Hai ông lớn ngành trang sức và bán lẻ điện tử đang chạy đua chiếm lĩnh thị trường đồng hồ ra sao ?

Thị trường đồng hồ chính hãng ước tính trị giá đến 17.000 tỉ đồng. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn ngoài ngành như PNJ và Thế giới di động đang bắt đầu "đổ bộ" để chiếm lĩnh thị phần trong bối cảnh có nhiều dự báo về thách thức cạnh tranh ở lĩnh vực kinh doanh chính.
Mặc dù ngành kinh doanh chính vẫn được đẩy mạnh trong năm tài chính mới nhưng các doanh nghiệp thuộc nhóm có vốn hóa dẫn đầu thị trường chứng khoán bắt đầu "dòm ngó" thị trường đồng hồ nhằm tối ưu hóa khả năng gia tăng lợi nhuận.

Tại Đại hội cổ đông năm 2019 của PNJ, trả lời thắc mắc của cổ đông về lĩnh vực đồng hồ mà PNJ đang phát triển, ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc của PNJ cho biết : "Mảng đồng hồ có tiềm năng tăng trưởng lớn, dự kiến doanh số đạt 130 tỉ đồng trong năm 2019".

Bên cạnh mảng kinh doanh vàng bạc, đá quý, trang sức đem lại doanh thu chiếm tỉ trọng cao, đạt giá trị gần 15.000 tỉ đồng trong năm vừa qua, PNJ đã tiếp cận thị trường đồng hồ từ năm 2012, tập trung vào phân khúc trung và cao cấp với các thương hiệu như Longines, Movado, Michael Kors, Tissot, Silvana & Jowissa...

Hiện nay, PNJ đã có một thương hiệu riêng mang tên PNJ Watch, chuyên kinh doanh đồng hồ và sở hữu gần 20 cửa hàng trên khắp cả nước, dự kiến mở rộng thêm 20 cửa hàng nữa trong năm 2019.

Không kém cạnh PNJ, các đối thủ cùng ngành như Doji và mới đây nhất là Thế Giới Di Động cũng bắt đầu tiếp cận thị trường trị giá 17.000 tỉ đồng này.

Đầu tháng 3-2019, Thế Giới Di Động bắt đầu mở bán đồng hồ trên website. Các thương hiệu mà Thế Giới Di Động phân phối là Micheal Kors, Fossil, Daniel Wellington, Casio...

Theo thông tin từ Thế Giới Di Động, đồng hồ sẽ được bán ban đầu tại cửa hàng Thế Giới Di Động và có thể bán thêm ở chuỗi Điện máy Xanh.

Doanh nghiệp này tập trung cho phân khúc từ vài trăm ngàn đến dưới 7 triệu đồng (thấp hơn phân khúc của PNJ), phân khúc trọng tâm là từ 2-3 triệu đồng.

Tại Đại hội cổ đông năm 2019, mặc dù không công bố chính thức các con số liên quan đến mảng đồng hồ nhưng trong việc đề cử ông Trần Kinh Doanh thay mình giữ chức vụ Tổng giám đốc, ông Nguyễn Đức Tài - chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động đã khẳng định ông Doanh có "đóng góp lớn cho doanh nghiệp ở những mảng kinh doanh mới như đồng hồ".

PNJ đặt mục tiêu sẽ đạt lợi nhuận sau thuế năm 2019 khoảng 1.181 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2018, tương tự, Thế Giới Di Động cũng đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 3.571 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2018.

Duy trì mục tiêu lợi nhuận song vẫn mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng mới bởi vì các doanh nghiệp đều đánh giá được những thách thức mà lĩnh vực kinh doanh chính sẽ gặp phải.

Bà Cao Thị Ngọc Dung - chủ tịch HĐQT của PNJ cho biết có nhiều công ty do Việt kiều thành lập quay về nước cạnh tranh. Các đại gia ngành trang sức nước ngoài như Chow Tai Fook của Hong Kong cũng muốn vào thị trường Việt Nam. Trong nước, hãng trang sức có thương hiệu luôn phải cạnh tranh thị phần với cửa hàng nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Đức Tài cũng thừa nhận trước cổ đông là ngành ICT (sản phẩm liên quan đến công nghệ) chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2019, nhu cầu tiêu dùng đang bão hòa, ngành kinh doanh khác sẽ phải gánh tăng trưởng cho Thế giới di động.

Phương Danh
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét