5G sẽ là huyết mạch của nền kinh tế mới?

Mạng 5G được xem như là công nghệ thế hệ mới có khả năng mang lại thay đổi cho nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, y tế tới nông nghiệp.
Giới chuyên gia công nghệ ví von rằng nếu 1G giống như chiếc ván trượt, 2G là chiếc xe đạp, 3G là chiếc ôtô, 4G là máy bay thì 5G sẽ giống như tên lửa vậy.

“Về cơ bản, 5G sẽ mang lại một đường dẫn kết nối rộng hơn và nhanh hơn”, phát ngôn viên của Verizon, Marc Tracey cho biết. Về lý thuyết, 5G sẽ có tốc độ hòa mạng là 1Gbps và có thể đẩy lên đến 20 Gbps.

Theo dự kiến, mạng 5G sẽ được triển khai trên toàn thế giới vào năm 2020, tồn tại song song với công nghệ 3G và 4G để giúp người dùng có thể trực tuyến bất cứ nơi nào.

CNN cho rằng 5G sẽ là huyết mạch của nền kinh tế thế giới mới. Với 5G, thế giới sẽ thực sự xuất hiện ôtô tự lái, thực tế ảo, thành phố thông minh hay các mạng lưới robot. Công nghệ kết nối mạng thế hệ mới này cũng hứa hẹn mở ra cơ hội cho phương pháp phẫu thuật mới, vận tải an toàn cũng như các trò chơi nhập vai.

Tốc độ nhanh hơn, kết nối nhanh hơn và truy cập lên đám mây nhanh hơn là ba lợi ích chính mà 5G sẽ mang lại cho thế giới, theo CNN.

Tốc độ nhanh hơn

Giống như các công nghệ kết nối không dây thế hệ mới, 5G sẽ giúp điện thoại của mọi người kết nối nhanh hơn gấp 100 lần so với 4G. Để tải một video 8K hay một bộ phim 3D về thiết bị của mình, người dùng 4G sẽ mất 6 phút và người dùng 5G chỉ mất 3 giây.

So với công nghệ 4G, 5G có băng thông rộng hơn, cho phép nhiều thiết bị truy cập vào một mạng cùng một lúc. Trong tương lai, không chỉ điện thoại thông minh, ngay cả thiết bị cảm biến, máy điều chỉnh nhiệt độ, ôtô, robot và các công nghệ mới khác cũng sẽ đều sử dụng mạng 5G. Công nghệ 4G hiện nay không có đủ băng thông để chứa một lượng dữ liệu khổng lồ để tất cả thiết bị đó truyền tải.

Để làm được những điều này, phần lớn mạng 5G sẽ sử dụng sóng vô tuyến siêu cao tần, bởi tần số cao hơn sẽ đảm bảo tốc độ nhanh hơn và băng thông rộng hơn.

Tuy nhiên, sóng cao tần không thể đi xuyên tường, cửa sổ hay mái nhà và sẽ yếu đi đáng kể trên khoảng cách xa. Điều này có nghĩa là các công ty viễn thông sẽ phải lắp đặt hàng nghìn, thậm chí hàng triệu tháp di động thu nhỏ trên đỉnh cột đèn, bên ngoài các tòa nhà cũng như bên trong các hộ gia đình.

Đó là lý do tại sao ban đầu 5G được triển khai để hỗ trợ 4G chứ không phải thay thế hoàn toàn. Trong các tòa nhà và những nơi đông dân, 5G có thể giúp tăng tốc độ truy cập nhưng 4G vẫn sẽ được sử dụng để đảm bảo kết nối mạng trên diện rộng trong thời gian tới.

Kết nối nhanh hơn

Với mạng 5G, độ trễ giữa thiết bị và máy chủ mà chúng đang kết nối tới gần như bằng 0.

Các mạng kết nối hiện nay chưa cần tới 1 giây để thiết bị gửi và nhận thông tin về. Thiết bị liên tục giao tiếp với mạng khi hiển thị các tệp lớn như trò chơi thực tế ảo hay video HD.

Độ trễ bằng 0 đồng nghĩa rằng các loại ôtô tự lái sẽ xử lý toàn bộ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định mang tính sống còn trong nháy mắt. Ngành y tế tin rằng 5G có thể mở ra thời đại mới với công nghệ điều trị từ xa và phẫu thuật tự động.

Thế giới sẽ được chứng kiến sự ra đời của những công nghệ tân tiến này chỉ khi quá trình giao tiếp giữa mạng và thiết bị diễn ra suôn sẻ.

Truy cập lên đám mây nhanh hơn

5G có thể hoạt động giống như một máy chủ đám mây, thực hiện phần lớn công việc tính toán và lưu trữ mà ôtô tự lái sẽ phải làm nếu không có sự hỗ trợ từ mạng này. Khi đó, mỗi chiếc ôtô sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng và không gian.

Các trung tâm dữ liệu ngày nay được xây dựng tập trung ở một số nơi. Trung tâm dữ liệu càng xa, thời gian truy cập tới dữ liệu càng dài. Tuy nhiên, mạng 5G sẽ giúp rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa thiết bị và kho lưu trữ, nói cách khác là giúp thiết bị truy cập thông tin nhanh hơn.

Với công nghệ 4G hiện nay, xe tự lái và thực tế ảo cần phải lưu trữ dữ liệu ngay tại chỗ. Việc truy cập vào các trung tâm dữ liệu mất quá nhiều thời gian, gây ra hiệu tượng giật hình ảnh trên thực tế ảo và có thể đe dọa mạng sống của người đang lái ôtô.

5G sẽ làm nên nông nghiệp thông minh

Lợi ích của 5G không chỉ dừng lại ở đó. Mạng thế hệ mới này cũng sẽ tác động tới môi trường khi được sử dụng trong nông nghiệp thông minh.

Ông David Houghton, Giám đốc bộ phận Asset Tracking Solutions tại công ty NimbeLink, trả lời CNN về cách 5G và Internet of Things (Internet vạn vật, hay IoT) bảo vệ ong mật nói riêng và nguồn cung lương thực toàn cầu nói chung.

NimbeLink đã hợp tác với công ty The Bee Corp để phát triển một hệ thống theo dõi và quản lý tổ ong. Những dữ liệu cần thiết như nhiệt độ, độ ẩm, tình hình di chuyển và địa điểm của đàn ong sẽ được các thiết bị cảm biến thu thập, sau đó được chuyển về cho người nuôi để phân tích.

“Tổ ong là thứ có giá trị và vì mọi người có nhu cầu nên những người nuôi ong cần phải bảo vệ chúng. Vì vậy, họ sử dụng các thiết bị theo dõi tài sản chủ yếu để giám sát tình trạng sức khỏe của đàn ong”, ông Houghton nói.

Tất nhiên, đây chỉ là một trong những ứng dụng nhỏ của 5G đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khi chúng ta vẫn bị choáng ngợp bởi mạng thế hệ mới 5G thì các nhà khoa học lại đang nghiên cứu về một thứ lớn hơn. “5G tốt nhưng 6G còn tốt hơn”, giáo sư khoa học Ari Pouttu tại Đại học Oulu (Phần Lan) cho biết. Được kỳ vọng sẽ ra mắt vào năm 2030, mạng 6G sẽ là một bước phát triển vượt xa điện thoại thông minh.

Theo Thanh Tùng
NDH
0 Nhận xét