Cha đẻ Phở 24 Lý Quý Trung và những “thất bại đau đớn” khi khởi nghiệp F&B: Quán đông chưa chắc đã lời, cuối ngày ngồi cộng sổ có lãi là mừng…

“Sai lầm học được nhiều. Thành công học được ít. Thành công trôi đi còn sai lầm nó thấm. Làm F&B cuối ngày ngồi cộng sổ có lời là mừng….”, ông Lý Quý Trung, CEO Aka Furniture Group chia sẻ tại sự kiện mới đây.
Ông Lý Quý Trung - cha đẻ Phở 24
Làm F&B: Có những tiệm đông khách nhưng vẫn lỗ

Chia sẻ những lời “ruột gan” sau rất nhiều lần thất bại trên con đường khởi nghiệp, ông Lý Quý Trung cho rằng: Trong kinh doanh, đặc biệt kinh doanh ở lĩnh vực F&B, cuối ngày cộng sổ mới biết lời hay lỗ. Không phải cứ thấy quán người khác đông là nôn nao “nhảy” vào làm. Quán đông nhưng chưa chắc đã lời. Lời hay lỗ chỉ ông chủ mới biết.

Những thất bại được xem là đau đớn và tiêu tốn rất nhiều tiền của của vị doanh nhân này đã được đúc kết thành những kinh nghiệm xương máu trên con đường khởi nghiệp.

Thu không đủ bù chi: Năm 1996 ông Trung khởi nghiệp mô hình quán bar Jazz Club và phải sang quán vào năm 1999, đồng thời đem hết tài sản cá nhân trả nợ cho bar này trong vòng 3 năm. Lý do, xây dựng mô hình quán bar nhỏ nhưng chi phí đầu tư quá cao. Trong khi bản thân không làm bài tập nhà, không nắm kỹ và tính toán số lượng khách vào ra, tiêu xài đầu người bao nhiêu. Kết quả tổng doanh thu không lại chi phí chi ra. “Tất cả đều liên quan đến sơ suất của mình, những điều mình đã biết vẫn có thể sai. Kinh doanh F&B chỉ cần bất cẩn một cái là rất dễ thất bại”, ông Trung cho hay.

Mô hình kinh doanh thiếu uyển chuyển khi vào thị trường Việt Nam: Năm 2007, ông Trung tiếp tục khởi nghiệp với chuỗi Gloria Jeans Coffee nhưng cũng thất bại. Nhưng, mô hình này chỉ bán đồ uống mà không bán đồ ăn. “Nếu làm F&B mà chỉ bán cà phê thôi rất khó để có lời”, ông Trung khẳng định. Rất nhiều quán cafe đông khách nhưng cuối ngày đếm tiền thấy lỗ. Nếu không bán đồ ăn, bán một ly cà phê mà khách ngồi cả ngày thì chắc chắn sẽ lỗ. “Ông chủ phải tính toán kỹ mô hình kinh doanh sao cho phù hợp với thực tế”, ông Trung chia sẻ.

“One meal” concept- never Works!: Năm 2009 ông Trung strartup mô hình Yagen Fruz và cũng phải bán cổ phần để thoát ra. Lý do thất bại theo ông Trung là chỉ bán được một buổi cho khách và không có lời như mình mong muốn. Theo vị CEO này, làm F&B phải bán ít nhất cho khách 2 lần/ngày (buổi trưa và tối). Nếu mở ra nhà hàng mà chỉ bán ban đêm thì rất khó thành công, trừ trường hợp nhà hàng đó rất đông khách và bán giá rất cao.

Không có phương án dự phòng: Trong vòng 1 năm ông Trung cũng phải đóng cửa 2 tiệm phở tại Singapore vì không tính toán được thói quen ăn uống của khách hàng và tìm phương án dự phòng bán đồ khác nếu không có khách ăn phở vào buổi tối. Theo ông Trung, tiệm mở ra bị lỗ vì buổi tối không có khách đến ăn phở mặc dù buổi trưa ăn rất đông. Trong khi buổi tối muốn bán thêm món gì đó thì cấu trúc của cửa hàng được thiết kế chỉ để làm phở nên không linh hoạt được. Sai là ở chỗ cấu trúc cái tiệm sai ngay từ ban đầu.

Vị trí, vị trí và vị trí: Từng mở nhà hàng Đào Viên ở Thái Lan mặc dù được thiết kế rất đẹp, bắt mắt nhưng cũng thất bại vì sai vị trí. Nhà hàng nằm sâu ở con hẻm và là đường một chiều, rất bất tiện cho khách hàng ghé ăn. “Nhà hàng có đẹp, món ăn ngon cỡ nào đi nữa nhưng sai vị trí cũng là thất bại. Trong khi nhiều mô hình kinh doanh F&B không xuất sắc nhưng trúng vị trí tốt có thể thành công”, ông Trung nhấn mạnh.

Ham mặt bằng rẻ: Năm 2009 ông Trung khởi nghiệp với Viva Saigon và đóng cửa đúng 1 năm. Quán nằm trên lầu, ở Q.7, trong khi mô hình kinh doanh này hướng đến đối tượng khách hàng là du khách, khách văn phòng sang, khách Việt cao cấp - những đối tượng này chủ yếu sống và làm việc tại Q.1, Q.3. “Do ham mặt bằng rẻ và chọn sai vị trí ngay từ đầu nên đã thất bại. Tôi vô cùng đau khổ và tiêu tốn khá nhiều tiền của vào đây”, ông Trung cho biết.

Nghiên cứu thị trường thiếu sót: Năm 2015 ông Trung tiếp tục khởi nghiệp với nhà hàng Bon Bistrong ở Sydey - Úc và cũng đóng cửa sau đó 2 năm. Theo ông Trung thời điểm đầu mở nhà hàng rất có tiềm năng, cư dân xung quanh đông đúc, lại gần trường học…nhưng do không tìm hiểu kỹ thị trường, cửa hàng mở ra đúng thời điểm học sinh nghỉ hè 4 tháng. Khách sau đó vắng hoe, lỗ nên đóng cửa.

Không có thị trường: Khi kinh doanh lĩnh vực F&B theo ông Trung, chủ doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi là khách hàng của mình là ai, phục vụ cho ai. Sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của khách. Tất cả các khách hàng đều có nhu cầu như sạch sẽ, an toàn, ngon… nhưng họ không thể hiện ra. “Tôi từng khởi nghiệp với mô hình Bamizon nhưng thất bại chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”, ông Trung tiết lộ.

Mô hình kinh doanh không nhất quán: Từng nghỉ việc để kinh doanh siêu thị Citi Plaza Nguyễn Trãi nhưng lại lẫn lộn hàng bình dân và cao cấp khiến mô hình này cũng không trụ nổi trên thị trường, phải bán lại.

“Sai lầm học được nhiều, thành công học được ít vì thành công trôi đi, sai lầm nó thấm. Hiểu người đã là khôn nhưng hiểu chính mình mới là khôn thực sự. Hiểu những cái dở của mình, chứ không phải hiểu cái sai”, ông Trung chia sẻ.

Trong khởi nghiệp, tránh được thất bại lúc nào hay lúc đó!

Theo ông Trung, thành công trong khởi nghiệp nằm ở mô hình kinh doanh là chính chứ không phải ở sản phẩm. “Hiện tại dù phở 24 đã không còn được như trước đây nhưng có thể khẳng định rằng, thành công của phở 24 là vì mô hình hay”, ông Trung khẳng định.

Có một số bạn trẻ dù chưa có kinh nghiệm nhưng cho rằng sản phẩm của mình chắc chắn sẽ ngon, cạnh tranh lại các sản phẩm đang có trên thị trường. Nhưng trong kinh doanh, nếu mình nghĩ là sản phẩm của mình ngon thì có hàng ngàn người cũng nghĩ sản phẩm của họ ngon.

“Sản phẩm dù ngon mấy cũng khó thành công được. Thành công nằm ở mô hình kinh doanh là chính chứ không phải ở sản phẩm”, ông Trung chia sẻ.

Thực tế, khi bước vào kinh doanh dù mình có hiểu biết đến đâu vẫn mắc sai lầm. “Tôi phải thừa nhận rằng, ngày xưa khởi nghiệp vì còn trẻ nên thiếu kinh nghiệm, thấy cái gì cũng màu hồng. Làm quá nhiều thứ một lúc là sai nhưng sai lầm đã giúp mình tốt hơn”, CEO Aka bộc bạch.

“Thời mình khởi nghiệp, tôi quan niệm, có thể thất bại 10 cái nhưng có 1 cái thành công, có lời vẫn được. Sau 10-20 năm ngồi cộng sổ lại thấy mình thông thái hơn, trưởng thành hơn, thì trên con đường khởi nghiệp thất bại là chuyện nhỏ”, ông Trung chia sẻ.

Nhưng, hiện tại tôi khuyên các bạn trẻ, khởi nghiệp đừng lạm dụng câu nói “thất bại là mẹ thành công”, tránh được thất bại lúc nào hay lúc đó. Nếu chưa có kinh nghiệm thì hãy thực tập trên tiền của người khác trước trên tiền của mình để tích lũy kinh nghiệm. Đặc biệt phải bình tĩnh để chuẩn bị cho tốt trước khi khởi nghiệp.

Tuy thất bại giúp mình dễ thành công sau này nhưng đừng lạm dụng, ỉ lại, dễ dãi với nó. Người trẻ khởi nghiệp càng phải cẩn thận vì thị trường F&B cạnh tranh rất khốc liệt. Chưa có nước nào nhiều F&B như Việt Nam, thị trường lớn nhưng cạnh tranh lại là “đại dương đỏ”.

“Do đó, khởi nghiệp thì ngoài yếu tố sản phẩm tốt thì phải có mô hình kinh doanh tốt, đánh giá được thị trường xung quanh; khi triển khai phải chọn đúng địa điểm. Nếu sản phẩm của mình không có gì đặc biệt thì phải kiên nhẫn chờ thời”, ông Trung nhắn nhủ.

Phương Nga
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét