Nghĩ về miền Tây

(TBKTSG) - Tôi trở lại Cần Thơ sau 35 năm. Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây Nam bộ. Hiện tại, bộ mặt của thành phố này đã thay đổi rất nhiều, đường sá mở rộng, xe cộ tấp nập, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc hơn trước. Bến Ninh Kiều thơ mộng ngày xưa, nay đã được xây dựng để trở thành một khu du lịch rực rỡ.
Miền Tây - châu thổ của sông Cửu Long, mà bây giờ người ta gọi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - là một vùng đất phì nhiêu do phù sa của các nhánh sông Mêkông tạo thành. Xuất phát từ Tây Tạng, sông Mêkông uốn khúc trên gần 5.000 ki lô mét xuyên qua nhiều nước Đông Nam Á và cuối cùng đến Việt Nam rồi đổ ra biển Đông. Trong hơn 300 năm qua, châu thổ sông Cửu Long là vùng đất định cư của cộng đồng người Việt, Hoa và Khmer tạo cho khu vực một cuộc sống sung túc và một nền văn hóa độc đáo. Sông Cửu Long là tuyến đường giao thông, là nơi dự trữ cá, và là điểm đến du lịch.

Hiện nay có gần 19 triệu người sinh sống tại miền Tây, tương đương với 20% dân số cả nước. Là vùng đất mà nông nghiệp là ngành chủ lực, miền Tây xuất cảng 95% lượng gạo cả nước, 70% lượng trái cây và 65% lượng hải sản (theo Ủy hội sông Mêkông, MRC - 2017). Như vậy, châu thổ sông Cửu Long không chỉ là một vựa lúa mà còn là một thị trường, một vùng kinh tế huyết mạch của Việt Nam.

Những dấu hiệu sa sút

Nhắc lại một chút chuyện cũ, đất nước sau một cuộc chiến tranh tàn khốc và bị bao vây kinh tế sau khi hòa bình lập lại thì việc trước mắt phải lo đến là lương thực, vì vậy cũng dễ hiểu tại sao vào đầu những năm 1980 mọi sức lực đều tập trung vào việc tăng năng suất lúa gạo, chủ yếu tại châu thổ sông Cửu Long. Các kỹ thuật canh tác được áp dụng tối đa, rừng ngập mặn được khai phá bất chấp ảnh hưởng đến môi trường, người dân được khuyến khích trồng lúa thâm canh bằng các giống lúa ngắn ngày, thu hoạch nhiều vụ trong năm miễn làm sao tăng tổng sản lượng, dù qua đó các giống lúa địa phương với các nguồn gen đa dạng mà nông dân tại đây đã chọn lọc từ hàng trăm năm qua phải bị mai một. Và đến năm 1997 Việt Nam đã xuất cảng gạo đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan.

Đành rằng như vậy, nhưng một vùng đất dù màu mỡ đến đâu mà chỉ dùng, không dung (bồi) thì đến lúc nào đó sẽ bị kiệt quệ. Hậu quả của nó là đời sống của nông dân tại đây, hiện nay “tay làm hàm không nhai”. Viện Lúa ĐBSCL tính, một gia đình gồm năm người trồng lúa 2 vụ/năm trên một héc ta, đạt năng suất từ 10-12 tấn, trừ chi phí 50%, còn lại 6 tấn; nếu tính giá lúa hiện nay ở mức 7.000 đồng/ki lô gam (giá lúa trung bình ngày 3-8-2018 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam) thì thu được 42 triệu đồng/năm. Tính ra là 3,5 triệu đồng/tháng cho năm người, như vậy mỗi cá nhân chỉ thu được mỗi tháng khoảng 700.000 đồng. Một con số ở mức độ báo động. Tỷ lệ tăng trưởng của khu vực ĐBSCL cũng có xu hướng giảm rõ rệt. Riêng năm 2017, tăng trưởng kinh tế toàn vùng ĐBSCL đạt 7,39%, tăng 0,49% so với năm 2016 (6,9%), nhưng so với giai đoạn 2011-2015 (8,55%) thì tăng trưởng kinh tế năm 2017 vẫn thấp hơn 1,16 điểm phần trăm (Trung Chánh, TBKTSG Online, 5-2-2018).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng này xảy ra là do trong hơn 20 năm qua Nhà nước tập trung đưa nguồn lực quốc gia vào các ngành công nghiệp, trong khi vốn đầu tư dành cho phát triển nông thôn không đáng kể. Nguồn vốn quốc gia đầu tư cho ĐBSCL chỉ chiếm 13,6% trong tổng đầu tư quốc gia (SGGP Online 2012). Giáo sư Viện sĩ Đào Thế Tuấn than phiền: “Nhà nước bóc lột nông thôn để có phương tiện phát triển công nghiệp”. (VietNamNet 2-7-2010).

Vấn đề giáo dục và đào tạo con người của vùng này cũng ít được lưu ý và kết quả là số người mù chữ ở đây thuộc vào loại cao nhất nước, số người có trình độ trung học phổ thông rất thấp, bình quân chậm hơn so với mức trung bình của cả nước là 42 năm (Thanh Niên 8-5-2018). Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, trường Đại học Cần thơ cảnh báo: “Trình độ dân trí, chuyên môn thấp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực mà còn có nguy cơ gây nhiều bất an xã hội”.

Nhiều vấn đề lo ngại của ngành nông nghiệp

Ngày xưa khi về miền Tây tôi còn nhìn thấy hai bên đường nhiều cánh đồng lúa xanh tươi, “cò bay thẳng cánh”. Nhưng giờ đây, ruộng lúa nhường chỗ ngày càng nhiều cho sản xuất thủy sản xuất khẩu. Chỉ trong 15 năm, 80% diện tích rừng ngập mặn bị phá hủy chủ yếu để nuôi tôm và hơn hai phần ba rừng tại các vùng thượng lưu sông Mêkông cũng bị phá để lấy gỗ (noz.de). Hậu quả là vào mùa mưa không còn đủ cây để giữ nước, khối lượng nước tăng lên chảy ồ ạt vào hệ thống sông Mêkông, thúc đẩy quá trình xói mòn dòng sông. Song song đó, việc khai thác cát cho các công trình xây dựng tại thành thị làm tăng thêm hiện tượng sạt lở. Theo báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, ĐBSCL hiện có hơn 560 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 800 ki lô mét. Trong đó, sạt lở làm suy thoái diện tích rừng ngập mặn gần 29.000 héc ta. (vov.vn, 28-7-2018). TS. Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ, cho rằng “Nếu thiếu cát, sỏi, sạn thì dầu chúng ta có rất nhiều đất sét, đất thịt, bùn thì vẫn không giữ lại được, không định hình được đất đai và sẽ đẩy hết ra biển”.

Mặt khác, các công trình dẫn thủy nhập điền, đưa nước sông Mêkông sang nơi khác để trồng lúa nhiều vụ, nhất là việc xây dựng đập nước thủy điện của Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia trên thượng nguồn sông Mêkông ngày càng nhiều đã ảnh hưởng nguy hiểm đến châu thổ sông Cửu Long. Trong cái nhìn của các nước này, thủy điện là nguồn năng lượng thân thiện với thiên nhiên, vì vậy đã nhắm mắt làm ngơ trước những hậu quả nghiêm trọng của các công trình xây dựng đập nước. Theo tính toán của Ủy hội sông Mêkông, lượng nước và lượng phù sa lắng xuống đất ruộng chỉ trong khoảng 20 năm đã giảm đi từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn vào năm 2014.

Đối với châu thổ sông Cửu Long thì phù sa đóng vai trò cực kỳ quan trọng, vì chúng vừa mang lại cho ruộng lúa nhiều chất dinh dưỡng vừa giữ nước vào mùa mưa và trả lại nước cho sông vào mùa khô, nhờ đó nước sông được điều hòa và đất ít bị sạt lở.

Nhưng vấn đề khó khăn nhất của miền Tây hiện nay là phải đối mặt với thử thách của thế kỷ 21: biến đổi khí hậu. Hai năm trở lại đây, nguồn nước tại châu thổ sông Cửu Long trở thành một vấn nạn khi mức nước sông đổ về quá ít. Diện tích đất bị mặn ngày một lớn, một mặt do lưu lượng nước sông giảm mạnh trong mùa khô, mặt khác do nước biển dâng cao, tràn vào có thể làm ngập hơn 2 triệu héc ta diện tích trồng trọt, gây hại đến mùa màng và nguồn nước uống. Tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường WWF báo động, nếu mực nước biển dâng cao 1 mét so với năm 1986 thì một phần ba diện tích châu thổ sông Cửu Long, nhất là những vùng dọc theo ven biển, sẽ bị ngập mặn, không thể xây dựng hay sinh sống.

Sự sa sút của nông thôn cho thấy một tương lai buồn thảm của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và cuộc sống bấp bênh của nông dân tại châu thổ sông Cửu Long nói riêng. 

Trang Quan Sen
0 Nhận xét