Ngân hàng đã hết thời "đánh đố" người xin việc bằng thi tuyển?

Hiện nay để vào làm trong ngân hàng không quá khó, quan trọng là vị trí nào, có trụ nổi hay không trước áp lực về chỉ tiêu doanh số hàng tháng.
Ngân hàng không còn là lựa chọn HOT của thị trường nhân lực.
Thi cử đã "dễ thở" hơn

Ngoài việc ngân hàng đang ồ ạt tuyển dụng, cạnh tranh thu hút nhân sự, một vấn đề khác về yêu cầu tuyển dụng tại các ngân hàng cũng đang có sự dịch chuyển.

Từ trước đến nay, tài chính ngân hàng , kiểm toán là một trong những môi trường tuyển dụng gắt gao nhất trong thị trường lao động. Đây là những công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn thận và sự chính xác cao. Vì vậy, những người làm việc trong ngành này đòi hỏi có bằng cấp tốt, kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng làm việc, giao tiếp tốt, ngoại hình khá,...

Tuy nhiên đến nay, theo nhận định của chính những người làm trong nghề, thi tuyển vào ngân hàng đã dễ thở hơn so với thời kỳ cách đây 3-4 năm. Khi ấy, chỉ vào vị trí giao dịch viên ngân hàng, các thí sinh cũng phải trải qua 4 vòng thi: nộp hồ sơ, phỏng vấn sơ loại, test tiếng Anh vấn đáp, test Excel và cuối cùng là vòng thi nghiệp vụ. Số lượng "chọi" đông đảo như thi đại học.

Đến nay, để có một "chân" làm giao dịch viên tại các ngân hàng cổ phần đã đơn giản hơn. Ngoài yếu tố ngoại hình sáng, một số ngân hàng chỉ yêu cầu một bài phỏng vấn nhỏ đã có kết quả được nhận hay không được nhận.

Còn một số vị trí khác liên quan đến nghiệp vụ phức tạp hơn, về quy trình tín dụng thì thi trắc nghiệm với thời gian ngắn trong vòng 30 phút trong đó bao gồm 4 phần: Kiến thức về ngân hàng; IQ; tiếng Anh và hiểu biết chung. Nếu vượt qua vòng thi viết sẽ đến phỏng vấn. Hội đồng phỏng vấn gồm các đại diện: Ban lãnh đạo Văn phòng Khu vực; Ban lãnh đạo Chi nhánh; Phòng Nhân sự đưa ra các câu hỏi để thí sinh bộc lộ các kỹ năng ứng xử và thực hành nghiệp vụ.

Một yếu tố khác là đối với ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng từ 1 năm trở lên sẽ vào thẳng vòng phỏng vấn để trao đổi trực tiếp với Ban lãnh đạo chi nhánh và đại diện phòng Nhân sự mà không cần thi tuyển.

Bằng cấp không còn quá quan trọng

Về yếu tố bằng cấp, những ngân hàng quốc doanh vẫn yêu cầu bằng cấp và chất lượng đào tạo gắt gao đều yêu cầu các ứng cử viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy dài hạn tập trung các chuyên ngành: Kinh tế, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Kinh tế quốc tế/Kinh tế đối ngoại, Quản trị Kinh doanh, Luật, Công nghệ thông tin (kể cả những ứng viên có bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ). Các ngân hàng không nhận hồ sơ của những ứng viên học văn bằng hai, hệ liên thông.

Trong khi đó, tại các ngân hàng cổ phần, họ yêu cầu chung tốt nghiệp đại học kinh tế liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng. Một số vị trí chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng, thậm chí là trung cấp.

Chẳng hạn, mới đây LienVietPostBank hay HDBank thông báo tuyển dụng vị trí Giao dịch viên với yêu cầu đưa ra vô cùng đơn giản chỉ cần tốt nghiệp Trung cấp trở lên. Một số ngân hàng nước ngoài cũng tương tự như vậy, tuyển dụng hàng loạt nhân viên tư vấn thẻ tín dụng ngân hàng với tiêu chuẩn chỉ cần tốt nghiệp Trung cấp trở lên.

Trưởng phòng nhân sự và đào tạo của một ngân hàng cổ phần phía Nam cho biết, tùy thuộc vào từng vị trí mà yêu cầu tuyển dụng đưa ra khác nhau. Có những vị trí không cần quá nặng về bằng cấp mà quan trọng là các kỹ năng bởi họ là những người tương tác trực tiếp với khách hàng.

Những người có kỹ năng bán hàng, giao tiếp, thuyết phục; kiểm soát cuộc đàm thoại một cách lịch sự và chuyên nghiệp; lắng nghe một cách tích cực và kiên nhẫn với những trường hợp “khó”; biết quản lý thời gian và chăm chỉ, nhẫn nại, nhạy bén trong kinh doanh,…sẽ là những nhân viên có thể làm tốt công việc này.

Những vị trí cao cấp hơn thì đương nhiên sẽ đòi hỏi chuyên môn nhiều hơn. Ví dụ yêu cầu đối với một chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp thì phải có kiến thức nền có chuyên môn am hiểu về tài chính, tốt nghiệp Đại học khối ngành kinh tế trở lên.

Còn theo ý kiến của nhiều nhân viên trong nghề, hiện nay để vào làm trong ngân hàng không quá khó, quan trọng là vị trí nào, có trụ nổi hay không trước áp lực về chỉ tiêu doanh số hàng tháng.

Trong khi đó, theo thông tin mới đây, hiện cả nước có khoảng 40 cơ sở đào tạo Tài chính - Ngân hàng, trong đó có 24 trường ĐH với tổng số sinh viên ra trường mỗi năm khoảng 11.000 và khoảng 7.000 sinh viên của các trường cao đẳng. Theo kết quả điều tra mới đây cho thấy, cứ 25-30 tân cử nhân Tài chính - Ngân hàng xin việc thì chỉ có 1 người nhận được việc làm.

Nguồn cung rất nhiều trong khi các ngân hàng vẫn "khát" nhân sự. Đây chính là sự “vênh” trong cung cầu xét về nguồn lực lao động ngành tài chính ngân hàng. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, các ngân hàng nên đẩy mạnh hỗ trợ các trường học, giảng viên, sinh viên về kiến thức, tình huống xử lý thực tế, từ đó hạn chế tình trạng phải đào tạo lại nguồn nhân lực sau khi tuyển dụng. Đồng thời, định hướng các chương trình đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng các mục tiêu của ngành trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Theo Kim Tiền
Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét