Chính sách mới về BHXH, tiền lương có hiệu lực từ 1/1/2018.

Trong tháng 1/2018, nhiều chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Điều chỉnh chế độ hưu trí mới

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75 % mức đóng BHXH hàng tháng.​

Việc đáp ứng mức lương hưu 75 % theo lộ trình tới năm 2022, như sau: Từ năm 2019, nam giới phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam giới phải có 35 năm đóng BHXH.

Với nữ giới, sau 1/1/2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75% khi đủ 30 năm tham gia BHXH, không cần lộ trình tăng dần như nam giới.

Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.

Tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 7/12/2017, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng 1: 3.980.000 đồng/tháng; vùng 2: 3.530.000 đồng/tháng; vùng 3: 3.090.000 đồng/tháng; vùng 4: 2.760.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương cũ khoảng 180.000 - 230.000 đồng/tháng.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.

Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Quy định mới về tiền lương tháng đóng BHXH

Theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 4 và điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47 ngày 16/11/2015 của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương đóng BHXH gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

Từ năm 2018, người lao động sẽ phải đóng BHXH bao gồm cả các khoản bổ sung khác. Điều này đồng nghĩa với việc nền tiền lương đóng BHXH sẽ tăng lên.

Song cả đại diện Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đều khẳng định, các khoản bổ sung khác ở đây là các khoản cố định có ghi trong hợp đồng lao động, mức tăng nền tiền lương đóng BHXH sẽ không tăng đáng kể so với trước năm 2018.

Phạt tù chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Từ ngày 1/1/2018 người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia đóng BHXH bắt buộc.

Đồng thời, cũng từ ngày 1/1/2018, quy định về xử lý hình sự đối với tội Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; Phạm tội 2 lần trở lên phạt tiền tư 200 đến 500 triệu hoặc phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm; Tội trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền

Ngày 14/4/2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 595/QĐ-BHXH về quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế

Tỷ lệ phần trăm (%) hỗ trợ trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Số tiền hoàn trả bằng số tiền Nhà nước đã hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Việc hỗ trợ tiền đóng BHXH của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2018. Không hỗ trợ tiền đóng đối với thời gian đóng BHXH tự nguyện trước ngày 01/01/2018, trừ trường hợp đóng một lần cho những năm còn thiếu.

Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo các phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong đó có thời gian sau thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng thì không áp dụng hỗ trợ tiền đóng đối với thời gian đã đóng BHXH tự nguyện.

Theo Hồng Vân
Theo Thời Đại
0 Nhận xét