Chiến lược kinh doanh "kỳ lạ" của Netflix: "Đốt" càng nhiều tiền càng nhanh càng tốt, nhà đầu tư càng vui!

Dù dự báo dòng tiền âm tới 4 tỷ USD trong năm 2018 nhưng cổ phiếu Netflix vẫn tăng.
Ở trường kinh doanh, các sinh viên đều được dạy rằng giá trị của bất kỳ công ty nào là giá trị hiện tại của tất cả dòng tiền tương lai. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả kinh doanh gần đây của Netflix, dòng tiền tự do của họ đang âm trên 2 tỷ USD. Không chỉ vậy, công ty còn dự báo dòng tiền tự do âm từ 3 - 4 tỷ USD trong năm 2018 - lượng tiền lớn ngang ngưởng vốn hoá của một vài công ty tầm trung.

Với thông tin như vậy, phố Wall phản ứng ra sao? Cổ phiếu Netflix tăng 13% và vốn hoá thị trường vượt 100 tỷ USD. Hơi ngược phải không, thông tin tiêu cực nhưng giá cổ phiếu lại tăng?

Nhà đầu tư: Xin hãy lấy tiền của tôi đi!

Chiến lược hiện tại của Netflix dường như là làm sao để tiêu được nhiều tiền nhất, nhanh nhất có thể. Không chỉ công ty này đã tiêu hết tất cả lượng tiền mặt mà mình kiếm được, họ còn đang lên kế hoạch tham gia vào thị trường trái phiếu lãi cao để gây vốn đầu tư. 

"Trái phiếu có lãi suất cao không phải là một chiến lược đáng lo ngại", ban quản trị viết trong bức thư gửi cổ đông trong quý thứ 4. Họ chỉ ra rằng giá trị thị trường của Netlflix hiện đạt tới 100 tỷ USD trong khi đó nợ dài hạn chỉ 6,5 tỷ USD và nợ ròng là 3,7 tỷ USD. Dĩ nhiên, một vài người phản đối cách thức tính toán tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, bởi họ cho rằng giá trị thị trường có thể thay đổi – đôi khi khá nhanh.

Tuy nhiên, không chỉ tăng chi tiêu cho nội dung lên mức 7,5 – 8 tỷ USD trong năm 2018 (tức là lớn hơn mục tiêu 7 - 8 tỷ USD trước đó) - tăng so với mức gần 6 tỷ USD vào năm ngoái, mà Netflix còn lên kế hoạch tăng chi tiêu cho các hoạt động marketing ở tỷ lệ cao hơn từ 1,3 tỷ USD lên 2 tỷ USD.

Dòng tiền âm và nợ tăng - cộng thêm kế hoạch chi tiêu cho phần nội dung lên tới 17,7 tỷ USD trong tương lai có thể khiến nhiều nhà đầu tư vào Netflix "chùn chân". Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó.

Cần phải nhớ rằng, dòng tiền không phải là chỉ số quan trọng duy nhất trong kết quả kinh doanh. Thị trường toàn cầu trong lĩnh vực giải trí trực tuyến rất lớn và Netflix đang có tới hơn 100 triệu thuê bao, con số này vẫn có khả năng tăng lên trước khi thị trường tới điểm bão hòa. Hơn nữa, dù lượng thuê bao có tăng ít dần đi, thì việc tăng sự gắn kết và thời lượng xem sẽ giúp Netflix có thêm "quyền tăng giá"  và thực tế họ đã tăng giá một lần vào tháng 10 vừa qua. 

Nhìn trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh sẽ thấy, có 2 chỉ số mà Netflix hoàn thành vượt mọi dự đoán của các chuyên gia trước đó. Lượng thuê bao tăng 8,33 triệu trong 1 quý, so với con số 6,34 triệu dự đoán bởi các chuyên gia phân tích. Và nên nhớ là mức tăng này đạt được trong bối cảnh Netflix đã tăng giá cước – nguyên nhân chủ yếu khiến một số người đoán rằng sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của công ty chững lại. Tổng cộng, năm 2017 Netflix có 24 triệu thuê bao, vượt con số 19 triệu thuê bao của năm 2016. 

Không chỉ có vậy, Netflix còn công bố mức tăng 9% thời gian xem trung bình của mỗi thành viên trong năm 2017. 

Từng ấy chỉ tiêu có lẽ đủ để khiến các nhà đầu tư sốt sắng. 

Ban quản trị của công ty cũng nói thêm rằng những chi phí trả trước hầu hết là để sản xuất nội dung. Ví dụ như để sản xuất bộ phim Bright, công ty đã phải bỏ chi phí ra từ 1 – 3 năm trước khi nó được phát hành. 

Chính vì vậy, nếu tốc độ tăng thuê bao tiếp tục ở mức lớn như thế này và biên lợi nhuận hoạt động tăng vốn là kết quả của chi phí bỏ ra từ 1 – 3 năm trước đó thì việc tăng chi trong năm 2018 có thể làm các nhà đầu tự tin rằng Netflix sẽ thành công trong 1- 3 năm tới.

Huyền thoại John Malone có nói rằng trong ngành kinh doanh streaming, quy mô là vấn đề hết sức quan trọng. Và Netflix chỉ đang chắc chắn rằng họ biết chi đủ tiền để dẫn trước đối thủ đồng thời tận dụng được hầu hết các cơ hội trên toàn cầu mà họ có. 

Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/BI
0 Nhận xét