Công khai bảng lương nhân viên: Truyền lửa tinh thần, xóa bỏ “thị phi”, nhưng tại sao ít công ty dám áp dụng?

Việc công bố mức lương đã được chứng minh thực tế là đem lại động lực cá nhân và kích thích năng suất tập thể. Nhưng hiện tại chỉ có 17% doanh nghiệp công khai bảng lương, 41% không khuyến khích chia sẻ và đặc biệt là 25% nghiêm cấm tiết lộ lương cho bên thứ ba.
Công khai bảng lương có lợi ích gì?

1. Nâng cao tinh thần

Chuỗi siêu thị WholeFoods và hãng phân tích SumAll là hai trong nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới công khai bảng lương trong nội bộ. Startup mạng xã hội Buffer còn tiến một bước xa hơn khi công bố mức lương của toàn bộ vị trí lên website của công ty.

Hailley Griffis, Giám đốc Quan hệ công chúng của Buffer chia sẻ rằng số lượng ứng viên của công ty đã tăng vọt sau khi mức lương được công khai rộng rãi.

CEO Dane Atkinson của SumAll khẳng định trên Business Insider rằng sự minh bạch về tiền lương đã giúp năng suất và khả năng hợp tác của từng nhân viên được nâng cao. Một nghiên cứu trên tạp chí Kinh doanh & Tâm lý vào năm 2016 còn cho hay: Nhân viên sau khi biết thang lương sẽ có động lực học hỏi những cá nhân có lương cao, xem họ như là một "tấm gương" để noi theo.

Elena Belogolovsky, giáo sư ngành Quản trị nhân sự của Đại học Cornell cho hay: "Khi chưa biết được mức lương của đồng nghiệp, đa phần nhân viên thầm nghĩ rằng mình xứng đáng được nhiều hơn."

"Nhưng khi nhân viên có đủ dữ liệu, họ sẽ so sánh được mức lương thị trường và khả năng của bản thân, dẫn tới ít thất vọng hơn." theo Chandra Childers, một nhà nghiên cứu của Học viện Chính sách Phụ nữ.

2. Giảm bớt chênh lệch

Lilly Ledbetter đã trở thành một biểu tượng chống lại chênh lệch thu nhập qua vụ kiện nổi tiếng với tập đoàn Goodyear.

Sau gần 19 năm cống hiến, Ledbetter ngỡ ngàng khi biết rằng mình chỉ được trả 3.727 USD/ tháng, trong khi các đồng nghiệp nam với cùng chức vụ và kinh nghiệm nhận được từ 4.286 USD đến 5.236 USD mỗi tháng.

Vụ kiện này dẫn tới sự ra đời của Dự luật trả lương công bằng vào năm 2009, cho phép nhân viên "thoải mái" kiện doanh nghiệp nếu có đủ bằng chứng rằng mình đang bị thiệt, khiến các doanh nghiệp ngày càng minh bạch mức lương hơn.

Một bằng chứng khác tại các tổ chức công quyền tại Mỹ, do bị yêu cầu công bố bảng lương công khai, mức lương trung bình của phụ nữ luôn đạt trên 81% so với nam giới.

Trong khi đó, tại các tổ chức tư nhân với thang lương được giữ bí mật, nữ giới chỉ nhận được 79% lương so với các đồng nghiệp nam.

Vì thế, startup Buffer được xem là một "tấm gương sáng" về công khai thu nhập, với công thức tính lương chỉ dựa và vị trí, kinh nghiệm và chi phí sống trung bình, gần như không có một sự chênh lệch nào được phát hiện.

3. Loại bỏ "thị phi"

Chính sách minh bạch không chỉ tăng năng suất làm việc mà còn giúp Whole Foods, SumAll và Buffer được truyền thông đánh giá rất cao. Ở chiều ngược lại, Uber, BBC và Google liên tục đón nhận chỉ trích và vô số đợt "tẩy chay" vì các cáo buộc lương thưởng không công bằng.

Rất nhiều bang lớn tại Mỹ như California, Delaware và Colorado đã thông qua đạo luật cho phép nhân viên được trao đổi mức lương với nhau, cấm doanh nghiệp thực hiện những hành động trừng phạt khi chia sẻ thông tin này như trước.

Trong khi đó, các trang web như GlassDoor và PayScale liên tục lớn mạnh do nhu cầu tìm hiểu thị trường để đòi hỏi quyền lợi chính đáng ngày một tăng cao.

"Nhân viên nào cũng mong muốn biết thêm về mức lương, doanh nghiệp nếu không chủ động minh bạch thang lương sẽ trở thành nạn nhân của những tin đồn thất thiệt, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào." – một Quản lý nhân sự cho hay.

Lợi ích là thế, nhưng tại sao ít doanh nghiệp dám công khai?

1. Khó quản lý "nhân tài"

Lý do lớn nhất đằng sau quy luật "cấm khai" là do doanh nghiệp sợ đánh mất những nhân viên có tay nghề cao và mức lương thấp, một quản lý nhân sự giấu tên cho hay:

"Nếu không ai biết lương của nhau, công ty sẽ trở nên linh hoạt hơn với quỹ lương của mình. Nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng chi phí thấp là điều bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn."

Không những thế, việc công khai bảng lương được một số người nhận định chẳng khác nào "vạch áo cho người xem lưng", khiến các "nhân tài" dễ dàng bị săn đón.

"Chỉ cần trả thêm 20.000 USD mỗi năm, đối thủ của chúng tôi có thể dễ dàng "lôi kéo" cả đội ngũ kỹ sư đang nắm giữ các bí mật công nghệ sống còn."- CEO của Buffer chia sẻ: "Đó chính là điều làm chúng tôi sợ hãi nhất khi công khai bảng lương, nhưng may mắn là nó đã không xảy ra".

2. Chênh lệch sinh đố kỵ

Minh bạch bảng lương dù đem lại động lực cho nhiều nhân viên, nhưng nó cũng có khả năng gây khó chịu cho không ít người.

"Trong những môi trường khó "định lượng" năng suất và hiệu quả làm việc, ai cũng nghĩ rằng mình đang cống hiến nhiều hơn." Todd Zenger – Giáo sư kinh tế của Đại học Utah cho hay: "Công bố bảng lương sẽ khiến nhân viên so bì lẫn nhau."

Một quản lý nhân sự khác còn khẳng định rằng việc minh bạch bảng lương sẽ ảnh hưởng rất xấu tới nhân viên có mức lương thấp: "Khi biết được mức lương của đồng nghiệp, một số nhân viên chỉ cảm thấy đố kỵ thay vì có động lực phấn đấu, những người đang được trả lương thấp hơn sẽ sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào."

3. Hiểu lầm không đáng có

Ngoài ra thì mức lương còn phụ thuộc vào yếu tố cá nhân và thương lượng giữa công ty và nhân viên, nếu chỉ công bố bảng lương mà không đi kèm lý do tại sao có mức lương đó, các nhân viên được trả lương thấp sẽ hết sức thất vọng.

Nhà nghiên cứu Penner cho biết thêm: "Nhiều thông tin quá cũng không tốt, vì chắc chắn nó sẽ bị lạm dụng khi chưa rõ ngọn ngành.

Doanh nghiệp nên thẳng thắn chia sẻ công thức tính lương hơn là kết quả, vì chính nhân viên sẽ là người tự suy đoán và phân định đúng sai, và đa phần người làm thuê nghĩ rằng mình đang chịu thiệt."

Còn bạn thì sao? Bạn đã sẵn sàng để biết mức lương của người ngồi kế bên, và đặc biệt là mức lương của sếp hay chưa?

Lê Thanh Sang
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét