơn hàng.

Shopee Việt Nam cũng cho biết, bên cạnh việc theo dõi chặt chẽ tình hình, doanh nghiệp đang làm việc với những nhà bán hàng quốc tế để hoàn thành đơn hàng càng sớm càng tốt.

Tương tự, do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và sau đó do dịch bệnh nCoV, Lazada Việt Nam cho biết có một số đơn hàng (đặt hàng vào cuối tháng 1-2020) bị chậm trễ trong quá trình xử lý và vận chuyển. Đối với những đơn đặt hàng bị chậm trễ, khách hàng có quyền quyết định hủy khi liên hệ với nhà bán hàng.

Một số sàn TMĐT khác cũng có câu trả lời tương tự đối với những đơn hàng xuyên biên giới (mua hàng quốc tế); và chủ yếu là sản phẩm đặt mua từ các nhà cung cấp tại Trung Quốc.

Đại diện truyền thông của một sàn TMĐT lớn cho biết, thực ra không phải đơn hàng nào cũng bị giao hàng chậm. Hiện tại, phần lớn đơn hàng đặt mua các sản phẩm chăm sóc y tế (liên quan tới dịch bệnh nCoV) như khẩu trang y tế, nước rửa tay… hoặc những đơn hàng mua từ nước ngoài mới bị kèo dài thời gian giao nhận.

Hiện tại, các sàn TMĐT cho biết, họ sẽ hỗ trợ người dùng cập nhật thường xuyên tình trạng đơn hàng, đồng thời làm việc chặt chẽ với các đối tác bán hàng để đảm bảo thời gian giao hàng đến tay người dùng nhanh nhất. Đồng thời, đối với những mặt hàng đang cần thiết trong đợt dịch bệnh corona, các sàn TMĐT sẽ tăng gấp 5-10 lần số lượng hàng hóa, mở rộng tìm kiếm thêm nhà cung cấp…
Vừa qua, có hiện tượng một số thương nhân, cá nhân… lợi dụng tình hình dịch bệnh nCoV đã đầu cơ và nâng giá bán khẩu trang y tế và nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn với giá cao gấp nhiều lần để trục lợi. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế (Bộ Công Thương) đã yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng TMĐT tiến hành kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng TMĐT các hàng hóa phục vụ phòng dịch nâng giá như phản ánh (nếu có).
Các sàn giao dịch TMĐT chủ động triển khai các biện pháp kỹ thuật/bộ lọc, nhân sự kiểm duyệt... nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm vi phạm, xử lý mạnh tay đối với người bán vi phạm không để lợi dụng dịch bệnh để tăng giá gây mất ổn định thị trường.
Chí Thịnh
0 Nhận xét