Manh nha đợt chạy đua lãi suất huy động mới của hệ thống ngân hàng

(TBKTSG) - Vốn huy động trung và dài hạn của các ngân hàng hiện nay đang chịu áp lực từ nhiều phía, do đó khó có thể giảm, ít nhất là cho đến sau năm 2020 khi thời hạn đáp ứng các quy định về an toàn vốn qua đi, trừ khi tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh khiến nhu cầu về vốn giảm đột ngột.
Lãi suất huy động đang tăng lên từ đầu tháng 8 đến nay. Ảnh minh họa: vietnamnet.vn
Đợt tăng mới

Trong khi xu hướng lãi suất chủ đạo đang diễn ra tại hầu hết các nước trên thế giới đều là giảm, thì tại Việt Nam đang có những chuyển động ngược chiều rất đáng chú ý. Mặc dù từ đầu tháng 8-2019, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) gốc quốc doanh thông báo sẽ giảm 0,5-1 điểm phần trăm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao... nhưng nhìn chung, động thái này vẫn chỉ gói gọn trong nhóm ngân hàng lớn và các lĩnh vực cụ thể. Do đó, mức độ lan tỏa đến mặt bằng lãi suất cho vay chung trên thị trường còn khá hạn chế.

Trong khi đó, một chuyển động khác là trong 10 ngày gần đây đang manh nha một đợt chạy đua lãi suất huy động mới ở nhóm NHTMCP có quy mô nhỏ và vừa với biên độ tăng rất đột biến. Lãi suất huy động tiền đồng đã liên tục xuất hiện các mức lãi suất trên 8%, thậm chí tới 8,5%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Điển hình, trên biểu lãi suất mới cập nhật, ABBank đã tăng lãi suất tiền gửi lên 8,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn sáu tháng lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, tăng lần lượt 0,7 và 0,8 điểm phần trăm so với mức trước đó. Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đưa ra chính sách ngày vàng hút tiền khi đẩy lãi suất lên đến đỉnh 9,1%, áp dụng từ ngày 20 đến 24-8, gửi kỳ hạn càng dài, lãi càng lớn. Mặc dù chỉ áp dụng trong thời gian ngắn nhưng lãi suất của VIB được coi là cao kỷ lục trong số các ngân hàng hiện nay. Tương tự, kể từ ngày 22-8, VPBank áp dụng biểu lãi suất mới cao hơn so với trước đó 0,2-0,4 điểm phần trăm cho hầu hết các kỳ hạn trên sáu tháng. Một số cái tên khác cũng tham gia cuộc đua là OCB, SHB hay Eximbank.

Trước đó, ngày 19-8, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đã gây “sốc” cho thị trường bằng việc tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất lên tới 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng. Như vậy, mức lãi suất mà Viet Capital Bank đưa ra đang vượt trội hơn hẳn so với các ngân hàng khác - vốn đang ở quanh mức 9%/năm. Đồng thời, mức lãi suất này cũng đang ngang ngửa và cạnh tranh trực tiếp với các công ty tài chính tiêu dùng - vốn chỉ được huy động vốn từ các khách hàng là tổ chức. Khoản tiền gửi thông thường của ngân hàng này cũng đang chiếm lĩnh vị trí quán quân trên thị trường với 8,6%/năm.

Đáng lưu ý, không chỉ có các NHTMCP tư nhân tham gia rầm rộ trong cuộc đua lãi suất, mà cả các “ông lớn” nhà nước cũng không thể ngồi yên. Mới đây cả BIDV và VietinBank đều niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7%/năm, tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm so với trước đó.

Đâu là nguyên nhân?

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tín phiếu mới đây, thậm chí có thể xem xét giảm lãi suất thị trường mở (OMO) trong thời gian tới dường như có rất ít tác động đối với mặt bằng lãi suất cho vay nói chung trên thị trường.

Điều này không chỉ do sự hạn chế của cơ chế truyền dẫn giữa lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng sang lãi suất cho vay thực tế, mà còn do sự “lồi lõm” trong thanh khoản hệ thống cũng như các yếu tố mang tính cấu trúc nhằm đáp ứng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn của toàn hệ thống hiện nay.

Các ngân hàng tham gia tăng mạnh lãi suất huy động từ đầu tháng 8 đến nay đa phần là các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ và vừa, cũng không phải là những ngân hàng có truyền thống thanh khoản dư thừa từ xưa đến nay. Chưa kể vay trên thị trường liên ngân hàng, mặc dù lãi suất thấp nhưng không phải ngân hàng nào cũng vay được một cách dễ dàng. Việc phải cạnh tranh vốn với kênh lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (đang phát triển rất sôi động), cũng như nhu cầu huy động vốn nhằm đáp ứng mùa kinh doanh cuối năm và đáp ứng chuẩn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, được xem là những nguyên nhân chính lý giải chính cho làn sóng tăng lãi suất huy động hiện nay.

Với đặc điểm của nền kinh tế hiện nay, nhu cầu vốn trung và dài hạn là rất lớn và chủ yếu dồn vào hệ thống ngân hàng khi mà thị trường vốn chưa phát triển mạnh để “chia lửa”. Tỷ trọng dư nợ trung và dài hạn của nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua còn ở mức khá cao. Cụ thể, khảo sát tại 22 ngân hàng cho thấy, tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trung bình mặc dù đã giảm nhẹ 0,69 điểm, từ mức 55,33% hồi đầu năm xuống còn 54,64% vào cuối quí 2 vừa qua nhưng vẫn còn ở mức cao.

Khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong cơ cấu tổng dư nợ của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn khá nhiều so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Khi tỷ trọng các khoản vay kỳ hạn dài vẫn cao, trong khi lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện quy định ở mức 40%) tiếp tục được thực hiện, thì các ngân hàng sẽ vẫn chịu áp lực lớn về cơ cấu nguồn vốn.

Theo đó, ưu tiên huy động sẽ tập trung vào các kỳ hạn dài (trên 12 tháng), khiến lãi suất ở các kỳ hạn này “neo” ở mức cao. Lãi suất đầu vào không giảm, lãi suất đầu ra cũng khó mà giảm theo. Chưa kể, lộ trình đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II sẽ khiến không ít ngân hàng tăng cường vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu dài hạn. Những đợt phát hành này, nếu muốn thành công, cũng phải có mức lãi suất đủ hấp dẫn.

Nói tóm lại, vốn huy động trung và dài hạn của các ngân hàng hiện nay đang chịu áp lực từ nhiều phía, do đó khó có thể giảm, ít nhất là cho đến sau năm 2020 khi thời hạn đáp ứng các quy định về an toàn vốn qua đi, trừ khi tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh khiến nhu cầu về vốn giảm đột ngột. 

Đăng Linh
0 Nhận xét