Chia sẻ của cô gái từng khởi nghiệp thất bại khi về đầu quân tại startup

Môi trường làm việc tại startup đã giúp Như, một cô gái từng khởi nghiệp thất bại “lột xác” và tìm thấy đam mê của chính mình.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 08/03, phóng viên Tạp chí Khám Phá đã có dịp lắng nghe những tâm sự của cô gái trẻ Trần Thị Thanh Như về những trải nghiệm trong môi trường khởi nghiệp.

Trần Thị Thanh Như nói rằng, làm việc trong công ty khởi nghiệp là môi trường lý tưởng giúp cô phát triển bản thân. Ảnh: Hà Thế An.
Hai lần thi ĐH

Một ngày đầu năm 2019. Hai nhân viên bán hàng tư vấn giúp một quán ăn sử dụng phần mềm quản lý bán hàng và thu chi. Chiếc máy tính chủ quán bỗng gặp trục trặc và không thể cài phần mềm. Mạc Văn Khoa, nhân viên marketing của Dân Trí Soft, loay hoay sửa máy cho khách. Từ phía sau, giọng nói nhỏ nhẹ của một cô gái “Anh cất máy tính đi. Cho khách mượn máy tính của công ty mình xài thử. Khách đồng ý mình sẽ cài đặt sau”.

Khoa ngớ người: “Ừ nhỉ, thế mà anh không nghĩ ra”. Đó chỉ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của Khoa khi nói về Như – cô gái mới vào làm việc ở công ty hơn 3 tháng nhưng có thừa sự năng động, sáng tạo của tuổi đôi mươi.

Câu chuyện khởi nghiệp của Trần Thị Thanh Như (23 tuổi) cũng bắt đầu mở ra với nhiều sự truân chuyên. Nhưng với cô gái này, tất cả trải nghiệm đều hướng cô đến một mục đích lớn lao. “Đó là mình thể phát triển bản thân và luôn suy nghĩ tích cực mọi thứ. Môi trường khởi nghiệp cho em những điều đó”.

Điều đó có lẽ trước giờ cô chưa bao giờ nghĩ tới khi còn ở mảnh đất cao nguyên Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Cha mẹ Như hướng con đến với một công việc ổn định và có thể xin cho cô một vị trí trong một đơn vị nhà nước.

Nhưng mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi Như vào Sài Gòn nhập học. Mới ngày đầu chân ướt chân ráo vào thành phố học tập, Như đã khởi sự kinh doanh với một dự án nho nhỏ về thời trang. Vốn dĩ không có chuyên môn về lĩnh vực này khi Như học chuyên ngành Dược của ĐH Nguyễn Tất Thành. Nhưng chính sự đam mê đã lôi kéo như đến với dự án này.

Như cùng một người bạn tổ chức sản xuất cả quy trình may mặc. Hai người tìm mối mua vải rồi về tự thiết kế những mẫu áo thời trang. Sau khi tạo mẫu xong, họ tìm đến những xưởng may gia công rồi đặt may áo theo thiết kế sẵn.

Những hội chợ tại các tỉnh như Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu,…đều có dấu chân của Như. Nhưng sau 2 năm, dự án của Như thất bại. Cô mang nợ một số tiền và đến bây giờ vẫn đang cố “cày” để trả hết nợ.

Học tập trong môi trường năng động, dự án của cô thất bại nhưng đó chính là bước ngoặt để Như thay đổi suy nghĩ.

“Tập trung học hành, rồi tốt nghiệp và ra trường làm một cô bán thuốc, vài năm sau thì lấy chồng nuôi con. Cuộc sống sao bình yên và tẻ nhạt đến thế. Điều đó khiến mình suy nghĩ và quyết định rẽ sang một hướng khác”- Như nhớ lại.

Startup cần những người thật thà

Bỏ lại sau lưng những lời khuyên của mẹ cha, Như quyết định theo học chuyên ngành Marketing tại ĐH FPT TP.HCM. Lý do cô gái này đưa ra là học để biết vì sao mình lại thất bại trong dự án thời trang gắn bó 2 năm và tìm đến những lý thuyết về linh doanh. Như cũng đang theo học khóa marketing online để có thêm kiến thức trong lĩnh vực này.

Sự quyết tâm thể hiện trong cô gái này khi cô vừa học tại trường (buổi tối) còn ban ngày dành thời gian cho một startup phần mềm mang tên Dân Trí Soft. Đây là doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên cung cấp giải pháp phần mềm quản trị quán ăn, nhà hàng với đội ngũ thiết kế hoàn toàn là những người trẻ.

Như là một nhân tố trong số đó. Cô kết hợp những kiến thức mình có được trong trường, và kinh nghiệm “chinh chiến” với dự án khởi nghiệp trước đây để cùng đóng góp cho công ty mới.

“Hồi mới tốt nghiệp phổ thông, mình từng có thời gian làm việc ở một nhà hàng. Những đồng lương đầu tiên của mình cũng chính từ công việc này. Mình biết rằng, có không ít nhân viên trục lợi từ việc tính tiền cho khách. Vì thế, mình muốn cống hiến công sức cho startup này để giúp nhiều chủ nhà hàng, quán ăn ứng dụng công nghệ, giúp việc quản lý nhân viên, quản lý thu chi tốt hơn”- Như tâm sự.

Với Như, làm việc trong một doanh nghiệp khởi nghiệp khiến cô trở nên năng động và “đa năng” hơn. Cô kể, nó khác xa so với làm việc tại một doanh nghiệp lớn khi mỗi nhân viên chỉ được phân công làm một công việc, hay bộ phận cụ thể. Do đó, họ khó lòng trải nghiệm được nhiều vị trí khác nhau.

Nhưng làm việc trong một startup lại khác. Vì số lượng nhân sự và quy mô doanh nghiệp nhỏ, nên mọi người có thể làm việc và cùng hỗ trợ nhau làm.

“Chính vì điều đó giúp mình nhận ra được giá trị cốt lõi của công ty và hiểu được cách vận hành mô hình kinh doanh và đề xuất những giải pháp phát triển công ty. Một đội ngũ làm việc cùng nhau, coi nhau như những người trong gia đình mang lại cho mình trải nghiệm tuyệt vời. Môi trường startup chính là nơi giúp tôi có mọi thứ để phát triển bản thân”- Như hào hứng.

Startup công nghệ nơi Như làm việc với những giải pháp giúp quản trị bán hàng của doanh nghiệp luôn tạo ra cơ hội cho cô thử sức mình. Ảnh: Hà Thế An.
Ông Cao Trung Hiếu, CEO Dân Trí Soft, là một người khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự. Trước khi tuyển dụng Như, ông lên mạng tìm hiểu khá kỹ về cuộc sống của cô trên trang cá nhân Facebook. Ông đánh giá, đây là cô gái có thái độ sống tích cực, là người có trách nhiệm với gia đình.

Ông cho biết, thường sẽ đánh gia nhân viên thông qua 3 cấp độ: quan trọng nhất là thái độ làm việc, kế tiếp là kiến thức và kỹ năng. Ông phỏng vấn theo phương pháp STAR khiến người được phỏng vấn không thể nói dối.

“Như là một nhân viên thành thật và khá hòa đồng. Cô làm việc với sự độc lập cao và luôn có tinh thần tự học, tự học hỏi. Điều đó rất cần thiết với những người khởi nghiệp. Bởi trong môi trường startup không phải bất cứ cái gì người CEO cũng có thể chỉ dạy cho nhân viên mình. Sự tự độc lập và tinh thần cầu tiến sẽ giúp các bạn tiến xa hơn. Có thể trong 3 – 5 năm nữa khi các bạn có đủ sự tích lũy sẽ có thể tự có riêng cho mình một dự án khởi nghiệp”- ông Hiếu nói.

Hà Thế An
Báo Khám Phá
0 Nhận xét