“Cuộc đua” đuổi kịp khẩu vị của khách hàng thời 4.0

Công nghệ phát triển, hàng loạt các xu hướng mới liên tục ra đời khiến sở thích ăn uống của thực khách tại Việt Nam thay đổi nhanh hơn bao giờ hết.
Thay đổi bộ mặt ngành F&B

Thời đại 4.0 bùng nổ khiến mọi thứ vận hành với tốc độ chóng mặt. Tiêu dùng nhanh, ngân hàng, bất động sản… buộc phải chuyển mình bởi tác động của công nghệ. Dịch vụ ăn uống (F&B) cũng không ngoài cuộc. Những thay đổi của lĩnh vực này diễn ra ngày càng nhanh.

Một phép so sánh nhỏ: thức ăn nhanh (fastfood) nhen nhóm từ năm 1997 khi KFC khai trương nhà hàng đầu tiên tại TP HCM, tuy nhiên, phải đến 2009-2010, người ta mới thấy rõ độ phủ của loại hình được rót vốn "tỷ đô" này. Trong khi đó, giờ đây, những chuỗi cà phê, trà sữa phục vụ giới trẻ như Highlands, Gong Cha… cần chưa đến 5 năm để chiếm lĩnh các thành phố lớn - có thể thấy bức tranh F&B đang "biến động" nhanh đến mức nào.

Công nghệ chính là đòn bẩy cho những cú bứt phá ấy. Nhờ sự phổ biến của internet, máy tính và điện thoại thông minh (smartphone), người giới thiệu món ăn (food-blogger), dịch vụ gọi món… liên tục ra đời, cuốn theo sự thay đổi trong thói quen và nhu cầu của thực khách. Họ dễ dàng tìm kiếm món ăn, xem video đánh giá qua mạng. Không cần nếm thử, họ vẫn có thể so sánh các nhà hàng cùng loại, trở nên ngày càng am hiểu và kỹ tính. Họ dễ dàng tiếp cận và tiếp thu các xu hướng ẩm thực mới, điển hình như các trào lưu sử dụng thực phẩm hữu cơ (organic), thân thiện với môi trường (eco-friendly)...

Bối cảnh này đặt những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống vào một bài toán hóc búa. Mà lời giải của bài toán này còn nằm trong khẩu vị và nhu cầu của thực khách - vốn là yếu tố mà các hàng quán khó kiểm soát. Đặc biệt, những cửa hàng nhỏ hoặc hộ gia đình hoạt động tự phát với nguồn vốn có hạn, tầm nhìn bó hẹp, nhân sự lỏng lẻo đứng trước nhiều thách thức. Với họ, những xu hướng như eco-friendly, organic… là một điều gì đó quá "cao siêu" và xa lạ.

"Mê cung" ẩm thực với vô số trào lưu lạ, sớm nở tối tàn còn khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ lạc lối. Điển hình là các xu hướng "bánh mì muối ớt", "bông lan trứng muối"... đình đám một thời. Vào thời điểm mới ra mắt, nhờ hương vị mới mẻ, các món này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng, trở thành những cơn sốt ẩm thực khó tin. Nhiều người kinh doanh lập tức "bắt trend", bổ sung vào thực đơn của quán mình. Tuy nhiên, những xu hướng này không kéo dài. Chỉ trong vòng 1 - 2 năm sau đó, "bánh mì muối ớt" hay "bông lan trứng muối" đã rơi vào quên lãng, khiến nhiều cửa hàng "ăn theo" kinh doanh ế ẩm rồi lụi tàn.

Nương theo "con sóng"

Thực tế, vòng xoáy công nghệ đem đến nhiều thách thức cho hàng quán nhưng cũng chính công nghệ là lời giải cho bài toán khó này. Tận dụng đúng cách, công nghệ sẽ là vũ khí mạnh mẽ nhất để các hàng quán nâng cao thu nhập. Khi khẩu vị và sở thích của khách hàng trở nên khó đoán thì thông tin và dữ liệu trở thành trợ thủ đắc lực.

"Ứng dụng dữ liệu vào kinh doanh, kể cả các cửa hàng lề đường cũng có thể trở thành nhà hàng 4.0. Cái họ thiếu là nhà cung cấp", một chuyên gia nhấn mạnh.

Anh Hoàng Thiên Chương - chủ cửa hàng xôi gà bỏ lò tại 198 Xã Đàn (Hà Nội) trung bình mỗi ngày bán 200 suất mang đi, thu chục triệu đồng. Doanh số này được anh duy trì suốt một năm qua cũng bởi hiểu "tính khí" khách hàng. Anh Chương kể, thời điểm đầu khi lên ứng dụng, doanh số tốt nhưng hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận vẫn chưa được như mong đợi. Trong lúc loay hoay để cải tiến, anh nhận được sự hỗ trợ từ GrabFood. Nguồn thu trội nhất của quán cũng đến từ chính nền tảng này. "Họ cung cấp cho tôi nhiều lời khuyên về lượng thức ăn nên chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của khách", anh Chương nói.

Cụ thể, anh được khuyên nên tập trung các suất ăn đơn lẻ vào buổi trưa. Phần lớn thực khách là dân văn phòng, cần nhanh, gọn, lẹ để quay lại công việc. Trong khi buổi tối thì "chuyên gia ẩm thực" gợi ý anh Chương đẩy mạnh khẩu phần lớn, phù hợp gia đình, nhóm đông người. "Nhờ đó lượng phản hồi tích cực ngày càng tăng. Tỷ lệ thuận theo đó là doanh số", chủ quán xôi gà nhấn mạnh.

Một nhà kinh doanh khác - anh Lâm Thành - chủ quán Chợ Lớn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) vừa lên app một tháng qua cũng đồng quan điểm. Món đặc trưng của quán là cơm thố. Thách thức của anh khi hợp tác với dịch vụ giao thức ăn là đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng nóng sốt như trong thố đất. "Nhờ những định hướng của đơn vị giao nhận mà tôi quyết định chọn hộp đựng hình tròn, với nắp đậy kín thay vì hộp chữ nhật rẻ tiền. Bên cạnh thay đổi bao bì, theo thống kê thì món cơm thố vịt quay bán chạy nên doanh nghiệp xây dựng ưu đãi riêng. Cảm nhận sau một tháng qua là doanh số hiệu quả hơn hẳn", anh Thành đánh giá.

Những lời khuyên, hướng dẫn từ các đơn vị chuyên nghiệp luôn phù hợp với thị hiếu khách hàng, bởi mỗi ngày các doanh nghiệp đang tương tác với hàng chục triệu người dùng thông qua loạt dịch vụ tiện ích trên nền tảng. Điều đó cho phép họ, hơn ai hết, thấu hiểu trào lưu, thấu hiểu khách hàng, từ đó tư vấn hiệu quả cho các đối tác hàng quán. Các cửa hàng thu lợi dồi dào thì chính dịch vụ cũng mang về lợi nhuận.

Đó cũng là minh chứng cho thấy, những nỗ lực của các dịch vụ giao nhận thức ăn không chỉ hướng đến bài toán kinh doanh. Họ đang tạo ra môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực F&B, truyền động lực cho các chủ quán trong việc cải thiện công thức, cốt yếu nhằm tăng lợi ích cho người tiêu dùng, phục vụ cộng đồng bằng công nghệ (#TechforGood)

Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
0 Nhận xét