Từ cấy thuê đến bán thịt heo, trải qua 3 lần sạt nghiệp, người phụ nữ đất Bắc xây dựng thương hiệu bún lớn nhất Sài Gòn trị giá 100 tỷ đồng.

Một mình xách ba lô vào Nam, trải qua bao thăng trầm, người phụ nữ Hà Tây (cũ) này đã xây dựng thương hiệu bún nổi tiếng ở đất Nam.
Phụ hồ, cấy thuê để lấy tiền ăn học

Sinh năm 1970 trong một gia đình làm bún ở Hà Tây cũ, Nguyễn Thị Bính xách ba lô một mình vào Nam với ước vọng ôn và thi vào đại học hoặc trường cao đẳng nào đó.

Thân một mình con gái, không người quen biết, Bính tự kiếm tiền để ôn thi và theo học Trường trung cấp lắp máy Long Thành - Đồng Nai, chuyên nghành vẽ kỹ thuật và chế tạo cơ khí.

Gặt thuê, cấy mướn, chở gạch, chị làm mọi thứ để mưu sinh và có tiền đi học.

Ra trường, thất nghiệp, làm lao công, học trang điểm, mở tiệm uốn tóc...

Sau 2 năm nuôi mộng đi học với ước mơ giản dị kiếm được một việc làm nhưng ra trường, Bính lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Các công ty, xí nghiệp chuyên ngành kỹ thuật, điện chỉ nhận nam, không nhận nữ.

Không tìm được việc, Bính phải đi làm giúp việc cho một gia đình 11 người ở TP HCM, sau đó làm lao công cho một cao ốc ở quận 1.

Với đồng lương ít ỏi 40.000 đồng cho 3 tháng làm việc vất vả, Bính dành dụm đăng ký học trang điểm, cắt tóc vào buổi tối với mong muốn thoát kiếp làm thuê. Và chỉ một năm sau, chị gái nghèo đã tự mở cho mình một tiệm uốn tóc nhỏ rồi tiếp tục học thêm ngành quản trị kinh doanh.

Lập gia đình vào năm 1994, chồng không có việc làm cố định phải mướn nhà thuê, Bính mắc bệnh nặng nên kiếp nghèo vẫn đeo bám. Chị quyết định bỏ nghề tóc đi bán thịt heo với số vốn là 2,5 triệu đồng đi vay.

Những chiếc nan tre của bố, viên gạch đầu tiên cho hành trình xây dựng công ty trị giá trăm tỷ

Kinh tế gia đình khá giả hơn, bệnh tật thuyên giảm nhưng chị day dứt với nghiệp giết mổ rồi quyết định bỏ nghề, chỉ làm thương lái. Sau đó, chị chuyển sang làm bún - nối nghề truyền thống của quê hương.

Nhớ đến lời dặn "Nghề của mình đỏ lửa là có tiền", chị thấy có động lực hơn nữa.

Năm 1999, biết tin con theo nghề tổ, bố chị mừng lắm. Ông chặt tre, vót thẳng làm dụng cụ phơi bún rồi gửi theo tàu lửa vào Nam.

“Bố tôi nói sẽ vào Sài Gòn làm nghề với con gái, nhưng sau 3 tháng thì qua đời. Đây là số vốn lớn nhất và ý nghĩa nhất tôi nhận được từ người thân”, bà chủ thương hiệu bún Nguyễn Bính xúc động nhớ lại.

Vài lần sạt nghiệp

Thế nhưng, để phát triển nghề truyền thống tại nơi đất khách quê người không phải chuyện dễ dàng. Những ngày tháng khó khăn triền miên, cơ sở sản xuất bún của chị từng bị quản lý thị trường tịch thu hết đồ nghề vì không có giấy phép kinh doanh.

Hai vợ chồng mất ăn mất ngủ, bữa cơm chỉ có mớ rau luộc còn lại dành tiền mua sữa cho con. Chật vật hơn một tháng trời mới hoàn tất thủ tục kinh doanh, chị lại một mình gây dựng sự nghiệp với nghề truyền thống.

Bỏ ngoài tai những lời nhục mạ của nhiều tiểu thương ở chợ, người đàn bà 32 tuổi ở nơi đất khách quê người vẫn cứ bám trụ tại sạp hàng và phát triển nghề bún truyền thống của gia đình.

Để tự bảo vệ mình, chị bắt đầu đưa sản phẩm bún tươi vào đóng gói, lấy thương hiệu hiệu bún Nguyễn Bính Thủ Đức. Cách làm của chị bị các tiểu thương phản đối kịch liệt vì họ khó có thể cạnh tranh được. Phải rất lâu sau, Bún Nguyễn Bính mới in thêm địa chỉ công ty và số điện thoại liên hệ lên bao bì sản phẩm.

Sau nhiều tháng kiên trì, tối làm sáng ra chợ bán, sản phẩm bún tươi của chị Bính ngày càng nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Năm 2005, chị Bính quyết định thành lập công ty để có chỗ đứng trên thị trường.

Trên chiếc xe máy cũ cọc cạch, đích thân chị chạy khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau đó tìm đến Ba Tri, Giồng Trôm (Bến Tre). Tại đây, chị đã tìm được nguồn gạo phù hợp để làm bún, cho độ ngon, khô nhưng dẻo dai.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, chị Bính kể: “Khi gặp đối tác mua gạo, thấy tôi đi xe máy họ chê vì không tin tưởng. Tôi lại chạy thẳng xe về TP HCM, sau đó thuê ô tô xuống đó chở gạo về”.

Tự động hóa 100% và được định giá 100 tỷ đồng

Từ chỗ bán được vài chục ký, sau chưa đầy 1 năm, Bún Nguyễn Bính đã bán được cả tấn mỗi ngày. Từng có thời gian học về cơ khí - máy móc, nên chị mạnh dạn đưa ra  ý tưởng thiết kế dây chuyền sản xuất bún công nghiệp.

Sau khi đặt hàng cho các kỹ sư cơ khí giỏi, công nghệ sản xuất bún bằng lò hơi tự động hóa với dây chuyền sản suất bún, phở, miến từ 200 kg lên 700 kg/giờ đã ra đời. Sau lò hơi, chị Bính lại tiếp tục cải tiến lên lò điện để giảm chi phí nhiên liệu.

Hiện cơ sở sản xuất bún của chị đã 100% được tự động hóa. Bún tươi Thủ Đức Nguyễn Bính đã có mặt khắp các điểm bán ở Sài Gòn, với thị phần áp đảo so với hơn 400 lò bún hiện có trên địa bàn.

Chị kể, đã có nhà đầu tư Thái Lan định mua lại công ty của chị với giá 100 tỷ nhưng do hai bên không thỏa thuận được nên thương vụ không thành.

Theo kế hoạch, khoảng tháng 8/2019, bún Nguyễn Bính Thủ Đức sẽ cho ra đời loại bún mới được áp dụng bằng công nghệ cao và giá cũng cao hơn so với giá bán hiện tại.

Thế Trần
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét