Sự trỗi dậy của cà phê robusta: dự báo thị phần tăng nhanh

(TBKTSG Online) – Cơn ghiền cà phê hòa tan 3 trong 1 (cà phê, đường và kem sữa) của người tiêu dùng châu Á đang đốt nóng cuộc chạy đua mở rộng diện tích cà phê robusta khi Brazil đẩy mạnh sản lượng để cạnh tranh với Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Nông dân thu hoạch cà phê robusta ở Brazil. Ảnh: Telegraph
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam, loại cà phê thường được đóng gói kèm với đường,  kem sữa để uống liền, sẽ tăng 0,3% lên mức 29,1 triệu bao (mỗi bao nặng 60kg) trong niên vụ 2019-2020. Con số này tăng 10% so với cách đây năm năm.

Sản lượng cà phê robusta ở Ấn Độ cũng được dự báo tăng 8,1% so với năm ngoái, lên mức 4 triệu bao trong năm nay. Brazil, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai thế giới dự kiến sản xuất 18,3 triệu bao robusta trong niên vụ này, tăng 10% so với năm ngoái. Với mức sản lượng đó, Brazil chiếm 25% nguồn cung cà phê robusta toàn cầu, trong khi đó, tỷ lệ này của Việt Nam là 40%.

Các nhà kinh doanh cà phê cho biết cà phê robusta của Brazil đang được nhiều khách hàng nước ngoài tìm mua. Nobuaki Abe, Chủ tịch Công ty thương mại Ecom Asia ở Singapore, cho biết: “Cà phê robusta với mức giá rẻ nhất giờ đây do Brazil cuang cấp”.

Ông cho biết công ty ông gần đây nhận được nhiều yêu cầu cung cấp mẫu cà phê robusta từ Brazil, nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất và chiếm 40% nguồn cung toàn cầu.

Thực tế, xuất khẩu cà phê robusta của Brazil đang tăng. Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil, nước này xuất khẩu 2,7 triệu bao robusta trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 10% so với cả năm 2018. Mức tăng này nhờ nhu cầu mạnh mẽ hơn trên toàn cầu cộng với sự giảm giá của đồng real của Brazil so với đô la Mỹ về mức thấp nhất trong một năm qua.

Cà phê robusta có hương vị đắng và nồng hơn, nhờ vậy, rất được yêu chuộng ở châu Á. Giờ đây, loại cà phê này ngày càng được yêu thích ở Brazil, vốn là thủ phủ của cà phê arabica. Cây cà phê robusta có thể chống chịu sâu bệnh tốt và phát triển tốt ở các vùng đất có độ cao thấp ở Việt Nam và Indonesia. Trong khi đó, cây cà phê arabica, có mùi vị thơm hơn và có chi phí sản xuất cao hơn. Loại cà phê này chỉ sinh trưởng tốt nếu được trồng ở các vùng đất cao, ít có sâu bệnh.

Ngoài Brazil, các nước Nam Mỹ khác như Colombia và Honduras cũng là những nước trồng sản xuất cà phê arabica lớn.

Một trong những lý do khiến Brazil đẩy mạnh sản lượng cà phê robusta là mức tiêu thụ trong nước tăng vọt. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo mức tiêu thụ cà phê ở Brazil trong niên vụ 2019-2020 sẽ tăng lên mức 25,53 triệu bao, cao hơn 15% so với cách đây năm năm. Dân số tăng cộng với mức thu nhập tăng ở Brazil giúp thúc đẩy mức tiêu thụ cà phê ở nước này.
Sản lượng cà phê robusta tính theo đơn vị triệu bao trong niên vụ 2019-2020 của các nước Việt Nam, Brazil, Indonesia, Ấn Độ so với niên vụ 2018-2019, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ảnh: Nikkei Asian Review
Sản lượng cà phê arabica ở bên ngoài Brazil cũng đang tăng nhưng không đáng kể. Sản lượng cà phê arabica của Trung Quốc được dự báo tăng 4,5% lên 2,3 triệu bao so với năm năm trước đây. Trên thực tế, cà phê arabica được sản xuất ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, được bán với giá cao hơn so với cà phê robusta.

Việt Nam cũng trồng cà phê arabica ở Đà Lạt. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng cà phê arabica của Việt Nam  trong niên vụ 2019-2020 sẽ không tăng trưởng,  giữ mức 1,4 triệu bao của năm trước. Cà phê arabica sản xuất ở Trung Quốc và Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước phát triển bao gồm Nhật Bản. Ở hai nước này, số lượng các quán cà phê đang tăng nhanh và mức tiêu thụ cà phê đã tăng 15-30% trong năm năm qua.

Tuy nhiên, về dài hạn, biến đổi khí hậu tạo ra sự thay đổi lớn trên thị trường cà phê phê. Do các tác đông của biến đổi khí hậu, các vùng trồng cà phê arabica trên thế giới có nguy cơ bị thu hẹp 50%. Khi nhiệt độ trái đất tăng lên, dẫn đến các vụ hạn hán gay gắt xảy ra thường xuyên hơn, cà phê arabica sẽ trở nên khó trồng hơn.

Theo một số dự báo, một nửa “vành đai cà phê”, nơi cà phê chất lượng cao arabica được trồng, có thể không còn khả năng sản xuất vào năm 2050. "Vành đai cà phê" ám chỉ đến dải đất trải dài từ 25 vĩ độ Bắc đến 25 vĩ độ Nam của đường xích đạo

Với xu hướng như vậy, cà phê robusta có thể trở thành loại cà phê được tiêu thụ phổ biến nhất thế giới trong tương lai.

“Trong 36 năm qua, thị phần toàn cầu của robusta trên toàn cầu đã tăng từ 20% lên mức 40%, trong khi đó, thị phần toàn cầu của cà phê arabica giảm từ 80% xuống còn 60%”,  Shiro Ozawa, nhà tư vấn ở Công ty kinh doanh cà phê đặc sản Wataru & Co ở Tokyo, cho biết.

Theo Nikkei Asian Review
Khánh Lan
0 Nhận xét