Nếu không muốn suốt đời làm một nhân viên cấp thấp, hãy mau thu nạp 8 loại năng lực ngay từ bây giờ!

Một công ty muốn phát triển mạnh thì mỗi thành viên trong đó phải có năng lực học tập và thích nghi mạnh mẽ. Dù bạn đang đứng ở vị trí nào đi nữa, chọn từ bỏ học hỏi chính là tự hạn chế tương lai của mình.
1. Năng lực chuyên môn

Nếu bạn muốn làm quản lý, vậy bạn phải tự hỏi bản thân xem trình độ mình đến đâu? Bản thân mình có năng lực quản lý hay không? Nếu không có, hãy học hỏi, chuẩn bị cẩn thận trước, nỗ lực học tập thật chăm chỉ.

Con người ta có rất nhiều cách để thăng chức, nhưng nếu bạn muốn giữ vững vị trí và tồn tại lâu dài, vậy thì việc đầu tiên phải làm chính là trang bị cho mình một nền tảng kiến thức đủ mạnh.

Năng lực chuyên môn phải xứng tầm với vị trí công việc.

2. Tư duy đồng cảm

"Muốn đi nhanh hãy đi một mình. Muốn đi xa hãy đi cùng nhau."

Nếu muốn làm một lãnh đạo tốt, một ông chủ tốt, một điều quan trọng bạn cần có chính là khả năng chọn người và dùng người.

Bởi vì khi bạn đứng trên vị trí cao, nếu việc gì cũng ôm vào người, sẽ rất dễ mệt mỏi. Bạn phải tin tưởng vào nhân viên mà mình chọn, chia sẻ công việc để mọi người cùng nhau hoàn thành.

Thế nhưng đừng nên vì bản thân có vị trí cao hơn những người khác mà bắt họ phải đi theo một khuôn khổ, phải nghe theo mọi sắp xếp và suy nghĩ của bạn.

Hãy nên tìm hiểu nhu cầu của cả nhóm, của nhân viên, đứng trên góc độ của họ mà suy nghĩ để mọi quan điểm và ý kiến, kế hoạch có thể trở nên khách quan nhất.

3. Tư duy phục vụ

Có rất nhiều người nghĩ rằng quản lý chính là lãnh đạo, là người sẽ phân công nhiệm vụ cho từng nhân viên.

Nhưng thực ra trong một công ty: Nhân viên phục vụ khách hàng, còn quản lý lại phục vụ nhân viên, giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn, giúp mọi người đều an tâm làm việc, giúp công ty có thể hoạt động theo quỹ đạo bình thường. Không vì những trở ngại nhất thời mà ngừng hoạt động tạm thời.

4. Tư duy Kim tự tháp.

Làm lãnh đạo, phải quản lý một số lượng lớn nhân viên làm việc.

Điều đáng sợ nhất chính là mỗi ngày bạn đều bận rộn trong mù quáng mà không tìm được điểm chính, điểm quan trọng nhất.

Do đó, bạn nhất định phải học được nội dung cốt lõi của công việc, có như vậy mới có thể phân 2 nhánh: phân công cho nhân viên và duy trì công ty, làm việc hiệu quả cao, đem lại lợi ích cho cả nhóm và doanh nghiệp.

5. Khám phá ra năng lực của từng người, bồi dưỡng họ.

Bạn phải hiểu được mỗi nhân viên của mình có điểm mạnh và điểm yếu gì, sau đó bồi dưỡng cho họ, hoặc giúp họ loại bỏ khuyết điểm.

Một công ty muốn phát triển mạnh thì mỗi thành viên trong đó phải có năng lực học tập và thích nghi mạnh mẽ, vì vậy bạn cần phải tận dụng nguồn tài nguyên vốn có, nguồn nhân lực phải liên tục được bồi dưỡng và không ngừng phát triển. 

Đó cũng là lý do mà có nhiều công ty bây giờ mướn người nước ngoài hoặc những người nổi tiếng về dạy ngoại ngữ hoặc các khóa học quản lý cho nhân viên của mình.

Điều đáng tiếc nhất là bạn bỏ lỡ một nhân viên có tài, để anh ta mãi trở thành một cái bóng mờ nhạt, một nhân viên văn thư bình thường trong công ty. Không trọng dụng anh ta, khiến anh ta không thể phát huy hết khả năng của mình.

Như vậy, đó không chỉ là tổn thất lớn cho anh ta, còn là tổn thất lớn cho công ty vì đã lãng phí một người tài năng.

6. Làm việc cẩn thận, hết sức mình.

Ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy cô thường hay dạy chúng ta làm bài lúc nào cũng phải cẩn thận. Dù có làm xong bài kiểm tra sớm cũng nên dò bài lại trước, không được chủ quan.

Vậy sau này ra đời làm việc cũng vậy, mọi thứ đều phải đặt chất lượng lên trước, số lượng để sau. Làm bất cứ việc gì cũng phải cẩn thận, chú ý từng chi tiết, có như vậy bạn mới trở thành một người đáng tin cậy trong công ty.

Tôi có một người bạn cấp hai, trước đây từng làm thiết kế bao bì trong một công ty thiết kế. Kết quả, chỉ vì anh ta đánh máy sai một chữ cái tiếng anh trên bao bì mà khiến công ty tổn thất hơn 100 nghìn đơn hàng.

Nếu bạn làm việc gì cũng qua loa để xong sớm, thời gian càng dài, lãnh đạo bên trên càng không tin tưởng bạn, nhân viên bên dưới lại càng không phục bạn. Và cái chức bạn đang ngồi, sớm muộn gì cũng bị người khác thay thế.

7. Tư duy trừu tượng

Nếu nhân viên bình thường chỉ làm từng việc một, được giao cái nào thì làm cho xong cái đó. Vậy thì với tư cách là một người quản lý, bạn sẽ phải suy nghĩ nhiều vấn đề cùng lúc, lo lắng xem những loại tình huống nào có thể phát sinh trong tương lai.

Bạn có thể liên kết các sự việc đó lại với nhau để giải quyết cùng lúc không? Hay là phải phân chia ra giao cho từng nhóm đến làm? Cách làm nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất cho công ty?

Muốn trở thành một nhân viên giỏi, bạn cần làm việc giỏi. Nhưng muốn trở thành một lãnh đạo giỏi, bạn còn cần phải có khả năng tư duy đa dạng về vấn đề. Đó là trách nhiệm của bạn khi đứng trên cương vị quản lý.

8. Học cách khen ngợi

Hàng ngàn lời phê bình cũng không bằng một lời biểu dương. Bạn có thể học cách biểu dương và khuyến khích nhân viên trước, sau đó mới nói sai lầm của họ để họ sửa chữa.

Đừng lúc nào cũng mang gương mặt khó chịu để đối mặt với tất cả mọi người.

Bởi vì chỉ khi nhân viên mang tinh thần thoải mái, họ mới có thể làm việc thật tốt.

Thiên Tuyết
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét