Mạnh tay chống hàng giả, chính quyền ông Trump vừa giáng vào Amazon một cú đánh 'chết người'

Chính quyền tổng thống Trump vừa mới đưa ra các biện pháp mới nhằm buộc các trang web thương mại điện tử như Amazon phải chịu trách nhiệm về những món hàng giả, hàng nhái bày bán trên nền tảng của ...
Hãng Amazon đang đứng trước một thách thức sống còn đáng kể nhất từ trước đến nay khi chính quyền tổng thống Trump công bố báo cáo về các biện pháp mới nhằm chống hàng giả và hàng nhái vào thứ Sáu vừa qua. Theo công bố của Bộ An ninh nội địa Mỹ DHS, các biện pháp mới sẽ buộc Amazon và các nền tảng thương mại điện tử chịu trách nhiệm cho những món hàng giả được bày bán trên đó.

Báo cáo của Sở Thuế quan và Biên phòng Mỹ (Customs and Border Protection: CBP), một cơ quan thuộc DHS, đưa ra nhiều quy định mới ràng buộc thêm nhiều trách nhiệm về việc chống hàng giả cho Amazon.

Giờ đây, các nhà kho và các trung tâm phân phối hàng (các fulfillment center) tại Mỹ, vốn phần lớn thuộc về Amazon, sẽ phải có trách nhiệm pháp lý và tài chính cho hàng hóa trong đó. Điều đó đồng nghĩa với việc công ty của tỷ phú Jeff Bezos sẽ phải gánh chịu thêm nhiều chi phí do các chính sách chống hàng giả mới trên các nền tảng thương mại điện tử.

Theo đó, các quan chức thực thi pháp luật sẽ bắt đầu xác lập các vụ kiện đối với hàng giả được bán trực tuyến và sẽ "theo đuổi các khoản phạt dân sự và các án phạt khác chống lại những thực thể này." Quy định mới cũng cho phép "chính phủ tìm kiếm các khoản bồi thường từ những sàn giao dịch bên thứ ba và các bên trung gian khác có liên quan đến việc buôn bán hàng giả."

Hơn nữa, các biện pháp mới còn trao cho các quan chức quyền lực lớn hơn để kiểm tra các lô hàng trong những nhà kho và trung tâm phân phối tại Mỹ. Các quan chức sẽ thông báo cho những cơ sở chứa hàng giả và khuyến khích các nền tảng như Amazon tình nguyện thực hiện "việc loại bỏ và phá hủy số lượng lớn các món hàng lậu" chưa bị thu giữ bởi Hải quan Mỹ.

Không chỉ để bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ, các quy định mới còn nhằm bảo đảm an toàn công cộng cũng như an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao chính quyền ông Trump còn yêu cầu các sàn thương mại điện tử như Amazon phải chuyển cho họ một lượng dữ liệu khổng lồ của các nhà cung cấp bên thứ ba để xem xét kỹ lưỡng hơn.

Một nhân viên CBP kiểm tra một trong 14.800 đôi giày nhái hãng Nike bị thu giữ trong một chuyến hàng từ Trung Quốc tới Chicago vào năm ngoái.

Ông Jeff Bezos vốn đã phải đối mặt rắc rối khổng lồ liên quan đến hàng giả trên nền tảng của mình. Trước đó, hàng loạt thương hiệu đã khởi kiện Amazon vì các mặt hàng giả và nhái thương hiệu của họ được bày bán trên nền tảng này. Nhưng cho đến nay, người khổng lồ này vẫn thắng thế trên tòa án khi thành công với lập luận rằng Amazon là một nền tảng chứ không phải người bán.

Nhưng với các biện pháp mới này, lập luận đó sẽ không còn tác dụng nữa. Điều đó sẽ gây tổn hại đến khả năng giữ giá thấp và tăng trưởng nhanh các lựa chọn sản phẩm của công ty. Các chi phí mới liên quan đến việc kiểm soát hàng giả (cũng như các khoản phạt) cũng sẽ gây hại đến lợi nhuận của công ty.

Đây sẽ là cú đánh chết người đối với lợi nhuận mỏng manh của công ty, ngay cả khi các nhân viên của Amazon đã bị trả lương thấp nhất có thể.

Theo báo cáo của Bloomberg vào tháng Tư năm 2018, lợi nhuận hoạt động của Amazon chỉ ở mức 3,8% so với hơn 51 tỷ USD doanh thu bán hàng, quá mong manh so với mức lợi nhuận lên đến 45% của Facebook.

Cổ phiếu Amazon đã giảm 1,22% trong ngày giao dịch vào thứ Sáu vừa qua khi DHS chuẩn bị phát hành báo cáo của mình.

Tham khảo CNN
Theo Nguyễn Hải
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét