Cuộc chiến thị phần đồ uống Việt Nam: Trà hay cà phê đang dẫn trước?

Thị trường đang tồn tại một "nghịch lý": đầu tư cho trà sữa rẻ hơn so với cà phê (mặt bằng, chi phí marketing, các chi phí vận hành...), đều là thương hiệu mới vào Việt Nam nhưng lại đang thịnh hành hơn và có vị thế áp đảo.
Cuộc chiến thị phần đồ uống Việt Nam
Với tốc độ tăng trưởng cao và mức thu nhập bình quân tăng đều đặn, Việt Nam là một miền đất hứa đầy cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nhân ngành dịch vụ. Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn, cửa hàng trà và cà phê mở cửa (và cũng đóng cửa) liên tục: từ các thương hiệu toàn cầu, các chuỗi trong khu vực châu Á, Đông Nam Á, cho đến các thương hiệu nội địa, các startup cũng như các cửa hàng nhỏ. Điều này không chỉ mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng mà còn tăng sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.

Các thương hiệu cà phê nổi tiếng như Starbucks, Twitter Coffee Bean và Tea Leaf từ Mỹ; các chuỗi trà trong khu vực, chủ yếu từ Đài Loan, như Gong Cha, Royal Tea và Dingtea...; chuỗi cửa hàng nội địa cũng mọc lên như nấm: Phúc Long, The Coffee House, Highlands,... Cả thương hiệu lâu đời Trung Nguyên cũng đang có nhiều thay đổi để không bị tụt lại phía sau trong cuộc đua này.

Một số thương hiệu nhắm đến thế hệ trẻ, trong khi những hãng khác tập trung vào đối tượng trung niên. Một số là cửa hàng take-away, trong khi số còn lại cung cấp chỗ ngồi thoải mái và tiện nghi cho khách hàng nán lại lâu hơn.

Người Việt Nam cũng đến các cửa hàng trà và cà phê cho nhiều mục đích khác nhau. Thanh thiếu niên và sinh viên thích tụ tập với bạn bè hoặc đến các quán để học. Nhóm khách hàng trưởng thành có xu hướng dành thời gian ở đó với gia đình, đối tác hoặc thậm chí tổ chức các cuộc họp nhỏ. Thế hệ trẻ là nhóm mục tiêu chính để định hình xu hướng tiêu dùng trà và cà phê trong tương lai, cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng của tiêu dùng ngoài gia đình (out of home – OOH).

Một khảo sát theo dữ liệu ban đầu của Kantar Worldpanel's Out of Home tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 cho thấy, quy mô thị trường của trà gần gấp đôi cà phê.

Theo khảo sát, đồ uống có nguồn gốc từ trà đang phổ biến hơn khi một nửa thành phố Hồ Chí Minh đều dùng chúng. Trong khi lượng khách hàng tiêu thụ cà phê chỉ chiếm khoảng một phần ba dân số thành phố.

Trong số các loại trà, trà sữa là lựa chọn được yêu thích nhất, tiếp theo là trà đào và matcha. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều cho ba loại trà hàng đầu đó, cao hơn 1,5 đến 2 lần so với các loại trà khác. Hơn nữa, thị trường trà sữa Việt Nam đang nóng lên trong những năm gần đây. Số lượng cửa hàng nhượng quyền đã bùng nổ từ các góc phố đến trung tâm mua sắm, với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Do đó, thị trường trà sữa dự kiến ​​sẽ còn tăng trưởng và tiếp tục phát triển mạnh với nhiều thương hiệu, hương vị và topping hơn.

Mặt khác, mặc dù Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, cà phê chiếm thị phần nhỏ hơn, vì kén khách hơn. Đen đá và nâu đá là hai lựa chọn cà phê phổ biến nhất. Tuy nhiên, các loại cà phê hiện đại hoặc cà phê theo phong cách phương Tây như cappuccino, mocha và cà phê pha trộn đá (frappe) đang ngày càng phổ biến. Phong cách cũng như hương vị cà phê mới, cùng với số lượng ngày càng tăng của chuỗi cà phê hiện đại đang tạo ra một cuộc chơi lớn hơn, tác động mạnh đến các loại cà phê truyền thống và cổ điển.

Xét về địa điểm mà người tiêu dùng TP.HCM thường đến, báo cáo cho biết, ba thương hiệu hàng đầu chinh phục người tiêu dùng hiện nay là The Coffee House, Phúc Long và Highlands. Điều thú vị là, trong các cửa hàng cà phê này, đồ uống có nguồn gốc cà phê thực sự chỉ chiếm một nửa doanh số. Các loại đồ uống khác như trà, nước ép trái cây và nước ngọt chiếm ưu thế trong nửa còn lại. Điều đó có nghĩa là chúng cũng là mặt hàng quan trọng không kém đối với các nhà bán lẻ cà phê.

Tại Hà Nội, trà sữa cũng tỏ ra áp đảo so với cafe. Nếu đi dọc theo các con phố lớn như Bà Triệu, Giảng Võ, Cầu Giấy, có thể thấy hàng loạt các thương hiệu trà sữa khác nhau, nhiều đến không thể nhớ nổi, nhưng cafe thì chỉ có Highland và The Coffee House hoặc Cộng là phổ biến nhất. Các cửa hàng có rất nhiều phương thức hoạt động, tùy vào phong cách, vị trí và diện tích mặt bằng.

Các cửa hàng trà sữa take-away thường chỉ rộng từ 20-30 mét vuông, chỉ có 1 tầng duy nhất, không có ghế cho khách ngồi lâu mà chỉ có ghế cho khách chờ đồ mang đi. Loại cửa hàng này thường xuất hiện ở gần các trường học, sân bay, trung tâm thương mại - những vị trí có đông người qua lại nhưng không có nhiều diện tích mặt bằng. Vì thế nên khách hay đặt mua mang về hoặc gọi ship qua ứng dụng, dẫn đến cảnh xếp hàng dài chỉ để mua một cốc trà.

Một cửa hàng trà sữa tiêu chuẩn thường rộng từ 30-50 mét vuông, thường có từ 2 đến 3 tầng, tập trung ở khu vực gần trung tâm thương mại và chung cư. Các cửa hàng loại này có nhiều chỗ ngồi, được trang trí đẹp, không gian thoáng rộng để khách có thể ngồi lại thoải mái nhất.

Đối với một cửa hàng Highland lớn, diện tích mặt bằng thậm chí có thể lên đến 80-100 mét vuông, đặt ở các vị trí đắc địa như các trung tâm thương mại lớn, góc hồ, các ngã tư đông đúc, với view rất đẹp.

Giá của một cốc trà sữa trung bình khoảng 40-50 nghìn VND đối với các thương hiệu như Dingtea, Tocotoco, Bobapop,... Ở phân khúc cao hơn như Gongcha, Royaltea hay The Alley, một cốc trà sữa đầy đủ topping có thể lên đến 60-80 nghìn VND. Các hàng trà sữa hầu như chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt. Giá tại các cửa hàng take-away hay cửa hàng tiêu chuẩn là như nhau, trong khi chi phí mặt bằng có thể có sự chênh lệch rất lớn.

Trong khi đó, giá cafe hoặc trà ở Highland hóa ra lại rẻ hơn tương đối, mặc dù luôn ở vị trí đẹp hơn và mặt bằng rộng hơn. Một tách cafe phin có giá 29 nghìn VND, các loại cafe hiện đại hoặc các loại trà có giá từ 40-55 nghìn VND.

Theo Nguyễn Thái Quỳnh Trang
Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét